Dịch vụ phù hợp, Huế sẽ hút khách tàu biển

Nhân chuyến đến Huế chuẩn bị các giải pháp để đón khách tàu biển trở lại, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt (công ty mẹ của Công ty Du lịch Tân Hồng), được giới du lịch hay gọi với cái tên “trùm” du lịch tàu biển.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt

Theo ông Anh, dịch bệnh xảy ra làm thay đổi nhu cầu của du khách và tư duy làm du lịch của các nhà cung ứng dịch vụ. Nếu không nắm bắt kịp các trào lưu mới, có những thay đổi phù hợp, sẽ khó có thể vượt “bão”, nhất là với mảng tàu biển.

Là đơn vị có nhiều năm làm du lịch, nhất là kinh nghiệm về nghiên cứu thị trường, theo ông, cần làm gì trong giai đoạn phục hồi như hiện tại?

Hiện nay, đang hình thành khá nhiều trào lưu du lịch mới và quyết định khá lớn đến chuyến đi du lịch của du khách. Thứ nhất là xu hướng “check-in”. Đi đâu khách cũng “check-in” điểm mới, không gian mới. Với điện thoại thông minh, chụp ảnh “check-in” xong, du khách sẽ đưa lên mạng xã hội ngay. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm phải nghĩ đến những điểm “check-in” cho khách.

Với trào lưu thứ hai, ấn tượng về COVID-19 quá sâu nên du khách chủ yếu đi nhóm nhỏ. Cung ứng dịch vụ, làm giá cũng khác hoàn toàn, không phải những đoàn khách lớn, mà nhóm 2 khách, 4 khách, 6 khách… bao nhiêu cũng phải phục vụ. Điều này dẫn đến một yêu cầu mới là sự riêng tư, phòng ăn, sinh hoạt, hành lang riêng… Chẳng hạn như đối tác tàu biển của chúng tôi, họ mới yêu cầu các dịch vụ để đón khách phải riêng, trên các du thuyền không còn hệ thống thông gió chung, tất cả phải có hệ thống thông gió riêng biệt.

Từ những trào lưu mới hình thành đó, đòi hỏi các nhà cung ứng phải chủ động tạo ra những sản phẩm phù hợp, hoặc thay đổi trên nền tảng có sẵn để tạo điểm nhấn mới. Các điểm tham quan của Huế, nhất là hệ thống di sản đã đến lúc suy nghĩ và hình thành những điểm “check-in”, cùng với đó là hệ thống wifi, những trạm selfie (tự chụp ảnh) được đầu tư. Các điểm nghỉ dưỡng, lưu trú cũng thay đổi quan điểm phục vụ, nơi lưu trú không chỉ là nơi ngủ mà là nơi lưu giữ một kỷ niệm ấn tượng cho du khách.

Các kỳ Festival Huế, nhiều chương trình quá lớn, quy mô hoành tráng, nhưng nhiều du khách khó tiếp cận để chụp ảnh, không đưa lên mạng để quảng bá được. Đây là một vấn đề mà ban tổ chức cần tính đến để mỗi một du khách có thể tiếp cận, tạo ra những không gian “check-in”, hướng đến mỗi du khách là một kênh quảng bá hiệu quả.

Du thuyền đưa khách cập cảng Chân Mây (thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh)

Hiện nay, các hoạt động du lịch đang từng bước khởi động trở lại. Lĩnh vực tàu biển như thế nào, thưa ông?

Dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn, nhất là khi cả thế giới đang tiêm vaccine phòng dịch và “hộ chiếu vaccine” cũng được xem xét, nên không khó để thấy các hoạt động đang dần khởi động trở lại. Các đối tác du lịch lĩnh vực tàu biển đang hết sức “nôn nóng” để có những chuyến vượt đại dương trở lại. Phía đối tác của chúng tôi ở châu Âu thông tin, ngày 13/5 tới một số du thuyền sẽ hoạt động trở lại và sang tháng 7 sẽ có chuyến tàu chính thức vượt biển. Riêng tại cảng Chân Mây, tháng 11 năm nay sẽ đón chuyến tàu đầu tiên trở lại sau hơn 1,5 năm. Trong tháng đầu tiên đón tàu trở lại đó, Chân Mây sẽ liên tiếp đón 5 chuyến cập cảng.

Để đón khách trở lại Việt Nam nói chung và Huế nói riêng, chúng tôi phải trả lời và thực hiện hơn 40 đầu việc mà phía đối tác yêu cầu. Phải đáp ứng đúng và đủ các biện pháp phòng chống dịch mà đối tác đặt ra, chỉ khi khách thấy các giải pháp thực hiện an toàn, tàu mới đến. Đó cũng là lý do mà chúng tôi đến Huế lần này, chúng tôi đã trao đổi với cảng Chân Mây và hai bên đang có các bước chuẩn bị đầu tiên.

Tương lai xa hơn, Huế sẽ làm gì để thu hút khách tàu biển, được xem là dòng khách hạng sang?

Đây đúng là vấn đề được đặt ra một thời gian khá dài trước đó. Như mọi người đã từng được thông tin, có những chuyến tàu, chỉ khoảng 10 – 15% khách xuống cảng Chân Mây là lên tham quan di sản Huế. Còn lại vào Đà Nẵng và Hội An. Trong khi đó xét về yếu tố văn hóa lịch sử, Huế là Cố đô, nơi được xem là một trong “cái nôi”, lịch sử văn hóa của Việt Nam.

Thời gian là yếu tố quyết định bởi khách tàu biển có rất ít thời gian để sử dụng dịch vụ. Một trở lực phần nào đã được giải quyết, thời gian di chuyển từ cảng Chân Mây lên TP. Huế và ngược lại đã giảm được khá nhiều. Dù thế, trở lực còn lại khá nhiều, khi nơi đậu, đỗ xe cho đoàn xe lớn còn khó khăn. Nơi đậu xe quá đông đúc, thủ tục nhiều làm mất thời gian; thời gian đi bộ để đi vào tham quan, đi ra sau tham quan vẫn chưa có giải pháp thay thế…

Xu hướng khách tàu biển trong tương lai tiếp tục là khách cao cấp, bởi chi phí đi du lịch tàu biển sẽ tăng khá nhiều sau dịch bệnh. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, mục tiêu của Huế hướng đến là khai thác khách hạng sang. Có thể thấy, hai bên đang cùng mục tiêu, đó là thuận lợi trong phát triển. Huế sẽ có những dịch vụ để phù hợp với nhu cầu. Điều này đòi hỏi sẽ có những cuộc làm việc cụ thể giữa các đơn vị khai thác tàu biển và ngành du lịch Huế.

Là người có nhiều năm gắn bó với du lịch Huế, ông có những góp ý gì cho ngành “công nghiệp không khói” của Cố đô?

Trong phát triển điểm đến, hai yếu tố luôn được đặt ra: khách của Huế là những ai và ai sẽ đưa khách đến. Thống kê trong năm 2020, khách do các doanh nghiệp đưa đến Huế khoảng 50%; riêng trong năm 2021 này, con số trên khả năng sẽ còn giảm. Khi nắm rõ đối tượng khách và cách thức khách đến Huế như thế nào sẽ có giải pháp tương ứng. Nghiên cứu thị trường phải làm liên tục và có tính định kỳ.

Về vĩ mô, Huế cần thu hút những tập đoàn lớn vào để dẫn dắt thị trường bằng chính nguồn khách của họ. Huế hãy mời từng nhà đầu tư riêng biệt đến để nghe chiến lược phát triển. Hành động mạnh mẽ hơn, triển khai tốt nhất những kế hoạch, chiến lược, nghị quyết đã được ban hành.

Về vi mô, Huế cần trau chuốt dịch vụ từ những chi tiết nhỏ nhất. Bởi khi đến Huế lần này, chúng tôi có tham gia tour trải nghiệm mặc áo dài và đi xích lô. Tour rất hay, rất hấp dẫn và phù hợp với khách tàu biển. Nhưng đơn vị khai thác lại thiếu nước uống, bản đồ và nếu được có một chiếc nón lá Huế trong thời tiết nắng nóng thì tuyệt vời làm sao. Dù đó là tiểu tiết nhưng lại vô cùng quan trọng và tạo ấn tượng với khách.

Xin cảm ơn ông!

Quang Sang (thực hiện)

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế  online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *