Hướng đến tăng trưởng xanh ngành dịch vụ khách sạn ở Đà Nẵng

Đà Nẵng đang là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, hạ tầng lưu trú và các ngành dịch vụ du lịch Đà Nẵng có tốc độ phát triển “nóng”, kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn. Với các mục tiêu rất cụ thể như xây dựng “Thành phố Môi trường”, “Thành phố có hàm lượng Carbon thấp”, Đà Nẵng đã và đang hướng đến giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực khách sạn. 


Các phiên hội thảo về tiết kiệm năng lượng thu hút sự quan tâm lớn của đại diện, của lãnh đạo doanh nghiệp khối dịch vụ này.

Đón lượng du khách càng nhiều – Nhu cầu năng lượng càng lớn 

Trước đây, hiện trạng tiêu thụ năng lượng của Đà Nẵng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, khu vực quản lý và phục vụ tiêu dùng trong dân cư. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các lĩnh vực ngày một rút ngắn, do sự bùng nổ của nhóm ngành du lịch, dịch vụ. Nếu tính tốc độ tăng trưởng ngành thương nghiệp – khách sạn và nhà hàng trên địa bàn Đà Nẵng (trong 5 năm gần đây nhất) thì Điện lực Đà Nẵng đã đáp ứng nhu cầu dùng điện của khách hàng với mức tăng (trung bình) đến 23%. Đặc biệt, khu vực tăng trưởng nhiều nhất là địa bàn 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn (của Đà Nẵng), tăng đến 32% – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng, ông Trần Nguyễn Bảo An cho biết.

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, ở thời điểm năm 2015, tỷ trọng tiêu dùng năng lượng của nhóm ngành thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng (tính trên tổng tiêu thụ của toàn thành phố) là 14%, thì đến cuối 2018 đã là 19,37%. Tính riêng ở lĩnh vực khách sạn, giai đoạn 2015 – 2016 tăng 17%, năm 2016 – 2017 tăng 23%, năm 2018 tăng đến 28%. Điều này cũng tương ứng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng theo định hướng dịch vụ (62,6%) – công nghiệp (35,3%) – nông nghiệp (2,1%) kể từ năm 2015. Năm 2018, Đà Nẵng đón 7,47 triệu lượt du khách, tăng 1,4 lần so với 2016, và nhóm ngành dịch vụ – du lịch đóng góp trên 24% GRDP của Đà Nẵng (trong đó, đóng góp trực tiếp là 14%).

Phân tích mới nhất từ Điện lực Đà Nẵng cho thấy rõ hơn tỷ trọng sử dụng điện năng ở các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng đã tăng rất nhanh từ 4, 6% năm 2012 lên đến 10, 5% năm 2019 (5 tháng đầu). Điều này càng khẳng định thành phố Đà Nẵng đã và đang phát triển rất mạnh ngành du lịch, dịch vụ.

Năng lượng tiêu hao theo nhu cầu, và theo “thói quen” … lãng phí

Ngành hữu quan nhìn nhận, việc sử dụng, tiêu thụ điện năng ở các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn lãng phí do nhiều nguyên nhân:

Đối với yêu cầu “Quản lý giám sát điện năng”, các doanh nghiệp (đang ở giai đoạn phát triển) vẫn chưa hoặc không quan tâm đúng tầm mức. Đúng hơn, sự quan tâm đó chưa bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của chính doanh nghiệp. Nói cách khác, doanh nghiệp chưa coi trọng yêu cầu tiết kiệm năng lượng trong hoạt động kinh doanh, chưa xem việc tiết kiệm năng lượng cũng là yếu tố cạnh tranh. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì gần như chưa, hoặc không có chức danh cán bộ chuyên trách quản lý năng lượng. Những tổn thất, tiêu hao năng lượng lẽ ra kiểm soát được, nhờ giám sát và cảnh báo, thì đều không được theo dõi, thu thập, phân tích kịp thời.

