Hợp tác đào tạo kỹ năng nghề cho sinh viên du lịch

TTH – Trong giai đoạn dịch bệnh khiến việc thực tập của sinh viên du lịch gặp trở ngại, việc tổ chức các khóa thực hành kỹ năng ở doanh nghiệp là giải pháp được đánh giá hiệu quả.

Việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là giải pháp để đào tạo kỹ năng nghề trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Có nhiều thời gian để hướng dẫn

Để thích ứng trước tác động của dịch bệnh, cũng giống như nhiều cơ sở đào tạo khác, các trường du lịch tích cực chuyển đổi số để dạy học trực tuyến. Nhưng với những môn học nặng về thực tế, kỹ năng nghề, như lễ tân, buồng phòng, nhà hàng không thể học trực tuyến. Để đảm bảo thời gian của niên khóa, cũng như kỹ năng nghề, các trường đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. Huế để tổ chức các khóa đào tạo thực tế ngắn hạn cho sinh viên.

Nếu nhìn từ bên ngoài, sẽ không khó hiểu khi có nhận định rằng, trong giai đoạn ngành du lịch không đón được nhiều khách như hiện nay, việc thực hành ngắn hạn như thế có đảm bảo được chất lượng, kỹ năng nghề cho sinh viên.

Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành Khách sạn Alba Spa và Alba Hotel cho biết, trước đây, khách sạn chỉ nhận một nhóm nhỏ các bạn sinh viên đến thực tập. Điều tích cực là sinh viên sẽ va chạm nhiều với khách, nhưng nhược điểm là nhân viên khách sạn vừa phục vụ khách, vừa nhận sinh viên nên các em sẽ phải tự chủ động quan sát, rút kinh nghiệm là chính; một số cơ sở vật chất, khu vực phải ưu tiên phục vụ khách nên sinh viên chưa tiếp cận được. Nay khách sạn không có nhiều khách nên đón được nhóm lớn sinh viên. Khi đã có thời gian, các cơ sở vật chất không sử dụng, khách sạn có nhiều thời gian bày vẽ sinh viên cặn kẽ, kỹ lưỡng hơn; việc tiếp cận các dịch vụ vì thế cũng đầy đủ hơn so với trước.

Sinh viên trường du lịch thực hành nghiệp vụ lễ tân tại khách sạn

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Huế thông tin thêm, do không có khách nên các bạn sinh viên thay phiên nhau đóng vai nhân viên và khách, giải quyết các tình huống do đào tạo viên đặt ra. Đào tạo viên dành toàn thời gian để quan sát, huấn luyện, sửa sai, điều chỉnh và các bạn sinh viên được thực hành từng người, từng nghiệp vụ. Khi có khách thì chỉ “chạy” theo phục vụ khách ở một vài tình huống thường xuyên, chứ không đi sâu và tiếp cận được nhiều tình huống như cách đào tạo này. Hàm lượng thực tế trong quá trình học của sinh viên cũng được nâng lên, sinh viên tự tin hơn và nắm bắt được các yêu cầu về nghề bằng chính trải nghiệm của mình.

Sinh viên Nguyễn Ngô Hoàng Long, Trường Du lịch, Đại học Huế chia sẻ, có nhiều thời gian nên các anh chị đào tạo viên hướng dẫn rất kỹ từng động tác, cử chỉ, biểu cảm, giao tiếp… Chúng em còn được trực tiếp làm việc với phần mềm quản lý Smile (phần mềm chuyên dụng về lễ tân), thao tác với các thiết bị pha chế và đi sâu vào các chi tiết, thiết kế hoàn chỉnh sản phẩm dịch vụ. Sau khóa học, cơ bản học viên đều đã thuần thục các thao tác nghiệp vụ đã đào tạo.

Đảm bảo chất lượng

Theo PGS. TS. Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch, Đại học Huế, hàng năm nhà trường có khoảng 1.000 sinh viên đi thực tập. Do dịch bệnh nên trường đã chủ động hợp tác với các khách sạn trong địa bàn TP. Huế. Sau một thời gian ngắn, nhà trường đã phối hợp đào tạo được 500 sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Huế. Hiện vẫn còn còn 50% sinh viên nữa ở ngoại tỉnh. Khi có thể quay lại Huế, nhà trường sẽ tổ chức thực hành ngay cho các em.

Chưa có cơ sở thực hành riêng của nhà trường, việc hợp tác này cũng được các cơ sở đào tạo khẳng định vừa là giải pháp tình thế, vừa cho thấy hiệu quả. Thông thường, các kỳ thực tập, kiến tập của sinh viên các trường du lịch trên địa bàn tỉnh “phủ sóng” ở hầu hết các khách sạn trong tỉnh và các địa phương có du lịch phát triển trong khu vực. Năm nay, địa điểm thực tập ở các khách sạn trong phạm vi thành phố. Điều này giúp tiết kiệm được chi phí cho sinh viên. Ngược lại, việc đón sinh viên đến thực tập đã tạo được không khí nhộn nhịp và có một phần kinh phí duy trì hoạt động cho các khách sạn, dù đó chỉ là một khoản nhỏ, mang tính hỗ trợ.

Trở lại với câu hỏi về chất lượng đào tạo, bà Châu Thị Hoàng Mai đánh giá, doanh nghiệp thấy đây là một cách tiếp cận đào tạo nhân lực hay và phù hợp. Doanh nghiệp có nhiều thời gian sát với sinh viên, nên sẽ chủ động đánh giá và “nhắm” được một số ứng viên tiềm năng để làm nguồn dữ liệu về nhân lực, bổ sung kịp thời khi có nhu cầu nhân sự.

Gần đây, việc dự báo thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực khi du lịch Huế đang thích ứng trong trạng thái bình thường mới, việc ứng biến đào tạo nhân lực mà vẫn đáp ứng được về kỹ năng, nhu cầu của doanh nghiệp là cách làm mà các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, để cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn như hiện nay. Quan trọng hơn là giúp du lịch Huế xây dựng và tạo được nguồn lao động cần thiết cho giai đoạn mới. Đây cũng là cách để nuôi dưỡng nguồn đam mê, nhiệt huyết với ngành công nghiệp “không khói” cho thế hệ lao động trẻ.

Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *