Cần hình thành nên chuỗi sản phẩm du lịch

Những điểm đến ấn tượng của Huế đã được giới thiệu đến bạn bè trong và ngoại tỉnh tại diễn đàn. Dù nó không phản ánh đầy đủ về bức tranh du lịch Huế, nhưng trong mắt của nhiều người, Huế đang đổi khác và ấn tượng.

Không gian thư giãn tại Bạch Mã Village

Nhiều sản phẩm ấn tượng

Giám đốc Công ty TNHH Bạch Mã Village Nguyễn Tuấn Khanh mở đầu câu chuyện về điểm đến ấn tượng của đơn vị mình bằng những hình ảnh toàn cảnh về thác nước tuyệt đẹp được bắt nguồn từ núi Bạch Mã.

Dòng nước mát từ ngọn thác hùng vỹ này khởi nguồn cho một sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo nên một “quần thể” dịch vụ trên diện tích khoảng 3ha: Tắm suối tự nhiên, trượt thác tự nhiên, nhà hàng, quán bar, khu vui chơi trẻ em và cả hệ thống lều trại, dịch vụ lưu trú… Ông Khanh bảo rằng, cảnh sắc tại đây trở thành điểm “check in” lý tưởng cho du khách.

Với Huế, Bạch Mã Village như là sự chuyển động của loại hình du lịch sông suối, không chỉ dừng lại ở một điểm đến nghèo nàn dịch vụ, “thuần” tự nhiên, tương lai nơi này sẽ tái khởi động đầu tư sản phẩm zipline trên không và zipline tắm suối, đồng thời định hướng xây dựng sản phẩm xoay quanh thị trường teambuiding, tổ chức các sự kiện ngoài trời…

Tận dụng lợi thế tự nhiên nghĩa là khai thác tiềm năng vốn có của địa phương, “trái tim của sự hoang dã” – núi Bạch Mã thêm một lần được mở. Bà Lê Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu Tư và Dịch Vụ YesHue Eco thông tin về một điểm đến mới mà cũ tại Nam Đông – thác Mơ. “Chúng tôi không chỉ giúp du khách cảm nhận được dòng nước mát khơi nguồn từ đỉnh Bạch Mã mà điểm đến của YesHue Eco còn góp phần quảng bá văn hóa cộng đồng người Cơ Tu với những chương trình âm nhạc dân gian, hoạt động cộng đồng đặc sắc. Khu du lịch này cũng tạo giá trị sinh kế cho đồng bào dân tộc bởi 90% nhân sự là người Cơ Tu”, bà Hằng chia sẻ.

Rất nhiều lần tại diễn đàn, các đại biểu nhắc đến sông Hương và đầm phá Tam Giang tại Huế, đó như là lợi thế kép để Huế hình thành nên những sản phẩm đặc trưng. Dẫu chưa thật toàn diện, nhưng những gì mà HRS mang lại đã hình thành nên các trải nghiệm cho du khách khi khám phá sông Hương. “Trải nghiệm, khám phá Huế theo dọc dòng Hương không chỉ để khám phá một con sông thơ mộng mà du khách còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa Huế. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp dòng sông, khám phá ẩm thực, ghé thăm các lăng tẩm, làng nghề truyền thống… là những sản phẩm đặc trưng của chúng tôi khi du khách khi đến Huế. Trong giai đoạn kích cầu du lịch, chúng tôi có chương trình giảm giá 30 % cho các dịch vụ”, ông Nguyễn Công Vụ, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Sông Hương (HRS) cho biết.

Khai thác đầm phá Tam Giang đang được nhiều doanh nghiệp du lịch chú ý. Tại Diễn đàn Du lịch Huế 2020, ông Nguyễn Đình Thành, Phó Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông quảng cáo và dịch vụ du lịch Đại Bàng (Eagle Tourist) giới thiệu đến bạn bè trong và ngoại tỉnh làng du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh, phá Tam Giang. Những điểm nhấn về làng bích họa tuyệt đẹp bên vùng đầm phá rộng lớn nhất Đông Nam Á cùng những dịch vụ kèm theo một phần khơi dậy tiềm năng nơi con nước huyền thoại …

Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn Trần Minh Hùng góp ý tại diễn đàn

Nên tạo thành vệt

Đánh giá về ngành du lịch Huế và những sản phẩm của Huế, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Hồ An Phong cho rằng, Huế đã có những bước đi vững chắc, đổi mới trên nền tảng cũ. Đặc biệt, Huế hình thành nên nhiều loại hình dịch vụ đặc trưng, trở thành thương hiệu như, dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe. “Chọn hướng đi là du lịch thông minh của các bạn thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với thời đại. Những sản phẩm được giới thiệu tại diễn đàn rất mới, hấp dẫn. Song, theo tôi cần xây dựng xây dựng cách làm mới hơn nữa với những giá trị cũ. Người Huế có kinh nghiệm làm dịch vụ du lịch và thích ứng cơ chế thị trường. Tuy nhiên, liên kết phát triển cần sâu và rộng hơn. Tại sao không tạo ra vệt liên kết du lịch từ Quảng Bình đến Bình Định, một điểm đến có một sản phẩm khác biệt, từ đó tạo nên những lợi thế so sánh. Từ sự liên kết này tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch có chiều sâu”, ông Phong đề nghị.

Kết nối là điều nhiều đại biểu lưu ý khi nhắc đến sự liên kết. Và ngay trong mỗi sản phẩm của du lịch Huế cũng cần liên kết. Theo đó, chọn phương tiện di chuyển cho du khách đóng vai trò quan trọng. Đại diện Vietnam Airlines đánh giá cao những gì mà ngành du lịch tỉnh đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là những chính sách kích cầu hậu dịch bệnh COVID-19. “Mỗi ngày, hãng hàng không chúng tôi đưa gần 2.000 khách đến Huế. Di chuyển bằng đường hàng không đang là lựa chọn phổ biến của nhiều du khách. Qua các sản phẩm của Huế hiện nay, tôi cho rằng Huế cần quảng bá thểm những sản phẩm mới. Đặc biệt, Huế đang có sân bay Phú Bài sôi động, và hãy biến địa điểm này thành nơi thu hút du khách, liên kết với các tỉnh Bắc miền Trung nhằm quảng bá sản phẩm khác bên cạnh nền tảng di sản đồ sộ”, đại diện Vietnam Airlines góp ý.

Nhắc đến quảng bá sản phẩm du lịch là nhắc đến mối quan hệ giữa ngành du lịch và truyền thông. Trong thời điểm ngành du lịch cần định hướng lại để kích cầu, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn Trần Minh Hùng cho rằng: “Đây là thời điểm vàng của ngành du lịch để quảng bá thông tin du lịch thông qua các phương tiện truyền thông. Các bạn có sản phẩm mới nhưng cần truyền thông mạnh mẽ để kích thích kết nối các doanh nghiệp du lịch”.

Bài, ảnh: Lê Thọ – Đức Quang

Theo Báo Thừa Thiên Huế online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *