Ở các điểm du lịch cộng đồng, điều hấp dẫn du khách là được sinh hoạt cùng với người dân và ngủ homestay, tuy nhiên, đa số homestay lại chưa đảm bảo về chất lượng.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Ngư Mỹ Thạnh. Ảnh: Nguyễn Hưng
Chưa đảm bảo chất lượng
Để chuẩn bị đưa khách về Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi, Quảng Điền) trong mùa du lịch 2019, một số doanh nghiệp ở Huế đã về khảo sát lại các dịch vụ, trải nghiệm nơi đây để xây dựng tour tuyến.
Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội – Chi nhánh Huế đánh giá, ở Ngư Mỹ Thạnh, các trải nghiệm rất tuyệt vời, chỉ có dịch vụ homestay là chưa đảm bảo được yêu cầu để phục vụ khách. Với chất lượng này, phía công ty không thể để khách ngủ lại, vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chung của tour. Có chăng đưa khách về trải nghiệm vào ban ngày, buổi tối đưa khách trở lại TP. Huế. Điều này lại làm mất tính hấp dẫn, bởi du khách sẽ không thể trải nghiệm đời sống, đánh bắt thủy hải sản vào ban đêm, trải nghiệm chợ nổi buổi sáng sớm trên đầm phá Tam Giang.
Các doanh nghiệp cho hay, homestay ở Ngư Mỹ Thạnh chủ yếu người dân tận dụng các phòng ngủ trong nhà rồi cải tạo lại, do đó, diện tích, các trang thiết bị trong phòng đều thiếu, hoặc không đảm bảo chất lượng. Với một căn phòng chỉ đủ để một tấm nệm, không có cửa sổ… thì không thể gọi là homestay.
Ông Nguyễn Anh Cầu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Điền cho biết, hiện ở Ngư Mỹ Thạnh có 8 hộ kinh doanh homestay, nhưng chỉ có 2 nhà với 6 phòng ngủ đảm bảo yêu cầu, còn lại 6 hộ đang được vận động để cải tạo, nâng cấp lại cơ sở vật chất. Các phòng homestay chưa đạt yêu cầu sẽ không quảng bá hay mời chào du khách, trừ trường hợp du khách về quá đông thì mới tận dụng.
Ở làng cổ Phước Tích, dịch vụ homestay có khả quan hơn, nhưng nhiều phòng cũng rơi vào tình trạng như ở Ngư Mỹ Thạnh. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Du lịch Quê Hương chia sẻ, ngay cả homestay tại nhà rường nổi tiếng nhất nhì Phước Tích chỉ có hai phòng ở ngôi nhà chính đáp ứng được các tiêu chí về nét truyền thống, tiện nghi và thoáng mát, nhưng một số căn phòng mới xây thêm ở phía sau để phục vụ du khách lại không đảm bảo.
Còn khá nhiều homestay ở các vùng quê chưa đáp ứng nhu cầu. Ảnh: Nguyễn Hưng
Tại điểm du lịch cộng đồng Gành Lăng (Lộc Bình, Phú Lộc) cũng chung thực trạng. Đối với các homestay nơi đây có khảo sát và lựa chọn các hộ gia đình sẽ tham gia phục vụ homestay từ trước. Vì thế, về diện tích phòng rộng hơn, tuy nhiên, vật dụng được trang bị còn thiếu, hoặc không đạt chuẩn; chủ yếu dừng lại mức ngủ nghỉ, chứ chưa thể được xem là dịch vụ góp phần thu hút khách về với Gành Lăng.
Cần có định hướng
Qua tìm hiểu, nhiều người dân mở dịch vụ homestay là do lượng khách về đông, nhu cầu đang có nên nhiều người sửa lại nhà để làm du lịch. Việc mở dịch vụ homestay thiếu định hướng và kinh nghiệm, người dân hoàn toàn không biết về các tiêu chuẩn dịch vụ homestay nên không đảm bảo yêu cầu; trong khi đó, bộ tiêu chí do Tổng cục Du lịch ban hành vào năm 2017 về kinh doanh dịch vụ homestay có quy định rất rõ ràng.
Đại diện các hộ tham gia phục vụ khách ở điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh thừa nhận, lâu nay chưa có tiêu chí để đánh giá dịch vụ homestay, thấy hộ gia đình nào có nhà cửa khang trang thì làm. Các trang thiết bị, cách bố trí chủ yếu từ những góp ý của du khách, hướng dẫn viên để điều chỉnh thêm, chứ chưa biết quy chuẩn nào về homestay.
Bà Dương thị Công Lý cho rằng, đối với homestay phục vụ du khách không cần sang trọng, nhưng tối thiểu là vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng và gắn với văn hóa bản địa. Ngoài ra, cần niêm yết, công bố giá dịch vụ, có bảng biển hướng dẫn… Riêng ở Ngư Mỹ Thạnh, rác thải sinh hoạt đang thải ra đầm phá là một điểm trừ, du khách nước ngoài rất dị ứng, họ không thể ngủ ở nơi mà xung quanh có nhiều rác thải như thế.
Các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần cho người dân tham gia các chuyến khảo sát để tham khảo một số homestay đang phát triển trong và ngoài tỉnh, để người dân hình dung được homestay là gì và triển khai có bài bản hơn. Khi không hiểu đúng về dịch vụ homestay thì rất khó để tăng chất lượng dịch vụ, vì dù loại hình du lịch nào đi chăng nữa thì chất lượng và tính chuyên nghiệp phải dần được hoàn thiện.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, trong dự thảo quy chế hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đang trình UBND tỉnh phê duyệt có đề xuất, sẽ hỗ trợ cho người dân 30 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất làm homestay. Nếu đề xuất này được thông qua, hy vọng chất lượng các homestay mới cải thiện, vì lâu nay, người dân tự làm nên thiếu đồng nhất, thiếu sự hướng dẫn về chất lượng. Ngành cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dịch vụ homestay để tăng mặt bằng chất lượng chung cho các điểm du lịch cộng đồng.
Một số yêu cầu cơ bản đối với dịch vụ homestay theo Tiêu chí Quốc gia TCVN 7800:2017: Nhà ở trong tình trạng tốt, thông thoáng, ánh sáng và chiếu sáng đảm bảo thuận lợi trong quá trình sử dụng, vận hành; có tối thiểu một nhà tắm, một nhà vệ sinh cho khách, trường hợp phòng vệ sinh và tắm chung, diện tích tối thiểu 3m2; giường hoặc nệm/chiếu có kích thước tối thiểu 0,8m x 1,9m cho 1 người và tối thiểu 1,5m x 1,9m cho 2 người; có khoảng cách dành cho khách đi lại giữa các giường; có chỗ treo hoặc để quần áo cho mỗi khách; bình nước uống; thùng rác có nắp; tủ đựng đồ riêng cho khách hoặc tủ chung có nhiều ngăn, mỗi khách sử dụng một ngăn có chìa khóa riêng… |
Đức Quang