Cho đến nay TP.HCM chưa có dịch tả heo châu Phi, nhưng ở thành phố đông dân bậc nhất này, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con heo từ các tỉnh thành khác đổ về, đó là chưa kể gần 4.000 hộ chăn nuôi heo tại đô thị lớn nhất nước nên việc nguy cơ lây dịch bệnh tả heo châu Phi là rất cao. Chính vì thế công tác phòng chống đang diễn ra hết sức khẩn trương và tích cực, trong đó, ngành Du lịch cũng theo sát diễn biến của dịch.
Các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch cũng lên phương án đối phó với dịch tả lợn châu Phi
Lên giây cót
TP.HCM hiện có gần 4.000 hộ chăn nuôi heo, với tổng đàn lên gần 300.000 con. Tuy nhiên, số lượng heo tại 11 cơ sở giết mổ với số lượng từ 6.000 đến 7.000 con/ngày chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu. Số còn lại phải nhập từ các địa phương khác như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Do đó nếu có dịch từ các địa phương này thì nguy cơ ảnh hưởng đến TP.HCM là rất lớn.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát Huỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP.HCM cho biết: “Dịch tả heo châu Phi chưa có vắc xin và cách điều trị, do đó cần phải có các giải pháp phòng bệnh là chính. Đặc biệt là phải phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch khi có phạm vi nhỏ”.
Một mặt cơ quan chức năng đã ngăn chặn các ngả đường đổ về TP.HCM, mặt khác cơ quan chức năng địa phương này cũng kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ, chợ, siêu thị…
Để đảm bảo nguồn heo sạch và an toàn, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết: “Gần đây, các đoàn kiểm tra thuộc Ban đã thường xuyên tiến hành kiểm tra tại các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn trọng điểm, các chợ đầu mối như: Bình Điền, Hóc Môn.
Để đảm bảo nguồn cung cho người dân cũng như các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ khác, TP.HCM cũng đã lên phương án nếu dịch xuất hiện.
Bà Nguyễn Hương Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: “Đã làm việc với các đơn vị liên quan để có phương án cung ứng thịt heo trong tình hình xấu nhất, khi nguồn cung thiếu hụt. Đồng thời, Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường tại 329 chợ truyền thống và 250 chợ tạm trên địa bàn, từ đó nắm sát tình hình để có kế hoạch ứng phó ngay”.
Ngăn chặn dịch tả từ các ngả đường đổ về TP.HCM
Kiểm tra gắt gao
Để đảm bảo cho việc kinh doanh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe của du khách, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại TP.HCM cũng đang tích cực ứng phó với dịch tả heo châu Phi.
Dù dịch không lây lan sang người, nhưng ông Phan Toàn Thắng, Giám đốc một khách sạn 3 sao ở quận 1, TP.HCM cho biết, vẫn phải bám sát thông tin diễn biến để có kế hoạch ứng phó, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách sử dụng dịch vụ tại khách sạn.
Ông Thắng nói: “Những ngày qua, chúng tôi liên tục cập nhật thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng về dịch tả lợn. Đồng thời, dù đã ký hợp đồng với nhà cung cấp từ trước nhưng chúng tôi cũng luôn nhắc nhở bộ phận nhập thực phẩm phải kiểm soát nguồn hàng vào. Họ phải có báo cáo chi tiết hàng ngày, đặc biệt là thịt heo trong thời điểm này”.
Cũng theo vị này, nhằm đảm bảo sức khỏe cho khách, khi đưa món lên bàn ăn, nhân viên phục vụ đều giới thiệu rõ nguồn gốc thực phẩm cho khách được rõ để họ yên tâm sử dụng.
Bà Juli Le, Chủ hệ thống chuỗi Nhà hàng Lux Sài Gòn cho biết: “Những ngày qua cũng có nhiều khách hỏi về dịch tả lợn châu Phi. Chúng tôi đều giải thích cho họ và nguồn thịt chúng tôi lấy là từ những nhà phân phối uy tín, như Visan hay trực tiếp mua trong các siêu thị lớn khi phát sinh thêm”.
Tương tự bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ hệ thống chuỗi homestay Chezmemosa cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi không lây qua người như dịch cúm, virus… nên không ảnh hưởng tới việc kinh doanh của hệ thống lưu trú như chúng tôi. Hơn nữa, khách nước ngoài cũng ít yêu cầu ăn thịt heo, còn trong thực đơn thì chúng tôi luôn đảm bảo nguồn thực phẩm sạch để chế biến món ăn”.
Trong trường hợp dịch bùng phát, nguồn hàng khan hiếm, các điểm kinh doanh này cũng đã lên phương án tìm nguồn thực phẩm khác thay thế như gà, cá, bò, trứng… “Chúng ta không thiếu thực phẩm để chiêu đãi khách, ẩm thực luôn là thế mạnh của Việt Nam, khách sẽ không phải lo lắng về vấn đề này”, bà Juli Le chia sẻ.
“Dù có dịch hay không thì việc kiểm tra thực phẩm là hết sức quan trọng, bởi, khách có vấn đề gì ảnh hưởng đến sức khỏe thì rất tai hại cho các điểm kinh doanh dịch vụ. Chỉ cần sau chuyến đi, họ về viết bài phản ánh hay chia sẻ với người thân, bạn bè… thì ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và thương hiệu của chúng tôi đã cố gắng gây dựng trong nhiều năm qua. Do đó, điều này hết sức quan trọng”, ông Thắng nói.
Thanh Tùng
Nguồn: Báo dulich. Net.vn