Bờ Hồ hay Lò Đúc đâu mới là phở Thìn chính hiệu?

Phở là món được khuyến nghị nhất định phải ăn khi đến Hà Nội, không chỉ vậy, với những người sành thì ăn phở là phải đến với Phở Thìn, một là Thìn Lò Đúc hai là Thìn Bờ Hồ.

Cùng nhóm bạn Hà Thành đi Food tour Hải Phòng: Chỉ 1,3 triệu ăn sập phố cảngXôn xao quán cà phê view bao trọn Hồ Tây, lên hình siêu ảo ở Hà Nội

Sáng an nhàn
Lang thang trên đường phố
Ngắm Hà Nội, sau bao nhiêu ngày xa
Nằm ẩn sâu trong phố chật chội
Hàng phở lâu năm cha nối con truyền
Người vào ra, chen nhau rộn rã
Dựng vội xe lên mép vỉa hè
Chọn một nơi ưa thích tôi ngồi
“Em ơi, cho anh phở chín”

(Phở – Gạt Tàn Đầy)

Lời bài hát Phở của Gạt Tàn Đầy đã nói hộ lòng những người Hà Nội. Chẳng biết tự bao giờ món Phở đã được coi là quốc hồn quốc túy của người Hà Nội để rồi mỗi khi đi xa món ăn được nhớ nhiều nhất chẳng có gì ngoài bát phở nóng hổi, thơm nức.
Phở là món nhất định phải thử ở Hà Nội.

Mà chẳng riêng gì người Hà Nội, khách phương xa đến chơi Hà Nội thường được khuyến nghị nhất định phải thử Phở Thìn để được biết thưởng món phở chuẩn vị. Nhưng cái thương hiệu này chẳng phải là duy nhất mà Hà Nội có đến 2 hàng phở Thìn nổi tiếng, hàng nào cũng được quảng cáo là lâu năm, là chính hiệu khiến chính những người dân Hà Thành đôi khi cũng trở nên lúng túng khi được hỏi hàng nào mới là “xịn”, là chuẩn?

Để trả lời câu hỏi này trước hết hãy quay ngược dòng lịch sử.

 

Phở Thìn Bờ Hồ 65 năm trường tồn

Cách đây khoảng 70 năm về trước, khi ấy đất Hà Nội có rất ít hàng quán sang chảnh, phở là món ăn được ưa chuộng nhưng chủ yếu cũng là các gánh hàng rong. Ông Bùi Chí Thìn khi ấy là người Hà Tây lên Hà Nội lập nghiệp cũng với một gánh hàng phở rong đi khắp các ngõ phố Hà Nội bấy giờ.

Nhiều năm bán hàng, trò chuyện với khách, ông Thìn đã phần nào nắm bắt được cái gu ăn uống của người Tràng An. Và rồi năm 1955, “mượn” được chỗ ngồi ở đầu ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng, ông Thìn đầu tư để mở một quán phở nho nhỏ với tấm biển giản dị Phở Thìn.
Phở Thìn Bờ Hồ vẫn giữ nét xưa suốt 65 năm qua.

Khi ấy, quanh khu vực Hồ Gươm cũng không có hàng phở nào mà nơi đây lại được coi là trung tâm của những người sành chơi, sành ăn nên quán phở nhỏ ngày một thu hút khách hơn.

Bí quyết không có gì nhiều, vẫn là nước dùng được hầm từ xương bò lẫn xương lợn, cùng quế, hồi, thảo quả, sá sùng…. và cũng chỉ phục vụ phở tái chín-nạm-gầu, nhưng ông Bùi Chí Thìn hơn người khác ở chỗ đã biết gu của khách hàng nên cẩn thận chế nước dùng thật trong, nêm nếm vừa miệng hơn cùng với sự niềm nở với khách hàng mà quán phở nhỏ ngày càng nổi tiếng.
Quán phở nhỏ nhưng luôn đông khách.

65 năm qua, dù Hà Nội đã đổi thay quá nhiều và cũng rất hiện đại và dù nằm giữa nơi đô hội sầm uất, trải qua ba thế hệ, nhưng Phở Thìn Bờ Hồ vẫn không thay đổi, vẫn đơn sơ nơi đầu ngõ nhỏ, bàn ghế cũ kỹ, và vẫn chỉ là phở tái-nạm-gầu nước trong, song thực khách vẫn nườm nượp đổ về, khách tứ phương, quốc tế đến Hà Nội cũng nhất định phải ghé thăm.

 

Phở Thìn Lò Đúc một phong cách khác biệt

Thật tình cờ là cách Bờ Hồ khoảng 3km cũng có một quán phở Thìn lâu năm ở phố Lò Đúc. Ban đầu, nhiều người tưởng rằng đây là 1 chi nhánh của phở Thìn Bờ Hồ, hoặc là anh em họ hàng gì của chủ quán Phở Thìn kia, nhưng thực chất không phải vậy.
Phở Thìn Lò Đúc chỗ ngồi rộng rãi hơn và đã vươn tầm quốc tế nhưng tấm biển hiệu vẫn rất đơn sơ.

Quán phở này được mở tại 13 Lò Đúc từ năm 1979 và ông chủ cũng tên là Thìn. Tuy ra đời sau, trong bối cảnh phở Thìn Bờ Hồ đã quá nổi tiếng, quanh khu Lò Đúc cũng nhiều hàng bán phở nhưng ông Nguyễn Trọng Thìn vẫn mạnh dạn đặt tên quán là Phở Thìn.

Vì sao ông Thìn “Lò Đúc” lại tự tin đến như vây? Thay vì bán món phở tái chín kiểu truyền thống của Hà Nội, ông Trọng Thìn đã “bẻ lái” sang hướng đi riêng với phong cách thịt bò xào xém lửa và được gọi là tái lăn bởi theo lời ông chủ giải thích là bò lăn trên chảo mỡ nóng già, cùng với gừng, tỏi, hành lá. Thịt bò được xào tái sau đó cho vào bát rồi mới chan nước dùng cùng thật nhiều hành lá cắt khúc lên trên.

Nếu như Thìn Bờ Hồ là phong cách nước trong thì Thìn Lò Đúc lại là một phong cách hoàn toàn khác. Cũng là nước dùng ninh từ xương nhưng lại béo ngậy, bát phở còn nổi một lớp mỡ giữa một màu xanh phủ kín hành lá.
Ông Nguyễn Trọng Thìn, người tạo dựng nên thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc.

“Tôi là người đam về ăn, vừa ăn vừa nghĩ. Tại sao cứ phải theo như này, tại sao không làm khác đi. Nếu khác đi có hay hơn không? Và tất cả những điều tôi nghĩ tôi đều đưa vào thử nghiệm cho gia đình ăn. Sau nhiều lần thử nghiệm thì gia đình cũng bằng lòng với món hiện nay: Phở tái lăn”, ông Nguyễn Trọng Thìn chia sẻ.

Sự mới mẻ, hương vị đậm đà của thịt xào thơm mềm, khác hẳn với bát phở bò tái chín hay miếng gầu béo giòn, chẳng bao lâu, Phở Thìn Lò Đúc đã tạo nên danh tiếng.

Dù đã hơn 40 năm trôi qua, quán phở Thìn tái lăn vẫn ở nguyên góc ngã tư Lò Đúc – Lê Văn Hưu, và lúc nào cũng đông kín thực khách, bất kể sáng-trưa-chiều-tối.
Người giữ truyền thống, người toàn cầu hóa

Nếu như Phở Thìn Bờ Hồ quyết tâm giữ lại nét gia truyền và “thủy chung” với một phong cách cũ địa điểm cũ thì Phở Thìn Lò Đúc lại hướng đến sự toàn cầu hóa, mang phở Hà Nội đến với thế giới.
Phở Thìn Hà Nội vẫn lôi cuốn thực khách bởi miếng thịt mềm, mọng nước, nước dùng trong.

