TTH – “Tàu đang tới. Đứng sát vào mép tường. Tiếng ồn to quá thì bịt tai lại. Nhanh thôi”. Tiếng dặn dò của những công nhân tuần hầm trên cung đường sắt chạy qua đèo Hải Vân vang lên, lặp đi lặp lại, nhắc chúng tôi – những người lần đầu theo chân các anh vào nơi “huyền bí”.
Một tuần hầm đang lặng lẽ đi theo tuyến đường sắt bên trong một hầm dưới chân đèo Hải Vân
Chừng hơn một phút, tiếng rầm rập của những toa tàu nhỏ dần, vun vút lao qua, để lại màn đêm đen đặc. Chỉ còn ánh đèn le lói của người tuần hầm như tiếng lòng cô đơn giữa núi rừng sâu thẳm…
Tuần đêm
Từ phía Bắc Hải Vân, đoạn Lăng Cô đi vào, hầm đầu tiên có số hiệu 9.
Sau buổi cơm trưa vội vàng ở trạm gác nằm giáp dải biển Lăng Cô thơ mộng, tuần hầm Trần Hữu Tuấn căn dặn đôi điều, trước khi dẫn chúng tôi đi theo hành trình vào ca làm việc của mình. “Mấy anh chịu khó, đường đi lồi lõm, đất đá vương vãi. Đi không quen thì chậm thôi, cẩn thận vấp ngã”, người tuần hầm ngoài 50 tuổi, có thâm niên hơn 20 năm trong ngành đường sắt và 7 năm đảm nhận việc tuần hầm ở đèo Hải Vân căn dặn.
Tuần hầm Trần Hữu Tuấn trên đường kiểm tra hầm số 9 thường xuyên phát hiện những sự cố hư hỏng
Trước khi vào cửa hầm, tuần hầm Tuấn đèn pin đeo trên đầu, tay thò vô túi xách chuyên dụng đeo chéo bên mình để lấy búa, bắt đầu công việc quen thuộc. Tiếng búa đánh vào đường ray trong hầm vang dội, vọng lại trước khi “lặng rơi” đã trở thành thứ âm thanh quen thuộc. Từ thứ âm thanh ấy, người tuần hầm có thể “bắt bệnh” cho những thanh sắt tưởng vô hồn.
Đưa sát đèn vào một ốc vít, đánh vào đó thêm mấy cú búa, anh Tuấn bảo, vít này đang lỏng, siết lại! Cứ thế, hàng trăm ốc vít nằm trên đoạn đường ray đi qua hầm số 9 với chiều dài 169m được người tuần hầm này “chăm sóc” một cách kỹ lưỡng. Những cú búa hạ xuống. Âm thanh vang lên… Bằng kinh nghiệm của mình, thợ tuần hầm biết thanh tà vẹt nào sắp hỏng, đế ray nào bị mục…
“Không phải hư hỏng nào mình cũng sửa được. Những hư hỏng nhỏ xử lý ngay. Nếu nặng quá phải báo về đơn vị để cử người xuống hỗ trợ”, anh Tuấn tâm sự sau khi phát hiện một thanh đế bị mục, cần thay gấp. Vừa đặt chân ra khỏi hầm, mặt mày lấm tấm mồ hôi, chưa kịp uống ngụm nước, anh lôi điện thoại, báo ngay cho đơn vị. Anh nói: “Việc đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu lưu thông an toàn là quan trọng nhất đối với những người làm nghề như chúng tôi”.
Những công nhân làm việc ở cung đường sắt qua đèo Hải Vân
Từ hầm số 9, đi về hướng Nam vào Đà Nẵng, đường sắt dưới chân đèo Hải Vân quanh co, hiểm trở nhưng khung cảnh kỳ vỹ, thơ mộng. Gió núi hòa vào tiếng sóng biển mênh mang lạnh cả người. Từng đoàn tàu uốn lượn, di chuyển thật chậm khi qua cung đường này. Từ xa, chúng tôi lại bắt gặp những người tuần hầm, nhân viên đường sắt lặng lẽ “bắt bệnh” cho từng thanh sắt, lẻ gỗ – một phần kết cấu của đường ray.
Rồi những hầm số 14, 13 hiện ra. Ánh đèn những công nhân lặng thầm với công việc đặc thù “đêm giữa ban ngày” mấy ai hiểu. Trong ánh đèn le lói, gương mặt các anh hiện rõ nét chăm chú như căng ra đã trở nên quen thuộc trên từng cung đường…
Duyên phận
“Trời ơi, các anh vào đây mần chi. Nhưng đã vào được rồi thì tranh thủ tham quan đi, khung cảnh ở đây thơ mộng lắm đó. Có mấy cây cầu vòm, kiến trúc của Pháp chụp ảnh lên như Tây, mê hồn” – một nhân viên đang vặn ốc vít trên đường ra đoạn đi qua Ga Hải Vân Bắc nằm tựa vào núi Hải Vân nói với giọng bất ngờ.
Đúng thế, giữa núi trời gió lộng, cách trở này, gặp nhau sao không quý được. Họ kể đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Kể chuyện nhớ vợ, nhớ con. Kể chuyện ở đây không có “đàn bà, phụ nữ”. Chỉ có “đực rựa” với nhau…
Cách ga Bắc Hải Vân tầm 200 mét, một gác chắn nép mình dưới những bụi cây rậm rạp. Ngồi bên trong, chàng trai trẻ Hồ Công Tuần đang nghe tín hiệu điện thoại riêng của ngành đường sắt để báo sự cố, nên chưa thể cho một tàu hàng đang dừng tránh ở đây di chuyển. Tuần 31 tuổi, có thâm niên trong ngành đường sắt hơn 5 năm nhưng đây là năm đầu tiên làm việc ở đoạn hiểm trở, gian khó nhất của tuyến đường sắt xuyên Việt.
Công việc của Tuần là ghi lại lịch trình, thông báo, điều tiết tàu qua lại theo chỉ đạo từ trên. Người bạn thân nhất của Tuần ở trạm gác này là chiếc võng, cứ rảnh rỗi thì lại đu đưa nhìn mây trời, trước là biển, sau là núi… “Công việc có lúc bận rộn, nhưng cũng có lúc thoải mái. Thoải mái lại buồn, vì cứ nghĩ về vợ, con ở quê Hải Lăng, Quảng Trị mà thương – Tuần tâm tình – Một tháng tranh thủ xin đơn vị về quê 2 ngày để thăm vợ con”. Nhưng cũng như lời Tuần, anh còn “may mắn” hơn khi ở đây toàn nam làm việc và có rất nhiều người đến nay vẫn…ế.
Câu chuyện bỗng trở nên vui nhộn thì một người ngang qua. Anh là Tuấn. Tuần bảo: “Đấy, đấy. Anh Tuấn là minh chứng. 36 tuổi rồi mà chưa một mảnh tình vắt vai”. Nghe vậy, anh Tuấn ngớ người, không biết nói gì ngoài… cười ồ thật to và “chữa cháy”: “Ôi cái số nó vậy, biết làm sao giờ. Sau này, ai thương, ai hiểu thì cưới, lo gì. Không thì anh mày ở đây với rừng rú, chim muông hoang dã cũng vui mà”.
Quê ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa, anh Tuấn gắn bó với “đòn gánh” miền Trung hơn chục năm với nhiệm vụ bảo trì, chăm lo cho hệ thống thông tin của ngành đường sắt. Ga Nam Hải Vân, Ga đỉnh đèo Hải Vân và Ga Bắc Hải Vân là nhà. Cũng chừng ấy năm anh nương trú để theo đuổi công việc của mình. “Cứ tuần tôi ở ga nam. Tuần khác lại ga bắc. Lui tới chỉ có núi rừng. Cứ thế riết cũng quen, thời gian trôi qua khi nào không hay”, anh Tuấn nói với giọng chùng xuống.
Công việc có buồn thật nhưng theo anh Tuấn, ít ra với mức lương thu nhập hiện tại, ít tiêu pha cũng dư giả phần nào để gửi về phụ bố mẹ ở quê trang trải cuộc sống. Không riêng gì anh Tuấn, anh Tuần, hầu hết những nhân viên phục vụ trong ngành đường sắt trên tuyến đường huyết mạch này, gia đình là điểm tựa để họ an tâm làm việc.
Những đoàn tàu cứ ngược xuôi lăn bánh, quanh co qua cung đường đèo Hải Vân được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, chở bao hành khách háo hức, tò mò trước sự hùng vĩ, cheo leo.
Chỉ có những người công nhân đường sắt trên cung đường ấy lặng lẽ ở lại giữa núi rừng như duyên phận cuộc đời..
“Bằng mọi giá tàu phải thông tuyến sớm nhất”
Đường sắt Bắc – Nam đoạn dưới chân núi Hải Vân dài gần 20km nhưng có đến 6 hầm xuyên núi. Dù vắt qua địa phận Thừa Thiên Huế nhưng vẫn thuộc sự quản lý của Công ty CP Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng. Ông Nguyễn Minh Nga, Phân đoàn phó phân đoàn Hải Vân – Công ty CP Đường sắt Quảng Nam Đà Nẵng kể, tất cả anh em làm việc từ cầu đường cho đến các ga trên cung đường sắt này phải thật sự yêu nghề mới bám trụ được. Công việc thường ngày vốn đã vất vả, khó khăn thì những tháng mưa lũ, cái khó ấy gấp lên nhiều lần. Các sự cố xảy ra chủ yếu liên quan đến sạt lở, rồi tàu trật đường ray… Tuyến đường sắt này khai thác quá lâu nên nền đất đá phong hóa dẫn đến các sự cố không thể lường trước. Mỗi khi có sự cố, ngay lập tức đình chỉ tàu và huy động lực lượng trong đơn vị xử lý sự cố. Trường hợp, sự cố lớn ngoài tầm kiểm soát sẽ xin huy động lực lượng từ công ty với các phương tiện chuyên dụng, hiện đại xuống hỗ trợ. Bằng mọi giá để tàu thông tuyến sớm nhất có thể vì đây là tuyến đường sắt huyết mạch. “Có năm chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi thiên tai bão lũ, đình chỉ tàu liên tục. Vì thế, làm việc ở đây ai cũng tâm lý sẵn sàng, đối mặt với bất cứ khó khăn trong mọi hoàn cảnh, điều kiện khắc nghiệt”, ông Nga quả quyết. |
Bài, ảnh: PHAN THÀNH
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”