Bên cạnh đó, còn có tác nhân trực tiếp là thiết bị, công nghệ được sử dụng đã quá cũ, hiệu suất thấp; nhóm thiết bị mới nhập thì chưa được kiểm toán năng lượng thường xuyên. Đáng chú ý trong nhóm thiết bị, công nghệ cũ là hệ thống nước nóng (để đun sôi phải cần đến nguồn điện) được bố trí đơn lẻ từng phòng (thay vì sử dụng hệ thống nước nóng từ năng lượng mặt trời, có khả năng cung cấp cho một phần hoặc toàn khách sạn). Hệ thống điều hòa cục bộ đơn lẻ trang bị ở mỗi phòng cũng gây tiêu tốn khá nhiều năng lượng…Phổ biến nhất là hệ thống chiếu sáng, phần lớn đã lạc hậu (với thế hệ đèn halogen, đèn huỳnh quang) tiêu thụ điện năng nhiều (đèn led, compact đang được khuyến cáo thay thế).

Ngoài ra, ý thức sử dụng điện của khách lưu trú với tâm lý đã trả tiền cho các dịch vụ sẽ “sử dụng thả ga”. Điều hòa luôn đặt ở nhiệt độ thấp so với khuyến cáo (thường từ 16-20 độ C), và khi ra ngoài vẫn mở điều hòa, chiếu sáng trong phòng. Trong khi đó, phần lớn hệ thống điện (ở các khách sạn) chưa được trang bị thiết bị đóng cắt tự động. Ở một số khách sạn, nhiều máy móc và thiết bị phụ trợ chưa đồng bộ, thiết bị được lắp đặt và sử dụng hoặc thừa hoặc thiếu công suất” – đại diện Điện lực Đà Nẵng phân tích.

Đẩy mạnh tư vấn, cung cấp giải pháp cho tăng trưởng xanh

Như phân tích trên đây, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nhiều lĩnh vực, nhất là ngành dịch vụ khách sạn Đà Nẵng nói riêng, các ngành dịch vụ du lịch Đà Nẵng nói chung, vẫn ngày càng tăng. Trong khi đó, đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ đang đến rất gần của sự cạn kiệt những nguồn năng lượng truyền thống; cũng như, khuyến cáo về tình trạng sử dụng (tiêu thụ) điện năng kém hiệu quả ở nhiều ngành, lĩnh vực. Thậm chí là lãng phí.

“Tình hình đó, thúc đẩy Đà Nẵng cần phải có chiến lược đúng đắn trong khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên và đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo. Việc kêu gọi kết hợp với nhiều biện pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng hóa thạch, song song đó, nghiên cứu, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, biogas, biomass, thủy điện…) phù hợp, được xem là giải pháp hữu hiệu và bền vững trong tương lai. Ưu tiên hàng đầu của Đà Nẵng chính là ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ công nghệ mới song song với tiết kiệm năng lượng từ những giải pháp tiên tiến” – lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố khẳng định tại phiên tổng kết 10 năm xây dựng thành phố môi trường (diễn ra ngày 5/6/2019 vừa qua).

Riêng Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ vẫn kiên trì và nỗ lực triển khai nội dung “Tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, tòa nhà”, theo đề án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn Đà Nẵng”.

Nhiều doanh nghiệp khách sạn đã đồng hành và hưởng ứng chương trình tiết kiệm năng lượng, sau khi nhận được sự hỗ trợ về khảo sát, phân tích và tư vấn giải pháp của Trung tâm.

Cộng đồng và doanh nghiệp đồng hành

Đầu tư gần 35 triệu đồng, thay thế toàn bộ bóng đèn Compact 3U-15W đang sử dụng, sang bóng đèn Led Buld 9W, kết hợp với giải pháp điều khiển tự động nhu cầu chiếu sáng ở mọi khu vực hành lang (điều tiết ánh sáng phù hợp khi có người và không có người qua lại), hằng năm, Khách sạn Trường Sơn Tùng 2 tiết kiệm được 6.880kWh điện, tương ứng 13 triệu VNĐ tiền điện. Như vậy, thời gian hoàn vốn của hệ thống vào khoảng 32 tháng. Quan trọng hơn, hằng năm khách sạn đã tham gia tiết giảm khoảng 2841kg CO2 khí, góp phần giảm khí nhà kính, giảm tác động từ biến đổi khí hậu…

Tương tự, tại khách sạn Á Đông, toàn bộ bóng đèn Compact 15W đang dùng đã được thay thế bằng bóng đèn LED 9W. Cùng với ứng dụng IoT, điều khiển tự động hoạt động chiếu sáng tại khu hành lang, khách sạn tiết kiệm được 5.663kWh điện, tương ứng khoảng 12 triệu đồng, giảm phát thải khoảng 2.339 kg CO2. Số tiền đã đầu tư cho hệ thống được hoàn vốn trong vòng 39 tháng.

Trong khi đó, với phương án lắp đặt hệ thống nước nóng bằng năng lượng mặt trời, nước lạnh được gia nhiệt trước, đạt nhiệt độ trung bình khoảng 70 độ C, rồi cấp vào hệ thống máy nước nóng đơn lẻ lắp đặt ở mỗi phòng. Tùy theo nhu cầu, lượng nước sử dụng của khách, máy nước nóng có thể có hoặc không cần gia nhiệt thêm…khách sạn Thanh Hà đã tiết kiệm được khoảng 16.401kWh điện, tương đương khoảng 30 triệu đồng.

Một doanh nghiệp khác đã tham gia chương trình của Trung tâm tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ “Hỗ trợ triển khai các dự án giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với tòa nhà – khách sạn – resort” năm 2018, đến nay cũng đã ghi nhận được những kết quả ban đầu khá mỹ mãn là khách sạn Biển Vàng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh – Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ: “Bình quân mỗi năm, chúng tôi tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng. Thời gian hoàn vốn cho hệ thống chúng tôi đã đầu tư khoảng 20 tháng, và hệ thống được bảo hành đến 60 tháng (5 năm) thì hiệu quả đã khá rõ. Chúng tôi sẽ tính toán để thay thế dần các máy cấp nước nóng đơn lẻ nhưng lại tiêu thụ nhiều năng lượng. Chúng tôi cũng muốn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu” bà Mỹ Trinh nhấn mạnh.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng Thành phố Môi trường, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ tầm nhìn cho giai đoạn 2020-2030 với những mục tiêu rất cụ thể. Đó là phải hướng đến sử dụng tài nguyên hiệu quả, hướng đến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và đến năm 2030, phấn đấu đạt (cơ bản) các tiêu chí về “Thành phố sinh thái”.

Với quan điểm xuyên suốt trên, chính quyền thành phố nhấn mạnh rằng, trong các yêu cầu quản lý tổng hợp, liên quan đến môi trường, dứt khoát sẽ “thực hiện lồng ghép trong kế hoạch phát triển đô thị, du lịch, công – nông nghiệp, định hướng phát triển thân thiện môi trường, phát triển mà vẫn bảo đảm an toàn cho các hệ sinh thái. Đặc biệt, có biện pháp huy động cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia bảo vệ môi trường”.

Chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng khẳng định một trong những yêu cầu có tính tựu trung trong xây dựng Thành phố Môi trường, tầm nhìn đến 2045 là luôn nhất quán trong triển khai áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng nguyên liệu, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Ưu tiên trong sử dụng năng lượng sạch và tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm.

“Chúng tôi tăng cường kiểm tra việc thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc đối với các cơ sở thuộc ngành sản xuất gây ô nhiễm hay tiêu hao nhiều năng lượng (theo quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả)” – Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng nhấn mạnh thêm.

Diệu Vũ – T.Ngọc

Nguồn: báo dulich việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *