Một dự án xe đạp thông minh hứa hẹn du lịch Huế có thêm sản phẩm mới. Song, để triển khai có hiệu quả, ngoài những nỗ lực từ phía chủ đầu tư cần có sự hợp lực từ các cơ quan, ban ngành liên quan.
Nhiều du khách chọn xe đạp làm phương tiện du lịch
Nghiên cứu dòng khách, triển khai thí điểm
Khi tỉnh đang có những chương trình cổ động, khuyến khích đi xe đạp thì dự án du lịch bằng xe đạp thông minh do Công ty CP Giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt (Vietsoftpro) làm chủ đầu tư hứa hẹn tạo ra một sản phẩm phù hợp, bổ trợ thêm cho danh hiệu thành phố du lịch sạch của ASEAN.
Khi chưa có dự án này, tại các ngã đường TP. Huế không khó bắt gặp những du khách thong dong đạp xe, khám phá di sản. Nhiều đơn vị lữ hành cũng xem xe đạp là phương tiện du lịch hữu hiệu, tạo ra những sản phẩm du lịch trải nghiệm thu hút khách du lịch.
Một khảo sát của Sở Du lịch cho thấy, hình thức du lịch bằng xe đạp rất phù hợp với dòng khách châu Âu. Bằng chứng tại các điểm du lịch nhà vườn, khám phá di sản thu hút nhiều đoàn khách châu Âu đạp xe đến trải nghiệm, lưu trú. Trong một lần tham quan nhà vườn thanh trà của ông Hồ Xuân Đài (phường Thủy Biều, TP. Huế), ông Peter (du khách Mỹ) bảo, trên thế giới không nhiều thành phố có nhịp sống chậm như ở Huế, và xe đạp là phương tiện hữu dụng để trải nghiệm. Đi xe đạp không chỉ có dịp ngắm nhìn di sản, cảnh sắc ở Huế mà có cơ hội gần hơn với người dân, cảm nhận đời sống của họ.
Không chỉ các địa điểm khám phá tại Huế và vùng ngoại ô, tại những địa điểm du lịch cách xa thành phố cũng đưa xe đạp vào để du khách trải nghiệm. Tại làng cổ Phước Tích, dịch vụ trải nghiệm, khám phá làng cổ bằng xe đạp giúp du khách cảm nhận rõ hơn về sự đặc sắc của một làng quê Việt. Bên cạnh đó, du khách có thể kết hợp đến thăm các điểm đến du lịch khác như Làng nghề mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch, đan lưới Vân Trình…
Dòng khách châu Âu thích thú khi trải nghiệm du lịch bằng xe đạp
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, mặc dù đây là phương tiện thân thiện giúp du khách lưu trú, trải nghiệm lâu hơn nhưng quá trình triển khai dự án dịch vụ xe đạp thông minh cần có lộ trình phù hợp. “Du lịch bằng xe đạp không phải tất cả cộng đồng du khách đều yêu thích. Khi triển khai dự án, chủ đầu tư cần thí điểm vài trăm chiếc xe để khảo sát tình hình. Nghiên cứu các tuyến đường, địa điểm phù hợp với việc đi xe đạp”, ông Phúc nói.
Ứng dụng công nghệ, khắc phục khó khăn
Theo chủ đầu tư dự án, khi triển khai dịch vụ này, du khách chỉ cần quét mã QR code mở khóa xe và sử dụng; đồng thời tích hợp GPS để theo dõi vị trí xe đạp bất cứ lúc nào, kể từ khi trên smartphone được kết nối. Dự án sẽ triển khai trên toàn TP. Huế và một số điểm di tích phụ cận. Những trạm cung cấp thông tin – dịch vụ tiện ích được đặt theo trạm để xe đạp thông minh với mục đích cung cấp dịch vụ thức ăn, nước uống, cẩm nang du lịch Huế, thông tin về các điểm đến miễn phí.
“Sử dụng hệ thống xe đạp tại TP. Huế giúp người dân có phương tiện đi lại tiện ích, gọn nhẹ trong việc di chuyển đến những nơi có khoảng cách gần. Mục tiêu đầu tư là ứng dụng công nghệ vào hệ thống xe đạp thông minh nhằm điện tử và tự động hóa phục vụ người dân và du khách tham quan; góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, tăng cường dịch vụ đi lại công cộng, quảng bá giá trị di sản văn hóa Huế”, ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Vietsoftpro thông tin.
Trải nghiệm với nông sản làng quê trong tour xe đạp
Khi triển khai dự án này, việc quản lý, bảo trì duy tu xe đạp là điều nhiều người băn khoăn. Khí hậu khá khắc nghiệt ở Huế cũng là trở lực trong việc thu hút du khách trải nghiệm xe đạp. “Hệ thống đường riêng ưu tiên cho xe đạp chưa quy hoạch, ngoài ra, việc kết nối giao thông với các phương tiện khác, bố trí mặt bằng phù hợp để lắp đặt thiết bị và để xe, mái che đảm bảo an toàn và bảo quản xe… sẽ là điều đơn vị chủ đầu tư cần lưu ý”, ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển nhận định.
Dự án xe đạp thông minh dự kiến khai trương trước Tết Nguyên đán 2020, và sẽ đưa vào hoạt động 1.000 xe đạp (vận hành thường xuyên 600 xe, 400 xe dự phòng). Để khắc phục những khó khăn, đơn vị chủ đầu tư đã làm việc với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế để bảo trì và bảo dưỡng, hỗ trợ vận hành, sửa chữa xe đạp. Ngoài ra, chọn những địa điểm phù hợp để triển khai thí điểm. Theo đó, sẽ đầu tư 19 điểm đổ xe, thiết kế hài hòa với không gian Huế và có các tiện ích như toilet, mua sắm tự động…
Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, ngoài khảo sát các điểm triển khai thí điểm, cần tạo ra những chiếc xe đẹp mang phong cách, gọi tính tò mò cho du khách. “Khi triển khai dự án, ngành du lịch sẽ kết nối các hãng lữ hành mở chương trình cổ động thu hút khách du lịch tham gia. Chúng tôi cũng phối hợp với thành phố tổ chức những ngày không sử dụng xe có động cơ để cổ động chương trình, có thể 1 ngày/tháng, 1 ngày/tuần”, ông Phúc nói.
“Nếu dự án xe đạp thông minh thành công sẽ giúp cho Thừa Thiên Huế giảm thải khí ô nhiêm môi trường, tăng cường sức khỏe, giảm áp lực giao thông cá nhân hiện nay và tạo môi trường thân thiện của Thừa Thiên Huế đối với du khách, hướng đến phát triển “Đô thị vị nhân sinh – Cities for people” của TP. Huế cũng như Thừa Thiên Huế”, ông Cường cho biết.
Tại chuyến khảo sát thực tế về triển khai dự án xe đạp thông minh ngày 12/10, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao mục tiêu của dự án nhằm xây dựng hình ảnh Huế – thành phố du lịch xanh, thông minh trong mắt bạn bè trong và ngoài nước. Đồng thời nhấn mạnh, Đại Nội được định hướng sẽ là địa điểm du lịch không khói xe, nên sớm triển khai dự án xe đạp thông minh phục vụ du khách và người dân địa phương.
Bài: LÊ THỌ – Ảnh: THƯỢNG HIỂN
Nguồn: báo TT huế