Chiều 28/2, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung – Trưởng đoàn công tác chuyên đề của Tổng cục Du lịch về tình hình ứng phó với dịch bệnh COVID – 19 đã có buổi làm việc với Sở Du lịch; Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch Tp. Đà Nẵng.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung phát biểu tại buổi làm việc
Đối mặt nhiều thách thức
Báo cáo của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: Dịch COVID-19 đã làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của ngành. Ngoài thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều thị trường trọng điểm khác cũng có dấu hiệu sụt giảm mạnh như Nhật Bản, Thái Lan…. Đặc biệt, kế hoạch đón 6.000 du khách Nhật đến Đà Nẵng vào tháng 3/2020 đã phải hủy.
Tình trạng khách cũ hủy tour, lượng khách đặt dịch vụ mới không có xảy ra ngày một nhiều khiến nhiều doanh nghiệp du lịch – dịch vụ hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân sự để giảm thiểu tối đa chi phí. Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đang vay vốn ngân hàng để kinh doanh, nếu thua lỗ kéo dài có thể khiến đơn vị tạm ngừng hoạt động, nhất là doanh nghiệp phục vụ khách Trung Quốc, Hàn Quốc. Các công ty lữ hành cũng gặp khó khăn trong xin cấp visa cho người Việt Nam đi du lịch các nước đang xảy ra dịch. Nguồn khách nội địa đi du lịch ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng sụt giảm tương tự.
Doanh nghiệp cần được tiếp sức
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Du lịch và các Hiệp hội ngành du lịch, dịch vụ du lịch thành phố Đà Nẵng cũng đã kiến nghị Bộ VHTTDL; Tổng cục Du lịch đẩy mạnh và triển khai đồng bộ chiến dịch “Tôi an toàn – I’m Safe” và đề nghị các hãng hàng không song hành triển khai các chương trình kích cầu du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, nhất là hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến quảng bá miền Trung là điểm đến của thế giới trong năm 2020 do Tạp chí Du lịch thế giới (World Travel) bình chọn.
Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch xem xét, có kiến nghị lên Chính phủ và các Bộ ngành chức năng liên quan trình Quốc hội xem xét chủ trương cho phép giảm 50% mức thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch trong năm 2020; cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế VAT quý IV/2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 sang quý III hoặc quý IV/2020. Trình Quốc hội xem xét chủ trương cho chậm nộp bảo hiểm xã hội từ 3-6 tháng theo thời gian quy định đối với các doanh nghiệp du lịch; các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng hỗ trợ giãn nợ gốc thời gian từ 6-12 tháng, chỉ nộp lãi hoặc khoanh nợ đối với các khoản vay của doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu áp dụng chính sách thuận lợi cho visa nhận tại cửa khẩu không thông qua thủ tục phê duyệt công văn đối với một số thị trường khách đặc thù. Thí điểm 1 hoặc 2 năm miễn lệ phí visa cho khách du lịch Đài Loan, Úc, Ấn Độ, Mỹ… và miễn thị thực du lịch đối với một số thị trường tiềm năng như Úc, Ấn Độ, Mỹ. Chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu việc tái thành lập đại diện của Cục Quản lý Xuất nhập Cảnh tại Đà Nẵng để hỗ trợ kịp thời công tác xét duyệt thị thực cho khách du lịch đến Đà Nẵng và miền Trung.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Sở đã và đang chủ động phối hợp với Hiệp hội Du lịch khẩn xây dựng, triển khai chương trình kích cầu du lịch 2020. Trong đó quan tâm đến liên kết phối hợp 3 địa phương Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam cùng có các gói kích cầu sản phẩm giảm giá, tăng chất lượng dịch vụ để kích cầu du lịch, tăng cường thu hút, hấp dẫn du khách từ các thị trường khách quốc tế và nội địa. Hiện nay Sở đang trình UBND thành phố chủ trương để triển khai, thông báo doanh nghiệp đăng ký tham gia để sớm công bố ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát.
“Chúng tôi nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để các cơ lưu trú trên địa bàn phục vụ khách nội địa một cách tốt nhất. Chất lượng dịch vụ tuyệt vời, nhưng giá cả thì rất ưu đãi. Mọi người Việt Nam đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ lưu trú 3, 4 hoặc 5 sao. Và đó cũng là cách kích thích người Việt Nam đi đu lịch nhiều hơn, khẳng định Việt Nam vẫn an toàn. Điều này sẽ tác động đến truyền thông và nhận thức thực sự về tính an toàn của những điểm đến” – bà Hồ Nguyễn Phương Chi, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thành phố Đà Nẵng phân tích.
Đại diện Khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hills cho biết, theo kế hoạch trước đây việc tăng giá vé sẽ bắt đầu từ 1/4/2020, nay sẽ dời sang 1/7/2020. Sắp đến, Bà Nà Hills cũng sẽ tham gia chương trình kích cầu do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức. Trong đó, dự kiến vào thời điểm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, giá vé thăm quan Bà Nà Hills của mọi du khách sẽ được ưu đãi như mức dành cho nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Huỳnh Đức Trung – Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, sắp đến Sở sẽ tập trung triển khai kế hoạch truyền thông chiều sâu (ngay sau dịch bệnh) với định hướng Đà Nẵng điểm đến AN TOÀN – THÂN THIỆN – MẾN KHÁCH, điểm đến thịnh hành trên toàn cầu năm 2020 (theo đánh giá của trang web du lịch lớn nhất thế giới: TripAdvisor).
TCDL luôn đồng hành, địa phương phải tranh thủ thời cơ
Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung đã đánh giá cao sự kịp thời, đồng bộ và kiên quyết của Sở cũng như toàn ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng trong triển khai sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh COVID-19. Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung khẳng định: Tổng cục luôn đồng hành với các địa phương và doanh nghiệp ngành nên đã lắng nghe và đang hoàn thiện báo cáo trình Bộ trưởng, trình Chính phủ nhiều chính sách liên quan giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, Tổng cục đã đưa vào đề nghị các nội dung xem xét miễn, giảm hoặc giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất VAT, cho chậm trả lãi vay và có ngay gói tín dụng hỗ trợ mới; cho chậm đóng bảo hiểm xã hôi; giảm tiền thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, tiền điện.
TCDL cũng đề nghị Chính phủ xem xét miễn phí visa trong thời gian 1 năm đối với khách quốc tế đi theo tour (từ 1/4/2020 đến 30/4/2021); mở rộng danh mục quốc gia, vùng lãnh thổ được thị thực điện tử; miễn thị thực đối với du khách đến từ các thị trường tiềm năng như EU, Úc, Mỹ, Canada, Ấn Độ. Cho phép doanh nghiệp hàng không xúc tiến mở mới thêm nhiều đường bay trực tiếp đến Châu Âu, Châu Mỹ.
Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Khách sạn, Tổng cục Du lịch, cho rằng, bên cạnh những khó khăn mà ngành Du lịch Đà Nẵng “đang gồng mình” chống chịu thì đây cũng chính là cơ hội tốt nhất để đào tạo, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho đội ngũ nhân viên các khu nghỉ mát, khách sạn; sàng lọc và tuyển chọn, giữ được những cán bộ quản lý, nhân viên giỏi nghề, thái độ, tinh thần trách nhiệm cao. Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, ông Vũ Nam nhấn mạnh đến tin vui Hoa Kỳ đã chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “Các nước có biểu hiện virus lây lan trong cộng đồng”. Ngành Du lịch Đà Nẵng cũng cần tranh thủ cơ hội này, tăng cường truyền thông, quảng bá trực tuyến về hình ảnh một Đà Nẵng an toàn trong bối cảnh một Việt Nam an toàn. Cần hết sức tranh thủ thời cơ kiểm soát được dịch bệnh cũng như sau dịch bệnh. Bởi Đà Nẵng cũng như miền Trung còn chịu ảnh hưởng xấu của thời tiết, nhất là các tháng về sau hay có bão, lụt…
Diệu Vũ –
Nguồn: báo dulich.net.vn