Khai thác nét đẹp, giá trị của hồ Hà Nội để phát triển du lịch

Ấn tượng của du khách khi đến thăm Hà Nội dù ở trong nội thành hay đi ra ngoại thành sẽ dễ dàng thấy những hồ nước trong xanh, thơ mộng. Mỗi hồ nước là một câu chuyện gắn liền với lịch sử, cuộc sống và con người Thủ đô ngàn năm văn hiến…

Pháo hoa ở hồ Hoàn kiếm

Đến Hà Nội mà không một lần dạo bước quanh bờ hồ Hoàn Kiếm thì chuyến đi của du khách sẽ không thể được coi là trọn vẹn. Không chút xô bồ, ồn ào, hồ Hoàn Kiếm mang trong mình vẻ đẹp tĩnh lặng với nhiều tên gọi khác nhau, hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng, Hữu Vọng, hồ Thủy Quân… Mỗi cái tên lại gắn với một giai thoại khác nhau về đất kinh kỳ, mà truyền thuyết trả gươm báu cho Rùa thần rất đỗi quen thuộc đối với mỗi người dân Việt. Trong không gian của hồ Hoàn Kiếm có đền Ngọc Sơn, bên trong có thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, thờ Văn Xương Đế Quân – ngôi sao chủ việc văn chương, khoa cử. Cạnh đó là Đài Nghiên, Tháp Bút khắc chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh) như một cách thể hiện khí phách của sĩ phu Bắc Hà. Không xa đó là đền Bà Kiệu (Thiên Tiên điện), thờ 3 vị nữ thần: Liễu Hạnh, Quỳnh Hoa và Quế Nương. Bên hồ còn có một ngôi tháp nhỏ tên gọi Hòa Phong, là phần còn lại của chùa Bái Ân, ngôi chùa bề thế bậc nhất của Thăng Long xưa.

Nét đẹp hồ Tây

Khác với vẻ đẹp cổ kính của hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây còn có tên Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm… lại là một không gian lãng mạn trên diện tích khoảng 500ha. Hồ Tây là “Danh thắng đệ nhất kinh kỳ” trải qua suốt các đời Lý, Trần, Lê… Theo con đường uốn lượn quanh hồ Tây dài khoảng 18km, du khách có thể khám phá, tìm hiểu về hơn 20 đình, đền, chùa tạo nên một quần thể di tích lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc giá trị. Trong đó có 2 di tích nổi tiếng là Phủ Tây Hồ, được xây dựng thế kỷ 17 thờ bà chúa Liễu Hạnh – một trong Tứ bất tử của tín ngường dân gian Việt Nam và chùa Trấn Quốc được dựng thế kỷ 6, dời và phục dựng vào thời Lê Trung Hưng năm 1615. Nằm ven hồ Tây còn có các làng cổ như làng hoa Nhật Tân, làng hoa Quảng Bá, làng quất Nghi Tàm, làng nghề giấy dó Yên Thái,… Những ngôi làng cổ ven hồ Tây sở hữu vẻ đẹp cổ kính, thanh bình. Đến đây, du khách sẽ như được tách khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của đô thị. Kết nối hồ Tây với hồ Trúc Bạch có đường Thanh Niên còn gọi là Cổ Ngư được xây dựng năm 1957 là một trong những con đường đẹp nhất của Hà Nội với nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Ven hồ Trúc Bạch có nhiều di tích nổi tiếng như làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, đền Quán Thánh – quán thờ Thánh Trấn Vũ, chùa Châu Long, chùa Thần Quang…

Thiên nga ở hồ Thiền Quang

Không phải là một hồ lớn, lại nằm ẩn sâu trong khu dân cư thuộc làng hoa Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội), hồ Hữu Tiệp là nơi ghi dấu tích chiến công xuất sắc của quân và dân Thủ đô trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972. Trải qua thời gian, những chứng tích lịch sử minh chứng ở hồ Hữu Tiệp đó là xác máy bay B52 bị quân và dân Thủ đô bắn rơi vẫn còn đó, nó như dấu son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Du khách bên hồ Trúc Bạch

Ngoài ra, Hà Nội còn rất nhiều hồ đẹp, như những lá phổi làm xanh thành phố đồng thời tô điểm cho nét duyên dáng của Thủ đô như hồ Thủ Lệ có diện tích mặt nước khoảng 6ha, hồ Ngọc Khánh, hồ Thành Công có diện tích khá nhỏ song có ý nghĩa quan trọng trong việc điều hòa không khí, tạo cảnh quan môi trường cho khu vực. Nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, hồ Bảy Mẫu là hồ nước ngọt nằm trong công viên Thống Nhất, giữa hồ có đảo Thống Nhất và đảo Hòa Bình. Không xa là hồ Thiền Quang, xung quanh hồ có rất nhiều cây xanh trên con đường Nguyễn Du tạo nên dấu ấn về Hà Nội đối với bao người…

Xác máy bay B52 ở hồ Hữu Tiệp

Ngoại thành Hà Nội cũng có nhiều hồ nước đẹp, được du khách yêu thích tìm đến nghỉ ngơi, thư giãn vào những dịp cuối tuần như: Hồ Đồng Mô dưới chân núi Ba Vì hồ Quan Sơn ở huyện Mỹ Đức từ lâu được mệnh là “ Hạ Long của Hà Nội”, nơi sở hữu một không gian thiên nhiên hữu tình…

Chùa Trấn Quốc bên hồ Tây

Gắn liền với giá trị lịch sử, văn hóa, các hồ nước ở Hà Nội đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện điều kiện khí hậu, cân bằng hệ sinh thái cũng như tạo dựng cảnh quan phong phú, hấp dẫn của Thủ đô. Hiện nay, cảnh quan, không gian, môi trường xung quan các hồ đã được quan tâm, đầu tư, trồng nhiều cây xanh. Đường đí xung quanh hồ được lát vỉa hè, trải nhựa, trồng hoa, đặt ghế đá để người dân, du khách nghỉ ngơi, thư giãn… Vào buổi tối hoặc những ngày nghỉ cuối tuần, tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Ngọc Khánh, hồ Văn Quán… tập trung rất đông người dân, du khách đến vui chơi, thư giãn, thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Tuấn Sơn

Nguồn: báo du lịch việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *