Ngành Văn hóa công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu

TTH.VN – Festival Huế 2022 với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Huế chủ đề “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển” diễn ra từ ngày 25/6 đến 30/6 – đó là sự kiện được ngành văn hóa, thể thao xếp đầu tiên trong số 10 sự kiện tiêu biểu trong năm 2022.

Các nghệ sĩ quốc tế biểu diễn tại Tuần lễ Festival Huế

1. Festival Huế 2022 với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Huế chủ đề “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển” diễn ra từ ngày 25/6 đến 30/6 gồm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và lễ hội có quy mô lớn, có tính cộng đồng cao. Khác với các kỳ trước, Festival Huế 2022 không tập trung các chương trình nghệ thuật diễn ra trong một thời gian nhất định, mà tổ chức quanh năm theo chủ đề Festival bốn mùa.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình được phân bố theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách.

Festival Huế 2022 với gần 50 sự kiệnđược tổ chức liên tục, kéo dài trong năm do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thực hiện, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa vùng miền, quốc gia nhằm giao lưu, hợp tác văn hóa, tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô đã tiếp tục khẳng định thương hiệu Festival Huế, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam và xứ Huế.

2Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) cấp cơ sở và Đại hội TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX năm 2021 – 2022 đã được tổ chức thành công. Lễ Khai mạc Đại hội TDTT toàn tỉnh được tổ chức quy mô tại SVĐ Tự Do với sự tham gia của gần 15.000 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân.

Đây là sự kiện có quy mô lớn, ý nghĩa của tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

3. Năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký các quyết định cho phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập đối với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (144 Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, TP. Huế) và Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham (53 Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, TP. Huế).

4. Năm bội thu của thể thao Thừa Thiên Huế. Năm 2022 là năm ghi dấu sự phát triển vượt bậc của thể thao thành tích cao Thừa Thiên Huế. Tính đến thời điểm này, các đoàn VĐV của tỉnh đã đạt được 348 huy chương (96 HCV, 94 HCB, 158 HCĐ).

Trong đó có 12 huy chương quốc tế (6 HCV, 1 HCB, 5 HCĐ). Thành tích ấn tượng nhất là việc Đoàn VĐV của tỉnh tham dự SEA Games 31, dù chỉ có 5 VĐV trong thành phần các đội tuyển quốc gia những đã đóng góp 5 tấm huy chương: 3 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ.

Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Đoàn Thể thao tỉnh nhà đã xuất sắc giành được 39 huy chương các loại, xếp vị thứ 21/65 tỉnh, thành, ngành tham dự. Đây là thành tích tốt nhất của thể thao Thừa Thiên Huế tại các kỳ Đại hội từ trước đến nay.

5. Tháp Champa Phú Diên đón nhận 2 kỷ lục Việt Nam và Thế giới. Tháp Champa Phú Diên là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Champa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2001.

Ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí là “Tháp Phú Diên – Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam”.

Tiếp đến, ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.

6Nguyễn Thị Thanh Nhi – Cô gái Vàng của thể thao Thừa Thiên Huế năm 2022: Với 3 HCV, 3 HCB, phá vỡ 1 kỷ lục và thiết lập 1 kỷ lục mới, vận động viên bắn cung sinh năm 2001 xứng đáng là một trong những gương mặt xuất sắc nhất tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

Đặc biệt, tại Giải vô địch bắn cung châu Á ASIA Cup – SHARJAH được tổ chức tại Qatar, Thanh Nhi đã xuất sắc đánh bại đối thủ rất mạnh của đội tuyển bắn cung Hàn Quốc để giành HCV nội dung cá nhân, đồng thời cùng đội tuyển bắn cung Việt Nam giành HCĐ tại giải lần này. Trước đó tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, Thanh Nhi cũng đã xuất sắc giành được 1 HCB.

7. Tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 14. Năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với UBND huyện Nam Đông và các đơn vị liên quan tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 14 với nhiều hoạt động phong phú như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi thể dục thể thao, tái hiện lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc huyện Nam Đông, nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, trình diễn nghề thủ công truyền thống…

8. Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2022. Hơn 4.700 runner đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước đã tham gia tranh tài ở các cự ly 5km, 10km, 21km, 42km tại giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2022 do Báo điện tử VnExpress và UBND tỉnh phối hợp tổ chức vào ngày 10/4. Trong những ngày diễn ra VnExpress Marathon Imperial Huế 2022, ước tính Huế đón hơn 10.000 lượt khách đến lưu trú, giúp kích cầu du lịch, phát triển kinh tế – xã hội trong thời điểm bình thường mới. Việc 4 cự ly tại giải được Hiệp hội Marathon quốc tế cấp chứng nhận đạt chuẩn AIMS sẽ nâng tầm thành giải chạy quy mô quốc tế.

9. Thừa Thiên Huế nỗ lực với công tác “hồi hương” cổ vật. Năm 2022 đánh dấu sự thành công trong công tác “hồi hương” cổ vật ở Thừa Thiên Huế, đó là 2 cổ vật Mũ quan đại thần và Áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn có niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 do một doanh nghiệp hiến tặng cho tỉnh sau khi thắng đấu giá ở nước ngoài với tổng trị giá xấp xỉ 21 tỷ đồng. Trước đó, năm 2014, Thừa Thiên Huế đã đấu giá thành công chiếc xe kéo bằng gỗ khảm trai nguyên vẹn, sang trọng và quý phái, được cho là do vua Thành Thái đặt làm tặng mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Minh vào đầu thế kỷ trước.

10. Lễ hội Điện Huệ Nam được tổ chức trở lại sau 2 năm tạm ngưng vì dịch Covid-19, thu hút hàng ngàn thanh đồng, tín nữ và du khách. Đặc biệt, sau 51 năm, kể từ năm 1971, lễ hội điện Huệ Nam tổ chức vào tháng 3/2022 đã khôi phục trở lại lễ nghinh rước Thánh Mẫu, Hội đồng Tứ phủ bằng đường bộ từ địa điểm 352 Chi Lăng đến Nghinh Lương Đình với quãng đường hơn 3km, tạo điểm nhấn đặc biệt, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng và du khách.

N. MINH

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *