Câu chuyện ám ảnh đằng sau tòa lâu đài Disney nổi tiếng

Lâu đài Disney của Người đẹp ngủ trong rừng từng là nhà của Vua điên.

Castellfollit de la Roca: Ngôi làng cheo leo vách núi ở Tây Ban NhaCô gái trẻ mách bạn những nơi không thể bỏ qua nếu chỉ có một ngày ở thành phố Aarhus Đan MạchSự quyến rũ chết người: Thiên đường selfie ở Siberia Nga thực chất là hồ nước độc

Rất nhiều người đã biết đến và yêu thích hình ảnh lâu đài Disney mang tính biểu tượng, ngọn tháp cao vút được bao quanh bởi pháo hoa huyền diệu. Tuy nhiên, rất ít người biết về lịch sử đen tối ẩn trong những bức tường của lâu đài đã truyền cảm hứng cho Walt Disney.

Lâu đài Neuschwanstein là một trong những công trình hùng vĩ nhất không chỉ ở Đức, mà còn của toàn châu Âu – mặc dù nó khác xa với một câu chuyện cổ tích. Nhiều năm trước, “Vua điên” Ludwig II xứ Bavaria (một phần của đế chế Đức, lớn thứ hai chỉ sau Vương quốc Phổ, ngày nay trở thành Bayern, một bang của nước Đức) đã tạo ra lâu đài để trốn chạy thực tại trong những tưởng tượng lập dị, để rồi sau đó ông bị tuyên bố là mất trí trước khi chết một cách bí ẩn, để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Hãy chiêm ngưỡng lâu đài đã mang đến cảm hứng cho Disney và gặp gỡ vị vua trong truyện cổ tích đầy ám ảnh.
Đằng sau tòa lâu đài Disney đẹp đẽ lại là một câu chuyện u tối. Ảnh: Star Insider

Nếu bạn đã từng đến công viên Disneyland, thì lâu đài lớn nơi pháo hoa bắn ra là lâu đài của Người đẹp ngủ trong rừng, mang một nét tương đồng nổi bật với lâu đài Neuschwanstein ở xứ Bavaria, nước Đức.

Trước khi xây dựng Disneyland, Walt Disney và vợ đã đi du lịch châu Âu, bao gồm cả Lâu đài Neuschwanstein tráng lệ.

Walt Disney ấn tượng với công trình đến nỗi ông đã sử dụng nó làm hình mẫu cho Lâu đài Người đẹp ngủ trong rừng, trung tâm của Disneyland và bây giờ là biểu tượng của Walt Disney Pictures.
Walt Disney ấn tượng với lâu đài Vua Điên đến nỗi đã đưa nó trở thành hình ảnh biểu tượng của công ty. Ảnh: Star Online

Trong khi đó, ở vùng núi Bavaria, lâu đài Neuschwanstein (Còn gọi là “Lâu đài Swanstone mới”), nằm gần Munich và biên giới Áo, vẫn là một pháo đài theo phong cách Romanesque ấn tượng với những ngọn tháp cổ tích cao vút.

Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, ‘lâu đài Disney’ này nằm trên vách núi Alpine nổi tiếng và là mơ ước của một vị vua trẻ tuổi, người đã tưởng tượng ra việc xây dựng một lâu đài trên ngôi nhà thời thơ ấu của mình, lâu đài Hohenschwangau.
Lâu đài Neuschwanstein thực chất là gửi gắm cả một “mối tình si” của một người nghệ sĩ có tâm hồn quá nhạy cảm. Ảnh: Star Online

Sinh năm 1845, Ludwig II quan tâm đến nghệ thuật hơn cả việc trở thành một vị vua. Ông nổi tiếng với sự tinh tế đầy kịch tính và ám ảnh với nhà soạn nhạc người Đức Richard Wagner.

Khi cha ông đột ngột qua đời, Ludwig được đưa lên nắm quyền khi mới 18 tuổi. Một trong việc đầu tiên ông làm sau khi lên ngai vàng là mời thần tượng Wagner đến Munich tham dự một buổi hòa nhạc.

Thậm chí, có thể nói Ludwig là một fan cuồng của Wagner, như nhiều người vẫn hình dung về các cô gái theo đuổi thần tượng Kpop. Bản thân Wagner cũng cực kỳ kính yêu “fan” của mình. Ông viết: “Hôm nay ta đã được sánh vai cùng người ấy. Người ấy quá xinh đẹp và khôn ngoan, quá tinh tế và bá đạo, đến nỗi ta lo sợ người ấy có thể nhanh chóng tàn lụi như một giấc mơ thần thánh trong thế giới hoang đường này. Mọi người không thể hình dung được người ấy diệu kỳ như thế nào. Nếu còn sống thì người ấy chính là một phép màu tuyệt vời!”
Ludwig II xứ Bavaria được chính “thần tượng” Richard Wagner, nhà soạn nhạc người Đức, mô tả là “quá xinh đẹp và khôn ngoan, quá tinh tế và bá đạo”, đến nỗi ông phải quan ngại nhà vua “có thể nhanh chóng lụi tàn như một giấc mơ thần thánh”. Ảnh: schwangau

Rất nhanh chóng, Ludwig II đính hôn nhưng cũng tan nhanh chóng. Ông viết cho vị hôn thê: “Bản chất mối quan hệ của ta và ông ấy mang ý nghĩa… định mệnh. Richard Wagner là định mệnh mang ý nghĩa sâu sắc với ta.”

Nhưng Ludwig II có thể là một nghệ sĩ tuyệt vời, lại không phải người có con mắt quân sự. Hai năm sau khi trở thành vua, nước Đức (khi đó gọi là nước Phổ) phải chịu thất bại ê chề trong chiến tranh Áo-Phổ (hay còn gọi là Seven Weeks’ War). Có lẽ, thất bại đó ảnh hưởng đến tâm hồn nghệ sĩ của Ludwig II đến nỗi các nhà sử học tin rằng, ông đã tự đưa mình vào một thế giới ảo tưởng, mà biểu hiện ra bên ngoài là tòa lâu đài trên dãy Alps.
Có thể nói, Richard Wagner (ảnh) là idol còn Ludwig II là “fan cuồng”. Người ta đồn rằng Ludwig II là một người đồng tính, luôn tìm cách trì hoãn hôn lễ cho đến khi bị hủy bỏ thực sự. Ảnh: Wiki

Đương nhiên, ông dành tặng nó cho Wagner. Công trình kiến trúc thời Trung cổ được thiết kế như một bức thư tình gửi đến tác phẩm của Wagner, các bức tường được trang trí bằng những bức bích họa mô tả những cảnh trong truyền thuyết được sử dụng trong các vở opera của nhà soạn nhạc.

Ít nhất thì đó là tham vọng. Ludwig II rõ ràng muốn có 200 căn phòng đầy đủ tiện nghi, một hội trường để biểu diễn opera, những khu vườn có tường bao quanh được trang trí công phu và thậm chí là một “phòng tắm của các hiệp sĩ” tương tự như những gì được sử dụng bởi các Hiệp sĩ Chén Thánh. Ngày nay, bên cạnh cố gắng lưu giữ những nét Trung cổ của ‘tòa lâu đài Disney’, người ta vẫn cải tiến một chút về mặt công nghệ, bao gồm hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh và hệ thống sưởi trung tâm.
Chẳng có “fan cuồng” nào chịu chơi hơn Ludwig II khi gửi cả thế giới ảo tưởng của mình vào trong những tác phẩm của thần tượng bằng tòa lâu đài Neuschwanstein. Ảnh: Star Online

 

GỢI Ý TOUR DU LỊCH ĐỨC KHUYẾN MÃI

>> Hà Nội – Pháp – Bỉ – Hà Lan – Đức 7N6Đ chỉ từ 39,990,000 đồng
>> HCM – Đức – Hà Lan – Bỉ – Pháp – Luxembourg 8N7Đ chỉ từ 34,990,000 đồng

 

 

Quay lại năm 1869, Ludwig II đã nói với Wagner rằng ông dự định chuyển đến tòa lâu đài đó trong vài năm, nhưng công việc xây dựng vẫn chưa kết thúc khi ông dọn đến ở lần đầu tiên 15 năm sau đó.

Tại ‘lâu đài Disney’, ông càng ngày càng trở nên ẩn dật. Người ta nói rằng ông ngủ cả ngày và lang thang trong lâu đài vào ban đêm, thuê nhạc sĩ và diễn viên đến biểu diễn hòa nhạc và vở opera riêng, nhưng giữ lâu đài hoàn toàn riêng tư.

Có tin đồn là, trong những mùa đông đầy tuyết ở xứ Bavaria, ông đã đi chơi trên một chiếc xe trượt tuyết cầu kỳ. Ông đắm mình trong một thế giới ảo tưởng thay thế cho thực tại mà ông coi là đáng buồn.
Tòa lâu đài rất đẹp, nhưng không thể xóa đi thực tại đáng buồn của Ludwig II: thua trận, nợ nần và những lời đàm tiếu. Ảnh: Star Online

Nhưng ảo tưởng không thay thế được thực tại. Thế giới thực dần sụp đổ. Đến năm 1885, lâu đài thậm chí còn chưa hoàn thành mà đã đội vốn ngân sách khổng lồ. Khi Ludwig không thể trả các khoản nợ nước ngoài, các ngân hàng đã thu giữ tài sản và đe dọa phá sản Bavaria.

Bất ngờ đến ngày 12/6/1886, Vua Ludwig II bị chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần, không đủ khả năng để cai trị, và ông bị giam trong tòa lâu đài yêu quý của mình.

Chỉ một ngày sau, 13/6/1886, người ta tìm thấy Ludwig II đã chết, khi mới 40 tuổi. Đáng lưu ý là ông chết đuối trong vùng nước nông của hồ Starnberg. Đó có thể đã là một trường hợp tự tử đầy thuyết phục, ngoại trừ việc vị bác sĩ tâm lý điều trị cho ông cũng chết ngay bên cạnh.
Hồ Starnberg xinh đẹp lại là nơi đưa Ludwig II cùng bác sĩ của mình đi gặp Tử thần và để lại vô số câu hỏi chưa có lời giải đáp. Ảnh: Robert Harding

Chuyện gì đã xảy ra? Người ta nói rằng bác sĩ đã đưa Ludwig II đi dạo, gặp nhau lần cuối vào khoảng 18:30. Vài tiếng sau, đáng ra họ phải quay trở lại, nhưng thay vào đó, cả hai được tìm thấy đã chết đuối trong vùng nước chỉ cao đến thắt lưng của hồ Starnberg. Đồng hồ của nhà vua dừng lúc 18:54.

Theo cuốn ‘Ludwig II xứ Bavaria: Người đàn ông bí ẩn’ của Katerina von Burg, khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân cái chết không thể nào là chết đuối vì không tìm thấy nước trong phổi. Xác của vị bác sĩ cho thấy những cú đánh vào đầu và cổ, có dấu hiệu bị siết cổ.
Liệu Ludwig II có thực sự bị điên? Ông đã tự tử hay đây là một vụ dàn dựng? Ảnh: Star Online

Bệnh tâm thần của Ludwig II đến nay vẫn gây tranh cãi. Nhà nghiên cứu não bộ nổi tiếng người Đức Heinz Häfner cho rằng có nhiều khuất tất trong bằng chứng nói về sự điên rồ của Ludwig II. Ludwig II có thể là một vị vua tốt hơn cha mình. Theo Häfner, Ludwig II là một vị vua xông xáo, với khả năng xử lý công việc nhanh chóng. Thậm chí ông vẫn làm việc trong những ngày dẫn đến cái chết bí ẩn của ông.

Điều đó nói lên rằng ông có nhiều kẻ thù. Ludwig II đã khiến người thân tức giận, suýt đẩy đất nước đến chỗ điêu tàn về tài chính, và làm xấu mặt chế độ quân chủ Bavaria. Cũng có rất nhiều nghi ngờ về giới tính của ông. Bản chất ông là người lập dị. Người ta bàn ra tán vào rằng ông có quan hệ đồng tính, nhiều lần trì hoãn đám cưới của mình cho đến khi bị hủy thực sự.
Bí ẩn chưa có lời giải, nhưng tòa lâu đài vẫn còn đó, bí ẩn và diệu kỳ, để rồi vượt qua ngoài biên giới nước Đức trở thành một biểu tượng của một công ty toàn cầu. Ảnh: Star Online

Cái chết của ông là bí ẩn, hay chính ông là người muốn tự tạo ra bí ẩn? Thật khó để nói được điều gì. Bản thân Ludwig II là người yêu thích. Một trong những câu nói được trích dẫn nhiều nhất của Ludwig II là: “Ta luôn muốn là một bí ẩn vĩnh cửu với cả chính mình và với người khác.”

Cái chết của ông không chỉ để lại những câu hỏi lớn, mà còn để lại những khoản nợ lớn cùng một tòa lâu đài chưa được xây xong.

Ngày nay, tòa lâu đài Disney này vẫn là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất ở châu Âu, với khoảng 1,3 triệu lượt du khách ghé thăm mỗi năm.

Chính lâu đài góp phần vào sự đổ nát tài chính của nhà vua ngày nào đã trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất cho nước Đức, với giá trị cực kỳ lớn. Quả là trớ trêu!

 

Xem thêm: Lâu đài Cô độc ngàn năm đợi ai?

 

Phong Sa

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Nguồn Báo Dulichvietnam online

Ảnh: Star Insider

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *