Nhiều doanh nghiệp du lịch đã bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại, tín hiệu tích cực cho thấy, hoạt động du lịch đang dần “ấm” lên.
Doanh nghiệp trao đổi về tình hình phục hồi du lịch bên lề ngày hội việc làm được tổ chức tại Trường cao đẳng Du lịch Huế vào ngày 31/3
Nhiều nhu cầu tuyển dụng
Ngày 31/3 vừa qua, Trường cao đẳng Du lịch Huế phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên của nhà trường mới tốt nghiệp. Điều đáng mừng là trong bối cảnh ngành du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, ngày hội đã có 21 doanh nghiệp trong tỉnh, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng, Bình Định và các tập đoàn tuyển dụng tại Nhật Bản, Đức, Đài Loan… đăng ký tham gia tuyển dụng.
Tổng số sinh viên của Trường cao đẳng Du lịch Huế ra trường năm 2021 này là 457, trong khi đó, tổng số nhu cầu tuyển dụng lên đến 1.850 vị trí việc làm, giúp sinh viên mới ra trường có từ 3 – 5 cơ hội lựa chọn vị trí việc làm mới, phù hợp. Một con số để thấy thị trường lao động, nhất là lao động có chuyên môn trong ngành du lịch đã “ấm” trở lại, sau thời gian dài chỉ “nghỉ việc”, “thất nghiệp”, “không có việc làm”…
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại ngày hội việc làm
Ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng) thông tin, tín hiệu tích cực là khách du lịch đã quay trở lại đáng kể hơn. So với mọi năm, có thể chỉ đạt được khoảng 50%, song đó là con số khả quan, vượt ngoài mong đợi so với năm 2020. Khách tăng, đồng nghĩa với nhu cầu lao động cũng sẽ tăng cao hơn. Riêng đối với Khu du lịch cáp treo Bà Nà, đợt này cần tuyển 80 lao động có chuyên môn, đặc biệt là ngành đầu bếp.
Khu nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn (Bình Định) có nhu cầu càng cao hơn, khi đặt mục tiêu tuyển dụng từ 100 – 200 lao động trong chuyến ra Huế lần này. Theo đại diện khu nghỉ dưỡng, ngoài cụm khách sạn đã khai thác từ 4 năm trước, cuối năm 2020 vừa qua, khu nghỉ dưỡng tiếp tục đưa vào khai thác một dự án mới và dự kiến trong quý II năm nay sẽ tiếp tục khai trương thêm một khu vực nữa trong chuỗi dự án, nên nhu cầu lao động là rất lớn. Khi dự án hoàn thiện, nhu cầu lao động có thể thêm 200 người nữa. Khu nghỉ dưỡng đã ký kết hợp tác để đảm bảo cung ứng nguồn lao động với các cơ sở đào tạo du lịch ở Huế.
Tại Thừa Thiên Huế, nhu cầu chưa sôi động bằng một số điểm đến trên, song cũng đang có dấu hiệu “ấm” rõ rệt. Nhất là tại các điểm nghỉ dưỡng, lượng khách đang có nhu cầu tăng cao nên nhu cầu lao động mới sau khi nhiều lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh trước đó. Bà Lê Thị Dạ Lam, Quản lý Khu nghỉ dưỡng Vedana Lagoon (Phú Lộc) cho biết, đợt này khu nghỉ dưỡng tuyển dụng tổng cộng 45 lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản và có khả năng bắt nhịp công việc nhanh.
Sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Huế thực hành chế biến món ăn
Một sự thay đổi khá rõ nét trong ngày hội việc do Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức lần này là có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như xây dựng, bất động sản… cùng tham gia tuyển dụng. Qua tìm hiểu, lý do mà nhiều lĩnh vực khác chọn sinh viên đào tạo du lịch là bởi các lao động được đào tạo chủ yếu về nghề, có chuyên môn và kỹ năng trong việc làm hài lòng khách hàng. Điều mà tất cả các ngành nghề đều cần. Hơn thế, vốn tiếng Anh cơ bản của sinh viên ngành du lịch cũng giúp các ngành nghề dễ dàng sử dụng, nhất là với các doanh nghiệp có hợp tác quốc tế.
Đón đầu đà hồi phục
Qua ngày hội việc làm, xét về tổng số vị trí việc làm cao so với mọi năm, song riêng về lĩnh vực du lịch, nhu cầu tuyển dụng chưa đạt tỷ lệ như thời điểm trước dịch bệnh. Dù thế, theo nhận định của cơ sở đào tạo, cũng như phía các doanh nghiệp đây là tín hiệu tích cực, thời gian để ngành du lịch phục hồi, trở lại trạng thái bình thường là rất gần.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, việc kinh doanh sẽ tùy thuộc vào chiến lược và tiềm lực của mỗi doanh nghiệp. Song về phía cơ quan quản lý ngành, luôn khuyến khích các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch “kịch bản” để đón đầu đà phục hồi của du lịch; trong đó, ưu tiên về nhân lực. Có thể thấy, nhân lực trong ngành du lịch bị nhiều xáo trộn, nên càng chủ động, chuẩn bị nguồn tốt không chỉ giúp chính doanh nghiệp bắt kịp nhanh, mà còn giúp toàn ngành du lịch Huế phục hồi đúng nhịp.
Ông Nguyễn Lâm An phân tích, có hai lý do cơ bản để tuyển dụng trong giai đoạn này. Thứ nhất, đó là chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, nhất là đối với các tập đoàn lớn đòi hỏi phải có lực lượng lao động kế cận, nối tiếp nhau. Lý do thứ hai quan trọng hơn là đón đầu giai đoạn du lịch phục hồi. Với nhiều lao động mới, đòi hỏi mất một thời gian để đào tạo lại, do đó đây là thời điểm phù hợp nhất để đón đầu du lịch hè và khách quốc tế trở lại.
Sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo được cho là cầu nối để tạo được nguồn lao động dồi dào, chuẩn bị tốt cho những kịch bản phục hồi của ngành du lịch, khi con người luôn được xác định là nền tảng.
Theo ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế, để đảm bảo tiêu chuẩn của một nhân viên làm việc trong ngành du lịch, nhất là trong bối cảnh mới, đòi hỏi nhiều kỹ năng về phòng chống dịch bệnh, nhà trường thay đổi phương thức đào tạo theo năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp. Thời gian quan, trường đã ký kết hợp tác trong đào tạo và hợp tác toàn diện với trên 30 doanh nghiệp trên địa bàn khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Ngày 31/3 vừa qua, nhà trường cũng đã thực hiện ký kết mới, ký kết lại với 15 doanh nghiệp, với mục tiêu tạo ra được hiệu quả kép, khi nhà trường, doanh nghiệp được hưởng lợi và quan trọng là sinh viên cũng có cơ hội sớm tìm kiếm được việc làm.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”