Ngủ lại với Quảng Công

Không thật đông vui như Thuận An và cũng chưa thể sánh bằng Vinh Thanh (Phú Vang), thế nhưng Quảng Công (Quảng Điền) lại hấp dẫn du khách bởi sự trong lành của biển, cung đường lãng mạn và cả những khám phá mới lạ.

Khi hoàng hôn buông xuống

Cầu Tam Giang hay dân gian gọi là Ca Cút được xây dựng đã giúp cho hành trình từ Huế về Quảng Công ngắn lại. Lần đầu tiên rẽ lối nơi tuyến đường Kinh Dương Vương, vượt qua cầu Diên Trường 2 để rồi đi qua cầu Ca Cút, tôi thật sự ngỡ ngàng khi mở ra trước là cả không gian mênh mang và đầy lãng mạn, nơi con sông Hương dừng lại với Rú Chá, Cồn Tè… để rồi hòa nhập vô biển lớn.

Bên tê cầu Ca Cút, ngược về là Hải Dương (Hương Trà), còn thẳng tiến theo trục đường 49B thì điểm đến đầu tiên là Quảng Công với chợ Cồn Gai, nơi trước đó có bến đò cùng tên nổi tiếng. Đi giữa một bên là biển và bên kia là phá Tam Giang, Quảng Công là cả một bãi biển dài với 2 điểm nhấn là bãi tắm Cương Gián và Tân Thành. Đã nhiều năm nay, bãi tắm Cương Gián được chọn làm điểm đến vào dịp hè của nhiều du khách ở Huế và nhiều nơi khác. Họ thường là người cùng gia đình hay nhóm bạn muốn tìm thư giãn và những trải nghiệm an bình, đặc biệt vào dịp cuối tuần.

Chưa thật đông đúc, bãi biển còn khá nguyên sơ, không có nhiều dấu tích từ tác động của con người và với bãi cát dài thoải khá an toàn, nước biển xanh, sạch là điểm cộng lớn, thu hút và hấp dẫn du khách. Với mùa hè dịch bệnh COVID – 19 này, chẳng còn nghi ngờ chi, đó nơi lý tưởng cho việc thực hiện … giãn cách khi tắm biển. Nhớ buổi chiều cuối tuần, bám lại với biển khi hoàng hôn đã dừng buông, đoàn khách chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng nao lòng khi được dõi theo những chiếc thuyền đánh bắt trở về, từ thoắt ẩn thoắt hiện lúc ở xa cho đến khi thấy rõ mồn một những con cá biển tươi rói, nhảy lốp chốp.

Tắm biển Quảng Công

Ông bạn mới quen ở địa phương kể khiến tôi phát “thèm”, rằng cứ thử về Quảng Công ở lại một đêm cho biết. Buổi sáng sớm ra vùng biển Tân Thành tắm biển và chứng kiến tàu thuyền tấp nập cập bến để “gỡ” cá trích, cùng với việc thương lái đến thu mua diễn ra ngay tại bờ biển vui thật là vui. Năm nay, cá trích được mùa. Nhớ ra rồi, dễ chừng cũng đã ngót chục năm, tôi có dịp ghé thăm một số mô hình nuôi cá đặc sản nơi đây. Lần đầu tiên, được biết một trong số những thức ăn ưa thích của chúng là loại cá trích này, được xay nhỏ cả hàng tạ, tôi giật mình, chuyện thật mà cứ tưởng là bịa.

Có lẽ, cũng bởi được thưởng thức các loại cá đặc sản có thức ăn đã là món cá trích thơm ngon kia đến cả người cũng thèm, cùng với những loại cá cua mới đánh bắt lên từ biển tươi rói nên không thể chối từ khi ai đó rủ, về biển Quảng Công ăn hải sản hè. Ừ thì, sau tắm là chuyện ẩm thực, được ăn món ngon lại càng thêm nhớ biển nơi đây. Chỉ tiếc rằng, biển Quảng Công chưa có nhiều hàng quán để lựa chọn và các hoạt động dịch vụ cũng còn rụt rè. Người bán quá thật thà, chân chất khiến khách ghé lại cảm thấy thương nhiều hơn là thỏa mãn được nhu cầu phục vụ.

Trong buổi chiều đến với biển Quảng Công, tôi có dịp dừng lại bãi biển Tân Thành, nằm trên trục đường ngay trung tâm xã, nối liền phá Tam Giang với biển và đi qua chợ Cồn Gai. Tôi được biết, nơi đây xã đã có quy hoạch hình thành một bãi tắm và đang kêu gọi đầu tư khu nghỉ dưỡng. Tôi như chợt hiểu ra rằng, biển Quảng Công lâu nay vẫn chưa có những dịch vụ nghỉ lại và vui chơi đúng nghĩa dành cho khách. Thì đây là câu trả lời. Cuối tuần, hãy về với Quảng Công nghỉ lại để tắm biển, trải nghiệm và khám phá.

Bãi biển lúc hoàng hôn hay khi bình minh ló dạng sẽ mang đến những phút giây nao lòng. Cùng với đó là chợ Cồn Gai với nhiều đặc sản biển và đầm phá, là cây thị di sản ở làng Cương Gián Đông, và nữa là hệ thống lăng mộ được xây dựng quy mô. Còn nếu gặp duyên vui thì lễ hội cầu ngư và đua thuyền trên biển sẽ giúp ta hiểu hơn đời sống tâm linh của cư dân đầm phá và vùng biển Quảng Công.

Bài, ảnh: ĐAN DUY

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *