Đạ dạng thị trường & sản phẩm, giải pháp duy trì tính liên tục trong kinh doanh

Trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, duy trì hoạt động, tránh “đứt gãy” trong quá trình kinh doanh là một giải pháp để doanh nghiệp tạo lòng tin với khách hàng và quan trọng hơn tìm thấy cơ hội mới trong kinh doanh.

Du khách thích thú mặc áo dài và chụp ảnh trong không gian cổ kính của di sản Huế (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

Cố gắng duy trì hoạt động

Dịch bệnh tạm dừng, rồi bùng phát, doanh nghiệp chưa vực dậy thì lại tiếp tục khó khăn bởi COVID-19. Một doanh nghiệp lữ hành khá lớn trong tỉnh cho rằng, dịch bệnh làm thay đổi các quy luật và nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh du lịch suốt gần 20 năm công ty hoạt động. Việc đóng cửa, tạm dừng hoạt động là điều không thể khác, bởi sự thiếu hụt nguồn cầu.

Ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh phân tích, doanh nghiệp khi đã bước vào môi trường kinh doanh chắc chắn đã trang bị nền tảng kiến thức kinh doanh và có những nguyên tắc kinh doanh riêng. Đảm bảo tính liên tục, tránh gián đoạn, đứt gãy trong hoạt động kinh doanh là một nguyên tắc khá cơ bản trong kinh doanh. Bởi sự đứt gãy, gián đoạn là nguy cơ mất nguồn khách, mất nguồn lao động…

Vì vậy, các doanh nghiệp đang rất cố gắng để tạo tính liên tục trong kinh doanh. Qua ghi nhận, doanh nghiệp càng lớn càng chú trọng và hạn chế tối đa sự đứt gãy trong kinh doanh. Chính vì thế mà nhiều công ty lữ hành, khách sạn, resort dù đang rất khó khăn về nguồn khách, vẫn duy trì hoạt động, với một lượng nhân viên nhất định.

Tại Công ty Vietravel – Chi nhánh Huế, Saigontourisrt – Chi nhánh Huế, Công ty Du lịch Việt Nam – Hà Nội – Chi nhánh Huế, Công ty Du lịch Kết nối Huế… vào cuối tháng 5/2021, vẫn có khoảng 4-5 nhân viên túc trực làm việc. Người nhận điện thoại trao đổi với khách, người đảm nhận quảng bá các tour trong nước… dù không có khách hàng đến liên hệ đặt tour trực tiếp.

Anh Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Kết nối Huế cho biết, dịch bệnh đã khiến các hoạt động du lịch buộc tạm dừng, nếu công ty cũng tạm dừng hoạt động sẽ tạo tâm lý chán nản, nhiệt huyết ngày càng giảm. Vì vậy, các thành viên trong công ty vẫn duy trì làm việc dù thu nhập chỉ mang tính hỗ trợ. Bên cạnh tạo động lực cho nhau, đây còn là giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho những giai đoạn tiếp theo.

Tại các resort nghỉ dưỡng lớn của Huế, như Laguna Lăng Cô, Lapochine Beach Resort, Alba Thanh Tân, Làng Hành Hương và Vedana Lagoon… đang duy trì mở cửa đón khách. Quản lý một trong những resort trên cho hay, nguyên tắc của điểm nghỉ dưỡng là có bao nhiêu khách cũng đón và phục vụ. Có thể thua lỗ, nhưng duy trì công việc cho người lao động, duy trì tính liên tục để giữ nguồn khách quen thuộc.

Do dịch bệnh nên doanh nghiệp lữ hành tập trung vào dòng khách nội địa

Đa dạng hóa thị trường và sản phẩm

Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh không phải dễ, nhất là đối với những doanh nghiệp lữ hành chuyên về khách quốc tế, hay đối với các khách sạn khi khách chủ yếu là ngoại tỉnh. Dù thế, đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh đang được các doanh nghiệp cố gắng duy trì, nhất là đối với những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tốt. Không bị “đứt gãy” rõ ràng sẽ chủ động, phục hồi kinh doanh tốt hơn trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch sau dịch, tạo môi trường kinh doanh có tính nhộn nhịp.

Một điều nhận thấy, càng về các đợt bùng phát dịch mới, doanh nghiệp đã ít bị động hơn và thiệt hại cũng ít hơn so với những đợt trước. Một điều được chứng minh nữa là đối với các doanh nghiệp đã có sự linh hoạt, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm tốt, vẫn duy trì được các hoạt động, dù rằng không “sôi động” và đạt hiệu quả như thời điểm không có dịch bệnh.

Anh Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng phân tích, một số người bạn kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh, một số đóng cửa, nhưng số người bạn lại cho nhân viên tăng ca, bởi có sản phẩm thay thế. Qua đó để thấy, đa dạng sản phẩm và thị trường giúp doanh nghiệp tìm được “ánh sáng” trong khó khăn. “Chúng tôi xây dựng mô hình kinh doanh trên nguyên tắc đa dạng hóa đó nên từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay, công ty vẫn duy trì hoạt động. Những lĩnh vực kinh doanh khác đang chia lửa tốt cho du lịch. Nguồn lao động cũng được đa dạng chuyên môn, khi chuyển sang một công việc mới ở lĩnh vực khác, không đạt công suất tối đa như ở du lịch, nhưng cũng giúp vận hành cơ bản, chứ không bị “đóng băng” hoàn toàn”,  anh Thuận chia sẻ.

Trong khi đó, theo Lê Thị Dạ Lam, Tổng Quản lý Làng Hành Hương và Vedana Lagoon, dịch bệnh đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy và nguyên tắc trước đó, giúp có sự đánh giá khách quan, có một tầm chiến lược sâu và rộng hơn cho tương lai. Trước đây, chúng tôi bỏ qua khách nội tỉnh. Khách nội địa chỉ tập trung vào một số thị trường cao cấp, còn chủ yếu dồn lực cho khách quốc tế, lứa tuổi trung niên. Nay khách chủ yếu lại là khách nội địa, đặc biệt là vai trò của khách nội tỉnh. Vì thế, chiến lược quảng bá, kinh doanh, sản phẩm cung ứng cũng phải thay đổi.

Theo các chuyên gia kinh tế, đảm bảo kế hoạch thích ứng và duy trì hoạt động, xem xét lại chiến lược và mô hình kinh doanh, cũng như xác định vị thế thị trường là điều doanh nghiệp cần ưu tiên để phát triển trong dài hạn. Doanh nghiệp cần phải có sự xoay chuyển liên tục trong định hướng chiến lược cũng như phương thức thực thi các chiến lược đó phù hợp. Như thế, mới có thể giúp doanh nghiệp ít nhất “sống” qua mùa dịch.

Bài, ảnh: Quang Sang

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *