Theo đánh giá của ngành du lịch Huế, di sản, văn hóa, lịch sử và biển của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia… là những yếu tố để xây dựng tour “Ba quốc gia – Một điểm đến” hay hành trình “Khám phá di sản Đông Dương” và Huế được xác định là điểm dừng chân quan trọng trong hành trình này.
Nghỉ dưỡng biển tăng tính hoàn thiện của tour “Ba quốc gia – Một điểm đến”. Ảnh: VĂN ĐÌNH HUY
Khởi động trở lại
Sở Du lịch thông tin, tour du lịch khám phá ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia với chủ đề “Ba quốc gia – Một điểm đến” được các doanh nghiệp du lịch trong nước khai thác hơn 10 năm về trước, tuy nhiên, hiệu quả chưa như mong muốn. Giao thông khá khó khăn khiến thời gian di chuyển bằng đường bộ qua 3 nước quá lâu được cho là nguyên nhân chính khiến sự liên kết phát triển du lịch này chưa được thúc đẩy.
Xét về tính hấp dẫn của tour khám phá ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, Phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho rằng, ba quốc gia vừa có những nét tương đồng và khác biệt để bổ trợ, xây dựng những tour tuyến hấp dẫn. Xét về tiềm năng du lịch, ba nước đang sở hữu những công trình và các kỳ quan được thiên nhiên ban tặng, những nét văn hóa độc đáo riêng có. Với Việt Nam là những di sản đã được UNESCO công nhận như, Quần thể Di tích Cố đô Huế, nhã nhạc Cung đình Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên…
Thị trường khách chủ yếu của tour “Ba quốc gia – Một điểm đến” là các nước Tây Âu và Bắc Mỹ… Ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, trong những thị trường này, phần lớn đến từ nước Pháp. Ba nước Đông Dương từng là thuộc địa của Pháp, do đó ngoài những khách lớn tuổi, không ít khách trẻ đến để tìm hiểu lịch sử và mong muốn hàn gắn những vết thương của chiến tranh mà họ đã để lại cho ba nước.
Tại hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên”, các chuyên gia du lịch hàng đầu cho rằng, với sự phát triển và hội nhập như ngày nay, đòi hỏi du lịch phải có liên kết mang tính liên vùng, không chỉ trong nước mà cần liên quốc gia. Trong kế hoạch phát triển du lịch của khu vực miền Trung và Tây Nguyên thời gian đến cũng xác định tập trung liên kết xuyên quốc gia. Theo đó, sẽ tập trung khởi động và phát triển mạnh hơn tour du lịch “Ba quốc gia – Một điểm đến” kết hợp với tour “Con đường di sản miền Trung” tạo ra chuỗi sản phẩm hấp dẫn và chất lượng.
Dưới chân Angkor Wat. Ảnh: DT
Miền Trung được xác định là trung tâm của liên kết ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia. Các chuyên gia nhận định, hạ tầng giao thông khu vực miền Trung đang được đầu tư ngày càng được hoàn thiện cả về hàng không, đường sắt, đường biển và đường bộ. Do đó, các tỉnh, thành miền Trung cần tận dụng tốt hơn nguồn lực này để liên kết vùng tốt hơn trong phát triển du lịch.
“Đạp xe một ngày – Ăn cơm ba nước”
Lãnh đạo ngành du lịch đánh giá, từ việc xác định miền Trung là trung tâm của liên kết giữa ba quốc gia, thì Huế chính là điểm đến quan trọng hàng đầu. Lý do mà Huế được lựa chọn là trong hình trình tour, khi đến Huế, du khách không chỉ được khám phá di sản, văn hóa mà còn khám phá, thăm lại chiến trường xưa ở A Lưới, di tích Chín Hầm và được nghỉ dưỡng gắn với biển, đầm phá.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel, Chi nhánh Huế cho biết, những năm qua, lượng khách tham gia tour “Ba quốc gia – Một điểm đến” mà công ty tổ chức vẫn duy trì ổn định. Riêng với Huế, được xác định là điểm đến không thể đưa ra khỏi lịch trình. Vietravel cũng tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp của hai nước bạn để nâng cao chất lượng các dịch vụ cho tour.
Ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thông tin, thời gian qua, lượng khách du lịch quốc tế đến 3 nước tăng đáng kể. Việt Nam, nhất là Huế thường là điểm đến cuối trong hành trình này, thông qua các cửa khẩu đường bộ. Đây là tiền đề để các địa phương trong nước cùng liên kết để khai thác hiệu quả hơn, kéo dài thời gian khách ở lại. Nâng cao chất lượng và hình thành những sản phẩm mới dựa trên nhu cầu của khách. Thời gian qua, Huế cũng đã liên kết với các điểm đến có thế mạnh về di sản trong nước để thúc đẩy thị trường khách này.
Trải nghiệm khó quên với tục buộc chỉ cổ tay chúc phúc tại Lào. Ảnh: DT
Các nhà làm tour còn tạo ra thêm một số tour liên kết bốn đến năm quốc gia bằng đường bộ trên Hành lang kinh tế Đông – Tây. Ở Huế, Công ty HGH Travel cũng hình thành tour “Đạp xe một ngày – Ăn cơm ba nước”, sáng ở Huế, trưa ở Lào và tối ở Thái Lan, được nhiều du khách đánh giá cao và thích thú. Do đó, ngành du lịch Huế cần chủ động hơn, để đón đầu sự liên kết liên vùng này, qua đó tăng số lượng khách đến Huế nhiều hơn.
Hội Lữ hành tỉnh chia sẻ, để những tour xuyên quốc gia đạt được hiệu quả, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cần được thực hiện tốt hơn, có thể cấp một visa chung đi ba nước, để rào cản về địa lý không còn.
Sở Du lịch cho biết, trước đây, nhiều lữ hành đã tổ chức những tour “Hành trình khám phá di sản Đông Dương” được khởi hành từ Huế. Sau khi khách tham quan Huế thì di chuyển vào tỉnh Kom Tum sang Champasak (Lào) ghé thăm di sản văn hóa thế giới Watphu. Trước khi sang Siem Reap (Campuchia) khám phá kỳ quan Angkor Wat thì khách đến Bangkok (Thái Lan) tham quan hoàng cung, chùa Vàng. Sau đó, về thủ đô PhnomPenh (Campuchia) tham quan cầu cổ Kompongkdey, hoàng cung, chùa Bạc và trở về TP. Hồ Chí Minh qua cửa khẩu Mộc Bài, ở Tây Ninh.
ĐỨC QUANG
Nguồn: báo TT huế