Du lịch tuần hoàn là khái niệm mới, có tính bền vững cao, phù hợp với xu hướng phát triển mà Huế có tiền đề để triển khai hiệu quả.
Du lịch xanh là xu hướng của nhiều điểm đến
Xu hướng tất yếu
“Du lịch tuần hoàn” là một khái niệm mới, có thể hình dung là một chuỗi cung ứng, hoạt động, trải nghiệm khép kín, có tính liên hoàn, bổ sung cho nhau. Mục tiêu cao hơn của du lịch tuần hoàn là thông qua các mô hình, sản phẩm nhằm giảm thiểu rác thải, phục dựng tài nguyên; chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên du lịch đã sử dụng… hướng đến du lịch xanh và bền vững.
Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch, phát triển du lịch tuần hoàn chắc chắn sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian đến, vì yếu tố phát triển bền vững của nó; tiết kiệm chi phí trong lâu dài, có lợi cho doanh nghiệp và xã hội. Trên thực tế, các mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường là những dòng sản phẩm tiệm cận với tuần hoàn đã được triển khai thời gian qua. Đây là điều thuận lợi để Huế đánh giá, chuyển đổi thuận lợi hơn.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh phân tích, bên cạnh là mô hình phát triển bền vững của bền vững, đây còn là xu hướng mới đã được nghiên cứu đánh giá trước tác động bởi dịch bệnh. Du lịch trong giai đoạn đầu thích ứng sẽ được định hình bởi 3 xu hướng, bao gồm điểm đến và trải nghiệm mới; du lịch nội địa, ngắn hạn; du lịch xanh, hướng tới phát triển bền vững. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, du khách quan tâm vào du lịch bền vững và sẵn sàng trả thêm tiền để chuyến đi đóng góp vào phát triển bền vững của điểm đến.
Một nghiên cứu khác đang được tham khảo từ hãng du lịch Expedia, yếu tố bền vững cũng tác động rõ rệt tới quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, du lịch. 73% du khách sẽ lựa chọn khách sạn, nhà nghỉ thực hành những quy tắc thân thiện với môi trường và cộng đồng và 65% du khách lựa chọn doanh nghiệp dịch vụ thể hiện tính toàn diện trong công cuộc phát triển bền vững. Từ những số liệu trên, có thể thấy du lịch xanh, du lịch tuần hoàn hài hòa với thiên nhiên và cộng đồng dân cư bản địa sẽ là xu hướng chủ đạo trong tương lai. Đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp ngành du lịch có thể tận dụng để nhanh chóng phục hồi sau cú sốc do COVID-19.
Nhiều mô hình bền vững, có tính tuần hoàn đã mở ra một cách nhìn mới trong khai thác du lịch, như sử năng lượng tái tạo, các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn chuyển sang tái tạo các vật liệu, dùng các túi phân hủy sinh học, ống hút giấy, cốc giấy, bằng gỗ, tre…; chai thủy tinh thay cho chai nhựa sử dụng một lần. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, những mô hình du lịch được đánh giá rất cao về bảo vệ môi trường vẫn gây ra những tác hại, tạo ra áp lực lớn đối với tài nguyên du lịch. Việc sử dụng đất, hạ tầng du lịch đòi hỏi các nguồn tài nguyên như nước, năng lượng và thực phẩm, tạo ra một lượng lớn chất thải, cũng như tắc nghẽn đường sá, tiếng ồn và ô nhiễm không khí…
Tìm sự hấp dẫn trong tuần hoàn
Để ngành du lịch có sự chuyển đổi rõ ràng và dứt khoát sang mô hình du lịch tuần hoàn, cần có những cách làm mới, cách tiếp cận khác hơn. Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), để phát triển du lịch tuần hoàn cần phải xem xét sản phẩm sử dụng trong ngành du lịch theo vòng đời; nhìn nhận kinh tế tuần hoàn như một mô hình, với hiệu quả được đánh giá trong dài hạn, thay vì những hành động tưởng như thân thiện với môi trường nhưng chỉ mang tính chất “làm hình ảnh”.
Cần thiết lập một hệ sinh thái số hỗ trợ du lịch tuần hoàn, kết nối doanh nghiệp với cơ sở lưu trú, với người nông dân, thợ thủ công bản địa đang áp dụng những giải pháp xanh, tạo ra luồng thông tin cụ thể, rõ ràng, minh bạch để làm việc chặt chẽ với nhau cũng như giới thiệu cho du khách. Chuyển đổi du lịch theo hướng tuần hoàn sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan chính quyền địa phương; tận dụng những chính sách hỗ trợ từ Trung ương cho tới các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế.
“Hiện, các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn thường lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu, nhưng nếu nhìn trong dài hạn sẽ thấy được giá trị về nhiều mặt. Khi đi đúng với du lịch tuần hoàn về bản chất là một mô hình, tức là nếu được áp dụng tốt sẽ tự vận hành và nuôi sống chính nó”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, khá nhiều mô hình du lịch tuần hoàn ở các điểm đến đã đáp ứng các tiêu chí bền vững, nhưng điều quan trọng tác động ngược trở lại là thị trường khách. Đã có nhiều sản phẩm được đánh giá cao về bền vững, nhưng không thể thu hút khách là điều mà Huế cần nhìn nhận và tìm giải pháp phù hợp.
Ông Đinh Mạnh Thắng thông tin, Huế vừa mới hợp tác với Tổ chức TUI Care Foundation (do Công ty lữ hành TUI thành lập) và Trung tâm Tiêu dùng và sản xuất bền vững (CSCP của Đức) triển khai thí điểm mô hình du lịch tuần hoàn nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hoạt động du lịch hậu COVID-19. Trước tiên, dự án sẽ thí điểm mô hình du lịch tuần hoàn ở khu vực đầm phá Tam Giang và các vùng nông thôn trên địa bàn, với sự tham gia của các doanh nghiệp tại Huế và có những trải nghiệm thực tế. Đến tháng 4/2022 sẽ giới thiệu, công bố mô hình thí điểm của dự án. Sau đó sẽ đánh giá, phân tích, hoàn thiện để sản phẩm thu hút được du khách.
Ông Trần Hữu Thùy Giang nhấn mạnh, sau khi đánh giá nhu cầu, thị hiếu và tính khả thi của mô hình điểm của du lịch tuần hoàn, mục tiêu quan trọng của ngành du lịch Huế hướng đến tính tuần hoàn sản phẩm du lịch văn hóa, vì đây là thế mạnh của Huế. Việc thúc đẩy các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong việc phục hồi và bảo tồn các sáng kiến di sản rất quan trọng cho sự liên tục bền vững của lĩnh vực này. Hướng đến việc bảo vệ lâu dài các di sản văn hóa thế giới thông qua thực hành thiết kế sinh thái, bảo tồn năng lượng, cung cấp các cơ sở dịch vụ xanh, chất thải xử lý sinh thái và tiêu dùng xanh. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy du lịch tuần hoàn hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”