Từ lâu rồi, tôi mơ ước một lần đến phá Tam Giang, khám phá câu ca xưa: “Yêu anh em cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang…” Năm nay, tôi đến phá Tam Giang.
Thuận An ngày càng phát triển. Ảnh: Minh Kiệt
Bất ngờ
“Từ đây đến phá Tam Giang bao xa? Tôi hỏi, cô lễ tân Resort Anna Mandara xinh đẹp nhìn tôi như người trên trời rơi xuống: “Đất này đây, ngay trên phá Tam Giang”.
Chiều tối mai, tôi bay về Hà Nội. Cách nào để khám phá Tam Giang. Tôi điện cho bạn bè, các nhà văn Huế. Câu trả lời: Hãy đến Bí thư Huyện ủy Phú Vang! Với tôi, tìm Bí thư Huyện uỷ Phú Vang bây giờ là bài toán rất khó. Xem đồng hồ là 11h trưa và khó nữa là chủ nhật. Tôi liều điện cho Bí thư Huyện uỷ Phú Vang Lê Thanh Hải, muốn gặp anh 30 phút. Cách nói khéo léo và chân thật của mình đã thuyết phục vị Bí thư Huyện ủy Phú Vang xa lạ.
Anh Hải nói như hướng dẫn viên: Phá Tam Giang (ba sông) là nơi gặp nhau của ba con sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ trước khi đổ ra biển Đông. Phá Tam Giang nằm trên địa giới 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang. Với diện tích khoảng 52km2, chiều dài chính 24km. Điểm cuối của phá Tam Giang kéo dài ra tận giáp Quảng Trị. Phá Tam Giang, được coi là phá lớn nhất và độc đáo nhất Đông Nam Á. Cửa Thuận An thuộc thị trấn Thuận An nằm trên phá Tam Giang. Ba năm nay, thị trấn Thuận An có nhiều đột phá về phát triển kinh tế đầm phá và du lịch. Từ đô thị loại 4 đã lên đô thị loại 3. Thuận An còn có khu nghỉ dưỡng của vua Bảo Đại xưa. Rồi anh nói chuyện lịch sử Phú Vang, văn chương, thơ phú.
Tôi hỏi về kinh tế đầm phá, anh nói, để tôi giới thiệu anh gặp Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An Đào Quang Hưng, một cán bộ trẻ và năng động. Anh sẽ có cơ hội khám phá Phá Tam Giang, một địa danh xinh đẹp và độc đáo của Huế đang đổi mới từng ngày.
Đúng hẹn, 8h30 sáng hôm sau, anh Đào Quang Hưng gặp tôi ở lễ tân khách sạn Anna Mandara. Anh tặng tôi cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Thuận An (1930-2015) nhân dịp 20 năm thành lập thị trấn Thuận An.
Giọng Huế trầm ấm, Hưng vui mừng nói về mấy năm gần đây Thuận An có nhiều đột phá, tăng trưởng mọi mặt.
Đào Quang Hưng tâm sự: Trước nay, Thuận An nhiều người giàu vì con em đi nước ngoài gửi tiền về. Họ định cư ở Mỹ, Canada, ở Pháp. Tôi nghĩ đến giáo sư Trân Văn Khê, bao năm ở Pháp. Con cháu bạn bè ở Pháp nhiều lắm. Cuối đời, ông vẫn về Việt Nam và khi mất, xương cốt ông đã gửi lại đất mẹ Việt Nam. Tôi tin, người Thuận An xa xứ sẽ nghĩ thế.
Xưa, tôi đã đọc về phá Tam Giang và câu ca dao cổ: “Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang” trong sách kho tàng thơ ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan. Tôi không hiểu phá Tam Giang là thế nào, ngày ấy, suy diễn trong tôi, phá Tam Giang là một bãi cát ven biển mêng mông hoang vắng, có kẻ cướp và thú dữ. Một suy nghĩ ngớ ngẩn và chủ quan.
Bây giờ tôi mới biết, phá Tam Giang là phá lớn nhất Đông Nam Á và nổi danh trên thế giới. Tôi cứ nghĩ, con phá ấy chỉ dăm cây số hoang vắng và nguy hiểm. Bây giờ nghe nói lớn nhất Đông Nam Á, kéo dài ra tận Quảng Trị thì tôi mới sửng sốt. Lớn quá! Một tiềm năng về nuôi trồng thủy sản khổng lồ. 50% thu nhập thủy sản của Phú Vang là từ phá Tam Giang. Lạ quá, lớn quá!
Điểm nhấn của Phú Vang
Phú Vang có cửa Thuận An, Thuận An có trấn Hải Đài. Phú Vang lại có phá Tam Giang cổ xưa nhưng mới lạ. Báo chí nói phá Tam Giang nổi tiếng nhất Đông Nam Á, chưa đúng. Phá Tam Giang nổi tiếng nhất châu Á. Còn phá nào lớn hơn? Cái địa danh gọi là phá ấy, dài nhất, lớn nhất và độc đáo nhất lại ngay cạnh thành phố Huế, thủ đô du lịch di sản của Việt Nam. Ta đừng nghĩ, có di sản Huế làm cho phá Tam Giang lu mờ đi, Thuận An lu mờ đi mà phải nói ngược lại, có phá Tam Giang, có cửa Thuận An sẽ tôn thêm cho Huế đáng yêu hơn, du khách đến nhiều hơn trong vườn hoa du lịch Huế đa dạng và phong phú.
Trước đây, vào Huế là người ta nghĩ đến đi Đại Nội, du thuyền sông Hương, chùa chiền, đền đài, thành quách… quên mất biển Thuận An. (Thanh Hóa có Sầm Sơn. Khi mở ra khu du lịch Hải Tiến gần Sầm Sơn, ban đầu nó mờ nhạt trong lòng du khách. Bây giờ Hải Tiến du lịch năm nào cũng đông khách. Thuận An, nếu không kích hoạt, cũng sẽ có ấn tượng ban đầu thế. Nhưng tôi tin, Thuận An thuận hơn). Và du lịch Thuận An, bên cạnh biển còn là du lịch phá Tam Giang, sẽ làm cho lộ trình du lịch Huế phong phú hơn .
Phát triển kinh tế đầm phá và nuôi trồng thủy hải sản là trọng tâm. Đúng rồi. Đấy là ăn ngay. Nhưng lâu dài du lịch phá Tam Giang còn là điểm nhấn nữa. Cần khai thác, cần kích hoạt ước mơ du lịch bằng câu ca: “…Phá Tam Giang ngày rày đã cạn, truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm…”. Cần khai thác cái độc đáo của phá Tam Giang, cái anh hùng ca của trấn Hải Đài cho du khách mỗi lần đến Huế là thêm mỗi lần khác lạ. Du lịch Phá Tam Giang, cần những biện pháp sinh động hơn: Du lịch đầm phá homestay!
LÊ TUẤN LỘC
Nguồn: báo TT huế