Tây Nguyên là thị trường tiềm năng của du lịch Huế, cần có những giải pháp mới, cụ thể hơn để thu hút khách.
Doanh nghiệp du lịch Huế trải nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa ở Đắk Lắk
Thị trường 6,2 triệu dân
Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch tỉnh, dù có khoảng cách khá gần với Huế và miền Trung, song Tây Nguyên lại là dòng khách chỉ mang tính tiềm năng của du lịch Cố đô. Đây là thị trường có mức sống tăng nhanh thời gian qua, nên tỷ lệ du khách mong muốn đi du lịch tìm hiểu văn hóa, di sản còn khá lớn. Miền Trung nói chung và Huế nói riêng được xác định là một trong những điểm đến quan trọng của khách Tây Nguyên trong vòng 5 năm tới.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích 54.641km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước. Tổng dân số khoảng 6,2 triệu người, là dư địa rất lớn để các điểm đến như Huế thu hút.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch chia sẻ, trước đây, ngành du lịch Huế đã có những kết nối với thị trường Tây Nguyên. Nhưng phải thừa nhận rằng, dịch bệnh đã khiến những kết nối trước đó buộc phải thay đổi; phải có những “đầu việc” mới để đưa khách đến cho nhau trong thời điểm hiện tại. Với xu thế du lịch xanh, du lịch thiên nhiên hậu COVID-19, “Miền di sản diệu kỳ”: Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Quảng Nam – Đà Nẵng được các doanh nghiệp du lịch ở Tây Nguyên đánh giá sẽ tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu, điểm phải đến của khách du lịch. Hạ tầng giao thông đang dần đồng bộ, kết nối thuận lợi đến tất cả các tỉnh, thành phố từ Tây Nguyên đến miền Trung là động lực để việc kết nối thuận lợi hơn.
Theo đại diện ngành du lịch Đắk Lắk, “Con đường di sản miền Trung” là thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Một “miền di sản diệu kỳ” với hệ thống di sản thế giới đồ sộ đã được UNESCO vinh danh, như Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; các di sản văn hóa: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Ca trù, Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật bài chòi miền Trung; các di sản tài liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, cùng với miền nghỉ dưỡng, giải trí Đà Nẵng; tỉnh Quảng Trị, một trong những bảo tàng của lịch sử, hòa bình lớn nhất châu Á… là những giá trị mà khách Tây Nguyên muốn khám phá và trải nghiệm.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, không chỉ chiều Tây Nguyên đến Huế, trong phát triển du lịch cần có sự chia sẻ, trao đổi nguồn khách cho nhau. Ngoài Đà Lạt, các điểm đến còn lại ở Tây Nguyên hầu hết là điểm đến mới của khách Huế và miền Trung. Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng liên quan đến núi, sông suối, thác nước, hồ… và cả hệ động, thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia… Tây Nguyên hiện nay là nơi cư trú của 47 dân tộc khác nhau bao gồm cả nhóm dân tộc bản địa sinh sống lâu đời và nhóm dân tộc di cư từ nơi khác đến, giúp văn hóa ở Tây Nguyên phong phú và đa dạng… là những sản phẩm hấp dẫn đối với du khách.
Doanh nghiệp Huế khảo sát các tuyến điểm du lịch ở Tây Nguyên
Hỗ trợ nhau phát triển
Để tăng tính liên kết và hướng đến tính hiệu quả cụ thể, mới đây, ngành du lịch Cố đô phối hợp với 4 tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Nam tổ chức buổi giới thiệu điểm đến và ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh khu vực Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, giai đoạn 2022 – 2026.
Ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, các địa phương thống nhất cùng nhau hợp tác trong khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh. Quan trọng là, ngành du lịch các tỉnh, thành phố cùng xây dựng các gói kích cầu du lịch và những sản phẩm độc đáo, có chất lượng tốt; mang đến nhiều cảm nhận, trải nghiệm thú vị cho khách khi đến tham quan, có tính bổ sung, tránh trùng lặp. Đó là “Miền thiên nhiên diệu kỳ Quảng Bình”, “Miền diệu kỳ nghỉ dưỡng biển Đà Nẵng”, “Miền di sản văn hóa diệu kỳ Cố đô Huế”, “Miền diệu kỳ vui chơi giải trí Quảng Nam”, “Miền lịch sử cách mạng Quảng Trị”.
Trong giai đoạn phục hồi và tiến đến phát triển du lịch như thời điểm trước dịch bệnh, đòi hỏi ngành du lịch các địa phương phải thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch giữa các địa phương. Cập nhật, thông tin về chính sách kích cầu du lịch của mỗi địa phương, các hành vi du lịch mới của khách. Chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch, như: quản lý lữ hành, quản lý lưu trú, vận tải du lịch, dịch vụ du lịch… nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch của các địa phương trong liên kết. Tổ chức các chương trình khảo sát, học hỏi kinh nghiệm giữa các cấp quản lý của các tỉnh, thành phố.
Ông Trương Thành Minh cho rằng, cùng với sự hợp tác trong mối liên kết vùng, để những liên kết hiệu quả, cần có sự vào cuộc kết nối chặt chẽ hơn của hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch của Huế với các địa phương. Chỉ khi hợp tác hiệu quả mang lại từ cả hai phía mới hướng đến tính lâu dài. Một giải pháp được đặt ra nữa ngành du lịch Cố đô và Tây Nguyên phải có các chương trình khảo sát famtrip và presstrip để quảng bá sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến điểm du lịch. Quan trọng là tạo không gian để doanh nghiệp cùng gặp gỡ và cung ứng nguồn khách cho nhau.
Bài, ảnh: Quang Sang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”