Những tưởng chỉ là gạch nối gắn kết giữa thực tại và tín ngưỡng, thế nhưng với sức hút của mình, làng hương Thủy Xuân đã mang đến điểm nhấn mới lạ cho những ai có dịp ghé thăm xứ Huế mộng mơ.
Cách trung tâm thành phố Huế chỉ tầm 7km, làng hương Thủy Xuân tọa lạc trên trục đường Huyền Trân Công Chúa (phường Thủy Xuân, TP. Huế). Cùng với đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, địa danh có tuổi đời hàng trăm năm này gắn kết và tạo nên tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm hấp dẫn mà du khách chẳng nên bỏ qua.
Điểm đặc trưng trước nhất của làng hương Thủy Xuân đến từ những “đóa hoa” tre. Đây không phải là những đóa hoa tre nhuộm đỏ, vàng, hồng thường được người dân xứ Huế mua về để cúng những ngày đầu năm. Hoa tre ở đây là tập hợp những cây tăm hương – tre được phơi khô, chẻ nhỏ, vót kỹ dùng để se bột hương. Vừa bảo quản lâu, tránh mối mọt và tăng thêm sắc màu ấm cúng, phần chân của những cây tăm hương được nhuộm đỏ, bó thành từng bó lớn và xòe gốc để đón nắng, sấy khô.
Trải qua thời gian, cùng với thị hiếu ngày càng cao của du khách, người dân nơi đây đã biến tấu để ngoài màu đỏ, phần chân hương được nhuộm thêm những sắc màu mới như vàng, xanh, tím bắt mắt. Bởi thế, vào những ngày nắng ấm, hàng chục chiếc kệ được đặt cạnh con đường dẫn lên đồi Vọng Cảnh lại rộn ràng bởi những màu sắc sặc sỡ.
Check-in làng hương Thủy Xuân
Cũng thật lạ, thay vì những bảng tên màu mè thương hiệu, người dân làng hương đã biến những “đóa hoa” tre thành “mã số định danh” theo cách của riêng mình. Sắp xếp theo hình tròn, hình vòm cung hay đặt xen kẽ những đóa hoa hương theo các cách khác nhau, mỗi ngôi nhà trên trục đường Huyền Trân Công Chúa đã trở thành một gallery (phòng trưng bày nghệ thuật) nho nhỏ, làm sáng bừng lên cả một góc trời, rực rỡ hơn cả một cung đường vốn tĩnh mịch bởi màu xanh cây cối.
Mê mẩn vẻ đẹp từ những “đóa hoa” tre, Kim Anh, sinh viên năm tư Trường đại học Sư phạm Huế chia sẻ: “Cũng bởi yêu những sắc màu nơi đây nên mình muốn lưu giữ hình ảnh của tuổi trẻ, thanh xuân ở làng hương Thủy Xuân. Không cần quá nhiều phụ kiện, có thể chỉ là chiếc quạt, hoặc nón lá Huế là mình đã có ngay bộ ảnh yêu thích. Bởi chỉ với hoa tre, sắc màu và sự sắp xếp có chủ ý của các nghệ nhân nơi đây, bản thân nó đã là một khung cảnh nên thơ, rực rỡ và lãng mạn”.
Không chỉ tạo nên sức hút bởi sắc màu, du khách đến với làng hương Thủy Xuân còn để đắm chìm trong không gian hư ảo giữa thực tại và tín ngưỡng. Ngoài được tận mắt chứng kiến các công đoạn để cho ra đời một cây hương hoàn thiện, với đôi bàn tay của mình, du khách có thể trải nghiệm cách se hương, từ đó cho ra đời những mẻ hương thơm nức được tạo nên bởi nguyên liệu từ quế, sả, trầm…
Bởi thế, ban đầu, có thể làng hương Thủy Xuân phát triển nhờ vào lượng khách du lịch tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh. Nhưng về sau, từ những sắc màu và sức hút riêng biệt, làng hương Thủy Xuân đã trở thành địa danh được đánh dấu trên sổ tay của các du khách, dù họ đã lớn tuổi hay đang giai đoạn thanh xuân.
Thời điểm dịch giã, du khách chưa thể đến Huế nhưng không vì thế mà làng hương Thủy Xuân vắng người check-in bởi khách nội tỉnh, nội thành. Thế nên, những người làm dịch vụ và cả làm nghề đều chăm chút để làng hương Thủy Xuân luôn ấn tượng ở những khung hình lưu giữ. Vì thế, nếu bạn chưa có bộ ảnh lung linh với làng hương Thủy Xuân thì sẽ rất thiếu sót với bản thân đấy. Còn chần chờ gì nữa mà không “set kèo” cho cái hẹn với làng hương Thủy Xuân?
Bài: MAI HUẾ – Ảnh: TUẤN KIỆT
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”