Để Homestay thật sự là sản phẩm du lịch cộng đồng, Kỳ 3

Kỳ 3: Quảng Nam có Hội An đang quản lý homestay ra sao?

Quảng Nam có TP. Hội An là một trong những địa phương có tốc độ phát triển loại hình du lịch homestay nhanh bậc nhất ở Việt Nam, ước tính lên đến 40%/năm. Hiện tại thành phổ cổ Hội An đang có hàng trăm hộ làm du lịch theo loại hình này. Vậy địa phương này đang quản homestay ra sao, có phải là mô hình hay cho các địa phương khác học hỏi?

Nếu đúng homestay thì nên đưa về các vùng ven, nơi gắn liền với các đặc trưng của vùng nông thôn.

Sửa đi cái hay

Hồi cuối năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định số 3267/QĐ-UBND “về việc sửa đổi một số nội dung quy chế (có từ năm 2017) quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (gọi là homestay) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nội dung sửa đổi tập trung vào các điều kiện kinh doanh loại hình này (điều 3, chương 2).Quy chế hiện chỉ còn yêu cầu phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách theo quy định. Còn tiêu chuẩn homestay, quy chế quy định thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7800:2017 “nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê”.

Điều đáng nói là hàng loạt tiêu chí trước đây, vốn mang “đặc trưng của homestay” đã không còn bắt buộc mà chỉ còn mang tiêu chí “khuyến khích”. Điển hình, chủ kinh doanh homestay có hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú và hiện đang sinh sống tại ngôi nhà kinh doanh. Hộ gia đình đảm bảo các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, có từ 2 thế hệ cùng sinh sống. Hay nhà được xây dựng đảm bảo theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan môi trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội, đặc điểm văn hóa của từng địa phương.

Đặc biệt, tiêu chí nhà có kiến trúc đặc trưng nông thôn, nhà vườn, có tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nghề truyền thống, có không gian để trình diễn các môn nghệ thuật của địa phương và tổ chức cho khách tham gia các hoạt động của địa phương và cộng đồng cũng “bị” đưa vào “nhóm khuyến khích”.

Ngoài ra, trong nhóm khuyến khích còn có các tiêu chí như: Nhà có không quá 5 phòng và một phòng không quá 4 người hay người phục vụ được tập huấn về các kỹ năng liên quan đến phục vụ khách du lịch: Giao tiếp, ứng xử, kỹ năng sơ cứu cơ bản, an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… Chủ nhà, người phục vụ có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác….

Theo tìm hiểu của PV, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng hơn 400 homestay cung ứng trên 1.200 phòng. Số này tập trung hầu hết tại TP.Hội An. Điều đáng nói, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của homestay của Quảng Nam rất nhanh chóng, với hơn 40%/năm.

Lo biến tướng

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển chóng mặt cùng cách hiểu chưa đúng về loại hình này đang khiến địa phương này lo lắng, trong khi đó, dù đã có quy định nhưng lại mang tính “khuyến khích” là chính.

Theo đánh giá của một số chuyên gia thì bên cạnh những mặt đạt được, việc phát triển loại hình homestay ở Hội An nói riêng cũng như Quảng Nam nói chung cũng đã bộc lộ nhiều bất cập.Thậm chí, nhiều trong số này đã đi chệch hướng, biến tướng thành các nhà trọ, nhà nghỉ… cung cấp phòng giá rẻ, hoàn toàn không có “homestay” cho khách trải nghiệm.

Dó đó, giới chuyên gia đánh giá, việc bỏ một số tiêu chí như: nhà có kiến trúc đặc trưng nông thôn, nhà vườn, có tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nghề truyền thống, có không gian để trình diễn các môn nghệ thuật của địa phương và tổ chức cho khách tham gia các hoạt động của địa phương và cộng đồng… là hết sức đáng tiếc và đe dọa sự phát triển bền vững của loại hình này.

“Việc nhiều homestay hoạt động không đúng nghĩa khiến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch của Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Thực chất, đó chỉ là các cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú giá rẻ. Đó là chưa kể tình trạng các housetay (nhà chỉ để ở) thường phá giá trong mùa thấp điểm hoặc chặt chém du khách trong mùa cao điểm”, ông Nguyễn Thanh Hiệp, Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Homestay tỉnh Quảng Nam cũng lo lắng:“Đúng nghĩa homestay là phải có những hoạt động mang tính cộng đồng, có giao lưu văn hóa, có trải nghiệm ẩm thực… gắn liền với cuộc sống của người dân. Nhưng hiện nay tốc độ đô thị hóa quá nhanh, do đó, làm cho những sản phẩm du lịch cộng đồng dần biến mất chiều sâu”.

“Để quản lý cái này cũng rất khó khăn, trong khi đó quan điểm của tỉnh là phải quản lý theo cái chung, chứ Quảng Nam không thể có đặc thù riêng. Bởi, làm khác biệt một thì người dân sẽ phản ánh, khiếu kiện. Do đó, để phát triển homestay bền vững và cho khách hiểu homestay đúng nghĩa khác với một cơ sở lưu trú đơn thuần, giá rẻ thì Hiệp hội đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện làm homestay đúng nghĩa là như thế nào”, ông Thuận cho biết thêm.

Cũng theo ông Thuận thì cần có sự phân biệt giữa homestay và villa, bởi, đang có thực tế là nhiều nơi đang hiểu villa và homestay đều là một, không có gì khác biệt cả.Nếu đúng homestay thì nên đưa về các vùng ven, nơi gắn liền với các đặc trưng của vùng nông thôn, như: nông nghiệp, nghề mộc, nơi có nhiều sản phẩm ở địa phương… Ví dụ như ở Hội An thì có nghề chài lưới, với nhiều lễ hội, việc phát triển homestay sẽ đúng và ý nghĩa hơn.

Để làm homestay, Quảng Nam cũng đang có những lớp tập huấn cho người làm du lịch. “Ở Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng thì người dân chủ yếu là làm nông nghiệp và nghề cá, do đó, khi đi vào phục vụ du lịch thì cần phải tập huấn nghiệp vụ du lịch. Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đặc biệt là Hiệp hội Homestay vẫn thường có các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho anh em, bà con làm. Bây giờ nếu không có nghiệp vụ thì sẽ không làm được, nhất là không có tiếng Anh để xử lý các tình huống khi khách ở trong gia đình”, ông Võ Văn Vân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam thì hiện nay, nhiều người dân, du khách, thậm chí cả ngành Du lịch cũng không hiểu đúng về homestay. Họ cho rằng đó là loại hình lưu trú đơn thuần, chứ không phải là một sản phẩm du lịch lịch hoàn chỉnh, có hàm lượng văn hóa, kiến trúc và trí tuệ.

THANH Tùng

Nguồn: báo dulich. Net. Vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *