Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng để phát huy bản sắc văn hóa vùng miền

Chiều 16/4, tại cuộc họp UBND tỉnh thông qua đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định: “Hỗ trợ đẩy mạnh và phát huy giá trị bản sắc truyền thống của làng quê gắn với sinh hoạt văn hóa mang bản sắc truyền thống làng Việt để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng nhằm tiếp tục phát huy những lợi thế về du lịch của các huyện miền núi, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa miền núi”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu kết luận tại cuộc họp

Tại cuộc họp, UBND tỉnh cho ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2019, thông qua 4 đề án của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh và kiện toàn nhân sự ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016- 2020.

Hơn 30 tỷ đồng hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, Thừa Thiên Huế có tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, với bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô, vùng nông thôn ven thành phố và vùng cao đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy gần như nguyên vẹn. Ngoài ra, hệ sinh thái tự nhiên với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ… là những điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch gắn với cộng đồng.

Theo đánh giá, ngành du lịch thời gian gần đây có bước phát triển khá toàn diện và bền vững. Lượng khách đến Huế năm 2018 đạt 4,3 triệu lượt, tăng 14% so cùng kỳ, doanh thu ước đạt 4.473 tỷ đồng. Riêng đối với khai thác du lịch cộng đồng, trung bình mỗi năm đạt trên 300 ngàn lượt, doanh thu ước trên 100 tỷ đồng. Mặc dù tài nguyên nhiều nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn chưa phát triển tương xứng, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, việc thu hút đầu tư và hỗ trợ tài chính cho du lịch cộng đồng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng được kỳ vọng nhằm đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch tạo kết nối các điểm du lịch khác trên toàn tỉnh để kéo dài thời gian ở lại của du khách, đồng thời đáp ứng nhu cầu trải nghiệm văn hóa và sinh hoạt bản địa của du khách ngày càng cao thì việc hoàn thiện chất lượng các điểm du lịch cộng đồng hiện có và phát triển thêm các điểm mới tại vùng nông thôn và miền núi là rất cần thiết và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2020- 2025 cho 14 điểm du lịch sinh thái là khoảng 30,8 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính cân đối nguồn ngân sách để có nguồn lực thực hiện đề án này trong năm 2020.

Theo đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh đến năm 2025, ưu tiên hỗ trợ đầu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm du lịch, trong đó hỗ trợ hệ thống đường giao thông không quá 2 tỷ đồng/1 điểm du lịch, hỗ trợ đầu tư mới nhà đón tiếp và trưng bày không quá 400 triệu đồng và sửa chữa không quá 100 triệu đồng, hỗ trợ xây mới nhà vệ sinh không quá 100 triệu đồng/1 công trình, hỗ trợ xây dựng cơ sở lưu trú không quá 100 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, mức hỗ trợ 50 triệu đồng cho mỗi sản phẩm và không quá 250 triệu đồng cho một điểm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch, mỗi khóa tập huấn 30 triệu đồng…

Phấn đấu khách du lịch cộng đồng chiếm 1/10 lượng khách toàn tỉnh, ước đạt 600.000 lượt; doanh thu ước đạt 500- 600 tỷ đồng; thu hút lao động 4.500- 5.000 người; đến năm 2025 có khoảng 300 tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh loại hình du lịch cộng đồng.

Từ năm 2020, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ cá nhân, tổ chức phát triển du lịch sinh thái. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm ẩm thực tại điểm du lịch sinh thái Hồng Hạ (A Lưới). Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Rà soát, giám sát chặt chẽ các dự án ngoài ngân sách

Trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng thu ngân sách ước đạt 2.450 tỷ đồng, bằng 34% dự toán, tăng 32% so cùng kỳ. Trong giai đoạn này, ước có 215 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn 2.300 tỷ đồng; cùng với đó, đã cấp mới 11 dự án và điều chỉnh tăng vốn 1 dự án với tổng nguồn vốn 14.700 tỷ đồng, trong đó thu hút nhiều dự án có tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội; một số nhà đầu tư lớn cũng đã đến khảo sát, nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2019, UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước tỉnh năm 2019. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phát triển du lịch và các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác. Về một số nhiệm vụ trọng tâm xử lý dứt điểm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nỗ lực cao nhất cho dự án giải phóng mặt bằng phục vụ giải tỏa khu vực 1 Kinh thành Huế (tháng 9/2019 phải hoàn thành hạ tầng để triển khai); giải phóng mặt bằng mở rộng sân bay Phú Bài, phấn đấu bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư đúng tiến độ; giải phóng mặt bằng chuẩn bị cho xây dựng cao tốc Túy Loan – La Sơn, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ngành giao thông đốc thúc triển khai các dự án đã được Trung ương bố trí vốn. Các địa phương, các ngành hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo các dự án đầu tư được thực hiện. UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương cần tuân thủ đúng quy định, kiên quyết điều chuyển khi giải ngân không đúng tiến độ. Yêu cầu các ngành rà soát lại các dự án chậm tiến độ, đưa ra khỏi quy hoạch các dự án chây ì, không khởi động; tiếp tục rà soát, giám sát chặt chẽ các dự án ngoài ngân sách theo nghị quyết của HĐND tỉnh .

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

Nguồn : báo TT huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *