Hạn chế trong năng lực cạnh tranh của du lịch Huế

Thừa Thiên Huế xếp vị trí thứ 5 trên 15 địa phương được đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam năm 2021. Dù nằm trong “top 5” các điểm đến có sức cạnh tranh về du lịch, song không ít hạn chế của du lịch Cố đô đã được chỉ ra.

Văn hóa là thế mạnh cạnh tranh của Huế

Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) năm 2021 do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện. VTCI được xây dựng trên một hệ thống, gồm hơn 70 chỉ số đánh giá trên 12 trụ cột. Các nhóm chỉ số được phân tích và đánh giá, bao gồm môi trường kinh doanh, y tế và vệ sinh, nguồn nhân lực và thị trường lao động, mức độ ưu tiên cho lữ hành và du lịch, môi trường bền vững, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

Trong 15 tỉnh, thành phố được xếp hạng đánh giá, du lịch Cố đô xếp vị trí thứ 5, sau Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Quảng Nam. Dù được đánh giá cao, song có 4 chỉ số cạnh tranh quan trọng mà du lịch Huế không được đánh giá cao, là: An toàn và an ninh; hạ tầng giao thông du lịch; hạ tầng dịch vụ du lịch và tài nguyên tự nhiên.

Trong 4 chỉ số trên, có 2 chỉ số là hạ tầng giao thông du lịch và hạ tầng dịch vụ du lịch là hai hạn chế, điểm yếu của Huế đã được nhìn nhận, đánh giá nhiều năm qua. Cụ thể, giao thông không thuận lợi (nhất là chất lượng giao thông đường hàng không) ảnh hưởng lớn đến quyết định đi du lịch, lựa chọn điểm đến của du khách; trong khi đó, hạ tầng du lịch ngày càng đòi hỏi chất lượng, vì xu hướng du lịch cao cấp dần được lựa chọn hơn du lịch bình dân. Theo các cơ quan chủ trì đánh giá, chấm điểm các chỉ số, hạ tầng giao thông và dịch vụ du lịch luôn là hai chỉ số quan trọng hàng đầu quyết định thu hút khách, thúc đẩy hoạt động du lịch. Giao thông thuận lợi rút ngắn thời gian di chuyển; giao thông đến đâu, là ở đó có du lịch.

Hai chỉ số không được chấm điểm cao nữa ở Huế là an toàn, an ninh và tài nguyên thiên nhiên. Lâu nay, hai chỉ số này luôn được xem là thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh của Huế, nhưng khi xét theo các tiêu chí của bộ đánh giá năng lực cạnh tranh trên lại ở mức điểm thấp. Ở các chỉ số về an toàn có chỉ số các sự cố và tai nạn đối với khách du lịch, chi phí của doanh nghiệp cho việc khắc phục tội phạm và bạo lực, mức độ tin cậy của dịch vụ cảnh sát; hay các chỉ số về tài nguyên thiên nhiên có chỉ số giờ nắng trung bình hàng tháng ở Huế thấp, Di sản thiên nhiên thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đây đúng là những chỉ tiêu mà Huế chưa có.

Những hạn trên được xem là các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng, tác động đến việc quyết định đầu tư của các doanh nghiệp đến điểm đến. Rõ ràng, thông qua các chỉ số là thước đo chính xác để du lịch Huế nhìn lại mình, để biết Huế ở đâu, có điểm gì mạnh vượt trội, đâu là điểm yếu để có những giải pháp căn cơ, bài bản nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, từ đó nâng cao hình ảnh điểm đến, tăng khả năng thu hút khách và quan trọng hơn là phát triển bền vững.

Bên cạnh những hạn chế, nhiều lĩnh vực được đánh giá cao cần được phát huy hơn nữa, như tài nguyên văn hóa, tính bền vững của môi trường, sự sẵn sàng của công nghệ thông tin, môi trường kinh doanh…

Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn bình thường mới, đây là thời điểm cần thiết để phân tích và đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch, đặc biệt là khi ngành du lịch đang phải trải qua những thách thức chưa có tiền lệ, điều quan trọng là phải đặt ra hướng đi phù hợp cho tương lai. Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch giúp các tỉnh, thành phố có cơ sở khoa học để định hướng phát triển du lịch, đạt được các mục tiêu dựa trên những nguyên tắc cơ bản là đối thoại với các bên liên quan; là bước chuẩn bị cần thiết để cả nước thúc đẩy phục hồi du lịch trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã nhấn mạnh, việc công bố kết quả Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam là bước chuẩn bị cho nước ta thúc đẩy phục hồi du lịch trong thời gian tới, giúp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm tốt vai trò tham mưu, quản lý Nhà nước về du lịch; qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế du lịch, xây dựng định hướng phát triển trong tương lai.

Huế luôn được xác định là một trong những “trung tâm” du lịch của cả nước. Để từng bước khẳng định vị thế ngành kinh tế mũi nhọn, là thành tố quan trọng trong việc xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết 54, cần có những quan tâm, đầu tư xứng đáng để khắc phục dần các hạn chế, nhất là về hạ tầng giao thông; cùng với đó là phát huy các thế mạnh, khi đó sẽ giúp du lịch Huế có năng lực cạnh tranh cao.

Bài, ảnh: Quang Sang

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *