Viết tiếp câu chuyện về áo dài Huế

TTH – Ngày hội áo dài và Lễ hội ẩm thực Huế 2020 đã qua, nhưng dư âm của nó thì dường như vẫn vang vọng. Câu chuyện về áo dài và ẩm thực Huế đang lan tỏa mạnh mẽ, nhất là chuyện áo dài…

Học sinh mặc áo dài trong lễ tuyên dương học sinh danh dự toàn trường

Áo dài đúng nghĩa – áo ngũ thân được sinh ra tại Huế từ nửa đầu thế kỷ 18, gắn liền với vai trò đặc biệt của chúa Nguyễn Phúc Khoát, tên gọi Áo dài Huế có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Đến giữa thế kỷ ấy, áo ngũ thân đã phổ biến ở toàn bộ Đàng Trong, và sang giữa thế kỷ 19, loại trang phục này đã phổ biến rộng khắp trên toàn cõi Đại Nam, trở thành quốc phục của người Việt, với cả hai giới, nam và nữ.

Thời Nguyễn, Huế xứng danh là Kinh đô áo dài của đất nước bởi là nơi tập trung các loại hình trang phục áo dài phong phú và đẹp nhất, từ các loại triều phục, phẩm phục dành cho vua chúa, hoàng gia, quan lại quý tộc; nhung phục dành cho võ quan, binh lính; tế phục, tang phục và thường phục dành cho mọi tầng lớn Nhân dân. Nghĩa là áo dài đã sinh ra từ Huế, tỏa sáng ở Huế, trở thành biểu trưng của một chế độ văn minh “Y quan rực rỡ”, biểu tượng cho sự thống nhất về văn hóa của một dân tộc dòng dõi con Rồng cháu Tiên.

Việc xây dựng thương hiệu “Huế- kinh đô áo dài Việt Nam” thực ra là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Hơn thế, sự tỏa sáng của “Kinh đô áo dài” không chỉ là thương hiệu về văn hóa, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính Thừa Thiên Huế, một vùng đất rất giàu có về di sản.

Phục hưng áo dài, để mỗi khi nghĩ đến Huế là người ta phải nghĩ đến xứ sở của áo dài, phải khát khao được đến Huế để nhìn ngắm, trải nghiệm mặc áo dài, may áo dài cho bản thân và làm quà tặng cho bạn bè, người thân…

Phục hưng áo dài là để phục hồi cả một hệ thống ngành nghề liên quan đến áo dài: Tạo vùng nguyên liệu, dệt vải, nhuộm, thiết kết, đo may, làm các phụ kiện liên quan, quảng bá, phân phối sản phẩm…, từ đó có thể tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người.

Phục hưng áo dài là để từng bước đào tạo, bồi đắp, nâng tầm các nghệ nhân áo dài của Huế, để Huế có một đội ngũ nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu văn hóa Huế.

Và như thế, phục hưng áo dài sẽ góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của Cố đô Huế, nâng cao mức sống của người dân. Năm 2019, Thừa Thiên Huế đã đón hơn 4,8 triệu lượt khách; mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách; nếu Huế thực sự trở thành kinh đô áo dài, để khoảng 40-50% du khách đến Huế may áo dài, thì 10 năm nữa doanh thu từ ngành này có thể đạt khoảng 2.800-3.500 tỷ đồng hàng năm (trung bình mỗi khách chi 1 triệu cho may áo dài và các phụ kiện liên quan). Đó là một con số không hề nhỏ! Áo dài sẽ góp phần làm cho Huế trở thành một xứ sở giàu có mà vẫn đài các, sang trọng; bản sắc văn hóa Huế càng trở nên đậm đà, quyến rũ.

Vậy nhưng phục hưng áo dài không hề đơn giản!

Thời gian và những biến động lịch sử đã khiến thân phận chiếc áo dài trở nên mong manh. Nếu chiếc áo dài nữ may mắn được nhìn nhận và phục hưng một cách ngoạn mục, thậm chí đã trở thành biểu tượng về vẻ đẹp trang phục của người phụ nữ Việt Nam, thì chiếc áo dài nam lại long đong hơn. Cho đến nay, trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người Việt, áo dài nam vẫn bị gán ghép, đánh đồng với những gì được xem là cổ hủ, lạc hậu. Rất may là trong vài năm trở lại đây, áo dài nam đã từng bước được “giải oan”, được đối xử bình đẳng với áo dài nữ. Phong trào nghiên cứu, phục hồi cổ phục bao gồm cả áo dài nam và nữ, đưa di sản này vào cuộc sống đương đại đã được đông đảo giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Và Huế là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào này.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, triển khai đề án “Huế- kinh đô áo dài Việt Nam” là rất phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chủ trương “phát triển nhanh và bền vững, dựa trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế” mà Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ về con đường xây dựng và phát triển của Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày hội áo dài Huế 2020 chỉ là bước khởi đầu. Câu chuyện về áo dài hẳn còn rất dài bởi phía trước vẫn còn không ít khó khăn thử thách. Chúa Nguyễn Phúc Khoát, Vua Minh Mạng đã biến Huế thành quê hương của áo dài, kinh đô áo dài Việt Nam. Và di sản vô giá ấy đã được trao gửi cho thế hệ người Huế hôm nay. Di sản ấy có tỏa sáng và biến thành nguồn lực cho sự phát triển hay không đều là do chúng ta quyết định!

Bài, ảnh: Phan Thanh Hải

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *