Trình tấu Đại nhạc tại Thế Miếu |
Tinh hoa
Nhã nhạc (âm nhạc cung đình) là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển Nhã nhạc trở thành một biểu tượng cho sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản… của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.
Theo cố GS.TS. Trần Văn Khê, nhạc cung đình là một bộ môn âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt Nhã nhạc Huế có giá trị rất cao về phương diện lịch sử lẫn nghệ thuật. Tuy được sử dụng ở chốn cung đình, nhưng việc sáng tạo và biểu diễn hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất thân từ trong dân gian, nhờ có tay nghề cao mà được sung vào cung để phục vụ cho triều đình.
Các nhạc khí được dùng trong nhạc cung đình cũng được chế tạo rất kỹ, chạm cẩn khéo léo, tinh xảo hơn nhạc khí dùng trong dân gian, lại có đầy đủ màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (khánh), tiếng đồng. Về độ cao có tiếng trầm của dây đài đàn tỳ bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo. Khi hòa dàn thì không nhạc khí nào có thể át các nhạc khí khác mà mỗi loại âm thanh đều có thể phân biệt rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, vào nửa đầu thế kỷ XIX, điều kiện xã hội cho phép âm nhạc cung đình phát triển. Nhã nhạc lúc này có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương. Các nhạc chương đều do Bộ Lễ biên soạn phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình.
Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc được UNESCO ghi tên vào danh mục kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được UNESCO công nhận. Sự công nhận của UNESCO được xem là động lực tạo nên đột phá trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Nhã nhạc.
Nỗ lực bảo tồn, phát huy
Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Nhã nhạc được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Với sự tài trợ của UNESCO, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tuyển chọn 1 lớp 20 người đào tạo tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc. Từ đó, Nhã nhạc có thêm lực lượng nghệ sĩ có tay nghề, trẻ hóa đội ngũ để tiếp tục công việc nghiên cứu, trao truyền. Từ một đoàn nghệ thuật chưa tới 30 người, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế trở thành một nhà hát lớn mạnh trên 150 người với sự truyền nối, kế thừa giữa các thế hệ nghệ sĩ.
Những ngày đầu, công việc nghiên cứu, sưu tầm các bài bản Nhã nhạc gặp nhiều khó khăn khi nó đã mất không gian vốn có và có nguy cơ mai một dần. Các tài liệu lịch sử về Nhã nhạc không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống. Các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về Nhã nhạc còn quá ít ỏi.
NSND. Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết, nhà hát rất coi trọng công tác nghiên cứu, lưu giữ lại hệ thống dữ liệu về Nhã nhạc và các bộ môn nghệ thuật cung đình để thế hệ sau này không phải cất công đi tìm. Tiếp bước thế hệ đi trước, các nghệ nhân, nghệ sĩ, cán bộ của nhà hát đã nghiên cứu, sưu tầm, điền dã, tìm tòi các bài bản Nhã nhạc lưu truyền ở các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh để phục dựng lại, như: Tam luân cửu chuyển, 10 bản ngự, Phú lục địch, Nam ai Nam bằng…
“Quá trình 20 năm đối với Nhã nhạc nói dài nhưng cũng không dài, chúng tôi phải chạy đua với thời gian để sưu tầm, gặp các nhân chứng sống, khẩn trương khai thác những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo quý giá còn ở nơi họ để lưu trữ được nhiều hồ sơ về các bài bản của Nhã nhạc, kể cả tuồng và múa cung đình. Mỗi năm, nhà hát làm từ 1-2 hồ sơ nghiên cứu. Mỗi hồ sơ mất cả năm, thậm chí 2-3 năm mới xong, vì phải tìm chứng cứ thuyết phục, có sự so sánh… Quá trình nghiên cứu, xây dựng hồ sơ rất vất vả. Cán bộ nghiên cứu phải đi điền dã tìm các nghệ nhân, nghệ sĩ ở khắp trong cả nước từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đến Quảng Trị… Nhiều khi lặn lội vô tận Quảng Ngãi, gặp nghệ nhân lớn tuổi sức khỏe không tốt lại phải trở về”, NSND. Bạch Hạc kể.
Những bài bản của Nhã nhạc cung đình sau khi nghiên cứu đều đưa ra phục vụ có hiệu quả. Hiện nay, ngoài các chương trình biểu diễn phục vụ chính khách trong và ngoài nước, khách quốc tế và Nhân dân, nhà hát cũng biểu diễn Nhã nhạc ở các không gian diễn xướng ngày xưa đã trình tấu trong Hoàng cung để phục vụ khách du lịch.
NSND. Bạch Hạc nói: “Những tiết mục kinh điển, được xem là biểu tượng của Nhã nhạc luôn được chúng tôi bảo tồn nguyên bản. Trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc, múa Lục cúng hoa đăng… lễ hội nào cũng có mặt mới ra được văn hóa và bóng dáng của Huế. Nhã nhạc cũng là linh hồn để thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa trong Hoàng cung, ngoài kiến trúc độc đáo của quần thể di tích”.