Ông Nguyễn Trọng Thìn từng chia sẻ rằng, du khách quốc tế đến thưởng thức phở ở quán ông đều thích thú, nhiều người là khách quen, trong đó có một người Nhật tên Kenji Sumi.

Sau nhiều lần ăn đến phát nghiện ở quán, anh nhân viên văn phòng này đã có ý định kinh doanh quán phở tại quê hương mình. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện với ông chủ Nguyễn Trọng Thìn đã đánh dấu một bước ngoặt mới cho thương hiệu này. Ông Thìn đã sang Nhật và cùng Kenji Sumi mở quán phở mang thương hiệu Phở Thìn, sau đó là Hàn Quốc và mới đây đến Australia.

Không dừng lại đó, Phở Thìn Lò Đúccũng bắt đầu thực hiện nhượng quyền thương hiệu. Chuỗi phở Thìn từng ngày xuất hiện ở khắp nơi trên đất nước Việt từ các quận huyện ở Hà Nội đến Hạ Long, Sài Gòn, Đà Nẵng…

 

Phở Thìn Bờ Hồ hay Thìn Lò Đúc ngon hơn?

Thật khó để có thể trả lời câu hỏi này, bởi hai quán phở cùng tên nhưng hai phong cách khác nhau.

Phở Thìn Bờ Hồ dù chỗ ngồi chật chội và không thể đơn sơ hơn, bao năm không thay đổi cách phục vụ nhưng vẫn được thực khách kéo đến, thậm chí là khách nước ngoài dự hội nghị quốc tế ở Hà Nội sang trọng cũng nhất định phải tìm đến ăn.

Đó là bởi sự quyến rũ từ chính bát phở với nước dùng trong veo nhưng vẫn thơm nồng, béo ngậy. Sợi phở trắng mềm mại nhưng không bở nát, miếng thịt nạm hay gầu được hầm nhừ vừa đủ độ nên rất thơm, mềm nhưng vẫn giữ được độ giòn béo.
Phở tái lăn đậm đà và thơm mùi gừng, hành

Nhưng thứ mà khiến nhiều người thích ở quán này lại chính là thịt tái. Thịt bò được băm nhỏ ướp tiêu, gừng, tỏi với một chút nước mắm truyền thống, sau đó dần mềm bằng bằng sống dao rồi miết mỏng, đặt thịt lên trên bát phở, rắc hành, rau thơm thái nhỏ, múc muôi nước dùng đang sôi ùng ục chan lên, miếng thịt chuyển từ màu hồng dần sang màu trắng. Nhờ thế thịt mềm nhưng rất ngọt, tạo hương vị quyến luyến nơi đầu lưỡi. Bát phở tái – chín ở đây có giá dao động từ 50.000- 70.000 đồng.

Khác với vị ngọt thanh ở Bờ Hồ, phở Thìn Lò Đúc, lại nhiều hành béo ngậy. Miếng thịt xào tái thơm quyện mùi hành tỏi, gia vị và đậm đà, đặc biệt không khô mà vẫn giữ được độ mềm mọng nước bởi được đảo trên chảo nóng già với lửa lớn vừa đủ thời gian cho thịt chín. Bên cạnh đó, quán còn có tương ớt thửa riêng rất cay và thơm khác hẳn với tương ớt bán đầy rẫy ở chợ được nhuộm màu và độn tạp chất.

Phở ở đây có giá khá chát 60.000 – 100.000 đồng/tô. Song với khách quen thì mức giá đó vẫn đáng giá còn hơn ăn bát phở 30k mà “phí mồm” vì vị chẳng ra sao.

Cùng một thương hiệu nhưng mỗi quán lại có một câu chuyện lịch sử, con đường phát triển khác nhau. Nhưng với những thực khách yêu phở, mến ẩm thực Hà Nội thì nên thử cả hai để được thưởng thức đủ sắc màu phở Hà Nội.

Xem thêm: 24h check-in Hà Nội, có quá nhiều nơi để chơi, để ngắm và để ăn

Trịnh Anh

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Nguồn Báo Dulichvietnam online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *