Chiều tối ngày 3/3 tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020. Theo đó, Chính phủ đánh giá, thời gian qua, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Cùng với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, chúng ta đã đạt được kết quả thành công bước đầu quan trọng trong phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia và nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Chính phủ cho rằng dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước, trong đó có những địa bàn là thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước EU… Diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới vẫn tiếp tục hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Chính phủ đánh giá, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú…bị ảnh hưởng nặng nề (lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm 2 con số, ngành Du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD). Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động. Tuy vậy, tình hình kinh tế – xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng: Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; Kinh tế vĩ mô cơ bản tích cực; Xuất khẩu vẫn tăng trưởng, nhập siêu trong kiểm soát; Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; Các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; Các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện…
Toàn cảnh cuộc họp báo
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ, các thành viên Chính phủ cũng đã thảo luận Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất – kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó nhấn mạnh các cấp, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng, chống dịch, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, không để rơi vào thế bị động, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với các biến động quốc tế. Chỉ thị sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp về vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển ngành du lịch; thúc đẩy đầu tư và giải ngân; rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, có một số giải pháp cấp bách, cần được khẩn trương thực hiện như cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã cùng lãnh đạo các Bộ, ngành trực tiếp trả lời các câu hỏi được dư luận quan tâm trong thời gian qua như kịch bản ứng phó dịch COVID-19 lan rộng; đề xuất của Bộ Tài chính về thay đổi mức chịu thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh; dừng thử nghiệm xe hợp đồng điện tử; lỗ hổng trong việc quản lý doanh nghiệp mới; vướng mắc trong chuyển một số tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước…
Thanh Sơ
Nguồn: báo dulich.net.vn