TTH – Tỉnh đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng diện tích rừng ngập mặn (RNM) trên địa bàn xã Hương Phong (TP. Huế) lên hơn 200ha, với tổng nhu cầu vốn khoảng 110 tỷ đồng, hướng đến hình thành hệ sinh thái RNM tập trung lớn nhất miền Trung.
Rừng ngập mặn tại rú Chá sinh trưởng tốt
“Bức bình phong trấn lũ”
Nằm cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An, rú Chá từ bao đời nay như thể “bức bình phong trấn lũ” bảo vệ làng mạc, mùa màng cho cư dân vùng ven sông Hương thuộc xã Hương Phong (TP. Huế). Trải qua bao năm tháng, thăng trầm bởi thiên tai nhưng nhờ sức sống mãnh liệt của cây chá, cùng ý thức giữ đất, giữ làng của người dân ngày càng cao nên rú Chá được bảo tồn, tiếp tục hồi sinh diện tích như vốn có.
Không chỉ bảo vệ dân cư, công trình dân sinh, ao hồ nuôi trồng thủy sản (NTTS), rú Chá còn là nơi trú ngụ, sinh sôi của nhiều loài thủy sản nước lợ, ngọt. Trong đó có một số loài có giá trị kinh tế cao như tôm đất, tôm rảo, cua, bống thệ, dìa, mú, nâu… Một bộ phận ngư dân chuyên nghề đánh bắt, NTTS khu vực quanh vùng rú Chá có cuộc sống ổn định. Rú Chá còn là nơi trú ngụ, tìm kiếm thức ăn cho các loài chim bản địa, di trú quanh năm, nhất là vào mùa mưa bão.
Ông Đặng Duy Đấu ở xã Hương Phong bảo: Rú Chá là tài nguyên vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân địa phương nói riêng và vùng sông nước lân cận nói chung. Nguồn tôm, cá, cua tự nhiên quanh vùng rú Chá bấy lâu nay chưa từng vơi cạn. Hàng trăm ha ao hồ NTTS nơi đây khá hiệu quả vốn là nguồn sinh kế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Nhiều hộ dân ở Hương Phong thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ nuôi chuyên tôm và xen ghép.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, ông Trần Viết Chức khẳng định, vai trò quan trọng của rú Chá đối với bảo vệ môi trường, mùa màng, phát triển kinh tế của địa phương là điều thấy rõ. Những câu nói “Rú tàn làng mạt”, “Còn rú còn làng”… cho thấy vai trò, ý thức bảo vệ rú của Nhân dân rất cao. Từ đó làm cơ sở cho địa phương cùng với các ban, ngành từng bước mở rộng diện tích rú Chá đến nay lên hơn 22ha, cũng chính là mở rộng cơ hội phát triển kinh tế, xã hội của Hương Phong.
Đánh bắt thủy sản khu vực quanh rú Chá. Ảnh: H. Thế
“Biến” rú thành rừng ngập mặn
Diện tích rú Chá sẽ không dừng lại con số 22ha, khi mới đây tỉnh thúc đẩy kế hoạch triển khai dự án (DA) phát triển RNM tại xã Hương Phong đến năm 2025. Trên cơ sở diện tích rú Chá, ngành lâm nghiệp cùng địa phương sẽ từng bước gây trồng, nhân rộng diện tích các loài cây ngập mặn phù hợp như bần, dừa nước, đước vòi… lên hơn 200ha. Khi mục tiêu đạt được, rú Chá trở thành khu RNM tập trung lớn nhất duyên hải miền Trung, tạo nên một giá trị RNM ven phá chỉ có duy nhất tại Thừa Thiên Huế.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, việc mở rộng rú Chá theo mục tiêu của tỉnh là điều cần thiết trước yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Rú Chá còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế khi diện tích RNM được nhân rộng, trải dài từ Hương Phong đến vùng đầm phá Hải Dương (TP. Huế), khu vực cầu Tam Giang (Ca Cút).
Tại khu RNM sẽ thiết lập và mở rộng khu vực bãi giống, bãi đẻ, lồng ghép vào khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai. Các loài cây đước, dừa nước, bần… bảo vệ cảnh quan, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước ven bờ. Nơi đây còn hình thành bảo tàng gen thực vật ngập mặn với khoảng 30 loài chủ yếu, đặc trưng của cả ba miền Bắc, Trung, Nam đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nghiên khoa học, giáo dục đào tạo về thực vật, hệ sinh thái RNM cho học sinh, sinh viên và các nhà khoa học. Sử dụng hợp lý diện tích đất vùng hành lang bảo vệ các tuyến đê ven phá Tam Giang – Cầu Hai để tạo những đai rừng phòng hộ chắn sóng, chống sạt lở, bảo vệ các công trình hạ bờ, đập ven biển, giảm nhẹ thiệt hại trong các trận bão, lũ.
Nguồn lợi thủy sản từ đầm phá. Ảnh: MC
Khi nguồn lợi thủy sản sinh sôi, dồi dào từ “ngôi nhà chung lý tưởng” chính là nguồn lợi giúp cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân sinh sống dựa vào mặt nước, gắn với phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân địa phương tham gia trồng và bảo vệ RNM. Đai rừng ven phá sẽ bảo vệ sản xuất nông nghiệp, NTTS ổn định, bền vững; hạn chế thiệt hại do thiên tai ở mức thấp nhất, từ đó tiết kiệm kinh phí khắc phục hậu quả bão, lũ hàng năm.
Quá trình triển khai mở rộng diện tích RNM, xã Hương Phong được hưởng một số chính sách, như trong thời gian 5 năm đầu thực hiện DA, tỉnh cấp bù ngân sách cho xã từ 1,5 – 2 tỷ đồng/năm để đảm bảo cân đối ngân sách của địa phương do không còn được cho thuê đất NTTS và trồng lúa. Các hộ NTTS và trồng lúa bị thu hồi đất để trồng RNM được ưu tiên sử dụng nguồn lao động này trong quá trình thực hiện DA và ưu tiên được tiếp tục NTTS trong RNM. Khi RNM hình thành, tỉnh ưu tiên địa phương xây dựng các mô hình phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, tạo công ăn việc làm ổn định và thu nhập cho người dân.
Tổng vốn đầu tư mở rộng diện tích RNM tại xã Hương Phong khoảng 110 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn đầu tư của DA “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” (FMCR), kết hợp vốn đầu tư của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), vốn viện trợ quốc tế, vốn ngân sách Nhà nước và vốn huy động khác.
Hoàng Triều
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”