Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa tổ chức khảo sát giới thiệu điểm, tour du lịch vùng cây ăn quả cam, bưởi nhằm thu hút doanh nghiệp, du khách đến Lục Ngạn tham quan, tiêu thụ sản phẩm.
Du khách tham quan vườn cam tại xã Tân Mộc
Tiềm năng du lịch
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình cho biết, Lục Ngạn hiện có khoảng 7.000ha cam, bưởi với sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm; nhiều khu vực được áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ tiên tiến VietGAP, GlobolGAP đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu. Trong thực tế, phần lớn diện tích cam, bưởi đã cho thu hoạch; có nhiều vườn, tuổi đời cây vào độ tốt nhất, từ 8-10 năm. Mùa cam bưởi bắt đầu từ khoảng tháng 8 Âm lịch cho đến sau Tết Nguyên đán; ở Lục Ngạn có nhiều loại quả: bưởi da xanh, bưởi đào đường, bưởi Diễn cổ, bưởi Diễn ghép trồng ở Lục Ngạn, cam Vinh trồng trên đất Lục Ngạn, cam Canh trồng trên đất Lục Ngạn… Huyện Lục Ngạn cũng liên tục tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng trong những năm gần đây đã góp phần xúc tiến hình ảnh và định vị thương hiệu địa phương. Trưởng phòng Quản lý Du lịch – Sở VHTTDL Bắc Giang Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ thêm: “Hoa quả ở Lục Ngạn có quanh năm, từ táo, ổi, vải, các loại cam, bưởi… Vùng đất Lục Ngạn còn có một điều rất đặc biệt. Ở bất cứ địa phương nào có cây ăn quả ngon, khi đem cây đó về trồng trên đất Lục Ngạn đều ngon, thậm chí còn ngon hơn nơi xuất xứ gốc mà cây ăn quả đó nổi tiếng”. Đây là tiềm năng chính trong việc triển khai tour du lịch vùng cây ăn quả cam, bưởi của Lục Ngạn.
Khảo sát một vườn bưởi khoảng 300 gốc đang cho thu hoạch của gia đình ông Trần Đình Én (Tân Trường – Thanh Hải – Lục Ngạn), phóng viên được biết vườn bưởi được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, chỉ bón phân chuồng và đỗ tương; cỏ thì được cắt đi mà không sử dụng thuốc diệt; xử lý cho ra hoa cũng bằng kỹ thuật chăm sóc, không sử dụng thuốc. Ông Trần Đình Én khẳng định: “Đây không chỉ là việc đảm bảo cho sức khỏe cộng đồng mà quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe cho chính chúng tôi. Huyện cũng quảng bá sản phẩm của chúng tôi rất hiệu quả, khách hàng đến nhiều hơn, thị trường giao thương thuận lợi hơn rất nhiều; giá cũng được đảm bảo”.
Ông Trần Quốc Dũng – Công ty Du lịch quốc tế Đình Anh (Bắc Giang) cho biết: “Hiệu quả kinh tế của vùng cam, bưởi Lục Ngạn rất lớn. Tôi cho rằng Lục Ngạn có tiềm năng lớn về phát triển du lịch miệt vườn; Lục Ngạn nói riêng, Bắc Giang nói chung nên đẩy mạnh khả năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Thời gian tới, Công ty Du lịch quốc tế Đình Anh cũng triển khai nhiều tour để lôi kéo khách ở các tỉnh về với Lục Ngạn”.
Người dân phơi mỳ trên lối đi giữa các vườn cam đang chín rộ
Thúc đẩy phát triển du lịch
Trao đổi với Trưởng phòng Quản lý Du lịch – Sở VHTTDL Bắc Giang Nguyễn Văn Ngọc, được biết tỉnh Bắc Giang đã có chỉ đạo Sở VHTTDL Bắc Giang tổ chức chương trình khảo sát vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn với sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, đào tạo liên quan đến văn hóa, du lịch. Sở VHTTDL Bắc Giang tới đây sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân huyện Lục Ngạn xây dựng mô hình tham quan trải nghiệm vùng cây ăn quả, đón khách du lịch về tham quan, từ đó tạo điều kiện cho nhân dân tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Ngọc nhấn mạnh: “Sở VHTTDL Bắc Giang đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng những quy hoạch, kế hoạch cụ thể, từ hệ thống đường sá giao thông, các biển chỉ dẫn đến những vườn cây. Các hộ gia đình được lựa chọn làm điểm tham quan du lịch vùng cây ăn quả phải có không gian rộng để khi khách đến có chỗ cho khách nghỉ chân; khu vực tiếp đón cần phải được hoàn thiện hơn. Sở VHTTDL Bắc Giang cũng đang tham mưu kết nối các tour, tuyến du lịch. Về với Lục Ngạn thì sẽ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Ngoài ra sẽ có thế kết nối du khách đến Tây Yên Tử, suối Mỡ, chùa Vĩnh Nghiêm, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, làng nghề truyền thống sản xuất mỳ Chũ… để kéo dài thời gian du khách tham quan tại Bắc Giang”.
Chị Stephanie Pasqualon (Pháp) – Công ty Du lịch Asia Hero Travel chia sẻ: “Tôi rất thích khi được xem người dân tráng mỳ, trồng cây ăn quả, trải nghiệm cuộc sống thôn quê ở Lục Ngạn. Tôi cho rằng việc kết hợp tour du lịch với làm nông nghiệp tạo nên hoạt động du lịch xanh ở địa phương sẽ góp phần phát triển bền vững. Làm được điều đó cần phải giữ gìn môi trường sạch đẹp; hướng dẫn người dân biết cách đón và phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, có thể tạo ra các tour đạp xe tham quan trong vùng, trồng cây và làm nông cùng người dân”.
Gia Khôi