TTH – Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến di tích Huế phải đóng cửa hai lần, nguồn thu giảm mạnh ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (trung tâm). Tuy vậy, trung tâm vẫn cố gắng duy trì các hoạt động cần thiết, đồng lòng vượt qua khó khăn.
Người lao động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế duy trì chăm sóc cảnh quan
Duy trì hoạt động
Sau 1 tháng đóng cửa do dịch COVID-19, chiều 11/6, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Tuy chỉ đón khách nội tỉnh, nhưng việc mở cửa trở lại cũng là tín hiệu vui sau nhiều ngày đóng cửa. Trước khi mở cửa trở lại, trung tâm tiến hành vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng các điểm di tích.
Chị Nguyễn Thị Mùi, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn – Thuyết minh bày tỏ: “Những ngày di tích đóng cửa, chúng tôi buồn nhưng không quá hoang mang vì ai cũng ý thức việc đóng cửa là cần thiết để chống dịch. Mở cửa trở lại, trước mắt chưa có khách bao nhiêu, nhưng chúng tôi thấy vui và hy vọng thời gian tới tình hình sẽ cải thiện. Bộ phận hướng dẫn vẫn đi làm, chia nhau trực và luôn trong tâm thế sẵn sàng đón khách”.
Những ngày di tích đóng cửa và vắng khách, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn chăm chút làm đẹp cho không gian di sản. Tại Đại Nội, không gian sân vườn, các sân điện… đều được quét dọn, lau chùi sạch sẽ, khang trang. Trong không gian điện Càn Thành, vườn hoa hướng dương rực rỡ khoe sắc. 50 nghìn m2 sen trắng cũng được trồng mới ở khu vực các hồ: Thái Dịch, Minh Giám, Hòa Bình và vườn Cơ Hạ.
Anh Lê Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh quan – Môi trường cho biết: “Dù không có khách tấp nập như trước đây hay ngay cả những ngày di tích đóng cửa, Phòng Cảnh quan – Môi trường vẫn duy trì công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang sân vườn, chăm tưới vườn hoa, cây cảnh… hàng ngày. Khu di tích vẫn được chăm chút khang trang, sạch đẹp”.
Đồng lòng vượt khó
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ mới thu được khoảng 19 tỷ đồng, bằng 15% dự toán.
Nguồn thu giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của trung tâm, từ hoạt động trùng tu cho đến nghiên cứu, biểu diễn nghệ thuật… Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay: “Không có nguồn thu, trung tâm phải tạm cắt các nhiệm vụ chưa cần thiết và nhiều nhiệm vụ, chương trình, đề án đã đặt ra từ đầu năm, chỉ tập trung một số việc mang tính cấp bách. Mục tiêu của giai đoạn hiện nay là duy trì công tác bảo vệ di sản, cảnh quan môi trường, công tác nghiên cứu khoa học, trùng tu di tích”.
Khó khăn kinh phí cũng ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của đội ngũ viên chức, người lao động. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cố gắng đảm bảo tiền lương cơ bản cho người lao động, còn các khoản thu nhập tăng thêm, hỗ trợ đều cắt giảm. Theo ông Nhật, tâm lý người lao động cũng lo lắng nhưng họ rất chia sẻ với những khó khăn của trung tâm, không ai kêu ca, phàn nàn mà cùng nhau vượt khó.
Ông Phan Văn Quý, nhân viên Phòng Cảnh quan – Môi trường chia sẻ: “Trong bối cảnh khó khăn, thu nhập của chúng tôi bị ảnh hưởng khi các khoản phụ cấp không có. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu đây là khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không chán nản mà vẫn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Hàng ngày, chúng tôi vẫn chăm sóc vườn hoa, cây cảnh của di tích thật đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ. Chúng tôi sẽ chung tay cùng lãnh đạo trung tâm vượt qua khó khăn”.
Bài, ảnh: Minh Hiền
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”