Chuyện về bức tranh “Cô gái trong lồng chim”

TTH.VN – Trong khi ở đất nước Pháp xa xôi đang diễn ra cuộc triển lãm của danh hoạ Mai Trung Thứ – bậc thầy của nền hội hoạ Việt Nam hiện đại, thì ít ai biết rằng, ngay tại Huế cũng có một bức tranh của người hoạ sĩ tài danh này. Tác phẩm ấy được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tầm và đang bảo quản cẩn thận.

Bà Đinh Thị Hoài Trai – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế bên tác phẩm “Cô gái bên lồng chim” của danh hoạ Mai Trung Thứ. Ảnh: T.L

Triển lãm tác phẩm danh hoạ Mai Trung Thứ ở Pháp bắt đầu vào những ngày cuối tháng 6 do Bảo tàng Ursulines của thành phố Macon tổ chức. Lễ khai trương khu trưng bày tác phẩm diễn ra tại tiền sảnh nhà ga Lyon, Paris. Còn tại Huế, bức tranh của danh hoạ có tên “Cô gái bên lồng chim”, được Bào tàng Mỹ thuật Huế bảo quản cẩn thận và mong một ngày không xa sẽ trưng bày, giới thiệu đến người xem.

Ít ai biết rằng, câu chuyện tác phẩm “Cô gái bên lồng chim” có rất nhiều chi tiết vô cùng thú vị và liên quan đến điêu khắc gia trứ danh Điềm Phùng Thị – người tạo ra bảy ký tự trở thành ngôn ngữ điêu khắc nổi tiếng thế giới.

Đến thời điểm này, bà Đinh Thị Hoài Trai – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế vẫn nói rằng, vừa vui mừng, vừa sung sướng khi đơn vị sưu tập thành công tác phẩm danh giá của danh họa Mai Trung Thứ. Đó là bức tranh được vị họa sĩ tài danh vẽ cô gái khoả thân đang cho chim ăn, con chim ấy bị nhốt trong lồng. Phía dưới tác phẩm có thêm bút tích: “Thân tặng Cúc Điềm, XII 78 (tháng 12-1978), Mai Trung Thứ”.

“Bức tranh ấy được hội đồng chuyên môn may mắn sưu tập lại từ gia đình anh Hối”, bà Trai kể. Anh Hối chính là ông Phan Đình Hối, người phụ trách và gắn liền với Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị thời điểm còn ở số 1 Phan Bội Châu hơn hai thập niên. Ông được bà Điềm xem như là người thân thích trong nhà.

Ngày còn trẻ, bà Điềm Phùng Thị từng sang pháp và có thời gian học vẽ với danh hoạ Mai Trung Thứ. Một thời gian sau, danh hoạ vẽ tác phẩm “Cô gái bên lồng chim” để tặng bà. Bức tranh ấy được bà treo trong không gian phòng riêng của mình. Vì nhiều lý do, bà Điềm đã quyết định tặng tác phẩm ấy cho ông Hối với lời dặn: “Khi nào các cháu vào đại học thì bán bức tranh này lo cho các cháu học. Đó là cái tâm của cô. Cô nói giá trị của bức tranh là một ký vàng đó nghe Hối”.

Dù có rất nhiều người hỏi mua, nhưng ông Hối không bán và quyết định để lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế vì muốn giữ lại tác phẩm ấy cho quê hương Thừa Thiên Huế.

“Bảo tàng đang sở hữu một tác phẩm vô giá, nhất là sau khi một số tác phẩm của danh hoạ Mai Trung Thứ bán đấu giá thành công với mức giá rất cao ở nước ngoài”, bà Trai nói. Tại cuộc đấu giá vào giữa tháng 4 ở một sàn đấu giá tại Hồng Kông khi tác phẩm “Chân dung cô Phương” của họa sĩ họ Mai được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD dù trước đó nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong ước tính tác phẩm sẽ đạt mức giá từ 900.000 – 1,2 triệu USD. Thông tin này đã khiến giới nghệ thuật Việt Nam rúng động bởi đây là bức tranh Việt có mức giá ước chừng cao nhất từ trước đến nay.

Theo tư liệu, họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 – 1980) hay Mai Thứ, là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên (1925 – 1930) của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Hầu hết cuộc đời ông sống ở Pháp. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Tại đây, hàng loạt tác phẩm tranh lụa của ông đã ra đời với đề tài chính là những cô gái Huế và khung cảnh hữu tình bên dòng sông Hương cùng các đền đài, lăng tẩm. Những năm tháng làm việc tại đây đã tạo nên phong cách, tên tuổi và chỗ đứng vững chắc của ông trong nền hội họa hiện đại Việt Nam.

Bài, ảnh: Nhật Minh

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *