Cùng về thăm làng chiếu Định Yên để khám phá những nét đặc sắc của nghề dệt chiếu truyền thống với tuổi đời hơn 100 năm ở Đồng Tháp.
Chinh phục thung lũng Ma Thiên Lãnh hoang sơ ở Tây Ninh – ‘Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ’Chùa Ông, Cần Thơ – cổ tự mang đậm vẻ đẹp Trung Hoa’Hot rần rần’ điểm check-in vàng rực hoa huỳnh liên hai bên đường ray xe lửa Sài Gòn
Làng chiếu Định Yên – làng nghề trăm năm tuổi
Nằm bên cạnh dòng sông Hậu hiền hòa có một ngôi làng nổi tiếng với nghề dệt chiếu lâu đời, đó chính là làng chiếu Định Yên Đồng Tháp. Thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, làng chiếu Định Yên có nguồn gốc từ đồng bằng ven biển Bắc Bộ (Thái Bình, Nam Định). Những lưu dân khi vào phương Nam sinh sống, lập nghiệp đã mang theo nghề dệt chiếu truyền thống tới nơi đây.
Làng chiếu Định Yên ở Đồng Tháp có nguồn gốc từ đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Ảnh: @nguyendat
Trải qua hơn 100 năm bền bỉ, lưu truyền theo hình thức “cha truyền con nối”, cho đến nay, nghề dệt chiếu đã trở thành nghề thủ công truyền thống ở làng Định Yên. Năm 2013, làng chiếu Định Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2013, làng chiếu Định Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: vnexpress
Để tới với làng chiếu Định Yên, từ thành phố Sa Đéc, du khách đi dọc theo quốc lộ 80 tầm 30km sẽ đến thị trấn Lấp Vò, sau đó đi thêm 3km thì rẽ trái khoảng 10km về phía sông Hậu là làng chiếu Định Yên với những bó lác nhuộm nhiều màu màu xanh, đỏ, vàng, tím… được phơi dọc bên lề đường.
Hình ảnh quen thuộc ở làng chiếu Định Yên với những bó lác nhiều màu phơi hai bên đường. Ảnh: @icepisces
Tới nơi đây, du khách sẽ cảm nhận được không khí rộn rã được tạo nên bởi âm thanh đặc trưng của những khung dệt thô sơ bằng gỗ, những chiếc máy dệt tự động, hay âm thanh của những người dân đang say mê với công việc truyền thống mà cha ông đã để lại bao đời nay.
Người dân Định Yên say mê bên khung dệt. Ảnh: baotayninh
Những công đoạn dệt chiếu tại làng Định Yên Đồng Tháp
Với đặc trưng của một vùng đất nhiều cồn và bãi bồi bên dòng sông Hậu, chính vì vậy, đất đai nơi đây rất phù hợp để nuôi trồng cây bố và cây lác, hai nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm chiếu Định Yên Đồng Tháp. Những sợi lác đơn sơ qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân Định Yên đã trở thành những chiếc chiếu rực rỡ, mịn màng, làm đẹp cho mỗi gia đình.
Những sợi lác là nguyên liệu chính để dệt nên sản phẩm chiếu Định Yên. Ảnh: @nguyendat
Cây lác được chọn để làm nguyên liệu dệt phải là những cây thật già, sợi đều, không quá to, có chiều dài phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Người dân sẽ đem những sợi lác này đi phơi khoảng từ 30 phút cho đến 1 tiếng, sau đó nhuộm lát trong nước sôi vởi đủ các màu xanh, vàng, đỏ,…
Những sợi lác được đem phơi dưới nắng trước khi nhuộm. Ảnh: baotayninh
Để cho màu nhuộm được chính xác và khó phai, người dân phải nấu phẩm màu lên, rồi nhúng từng chùm nhỏ vào nồi nhuộm, muốn có màu đậm hay nhạt thì điều chỉnh số lần nhúng. Với những màu đậm, thường sẽ phải nhúng từ 3 lần trở lên.
Công đoạn nhuộm lác. Ảnh: thegioihoinhap
Để dệt nên một chiếc chiếu đẹp với chất lượng cao, ngoài bước chọn lát và nhuộm màu, người dân nơi đây phải thực hiện nhiều công đoạn khác như se chỉ, thiết kế hoa văn, dệt, phơi khô sản phẩm thô, bẻ vành, may viền… Những công đoạn này đều đòi hỏi người thợ dệt phải có sự tỉ mỉ, khéo léo cùng một số bí quyết “gia truyền” để tạo ra những sản phẩm chiếu tinh xảo, bền đẹp.
Chiếu sau khi dệt sẽ được người dân đem phơi khô một lần nữa, sau đó sẽ được bẻ vảnh, may viền để hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: baomoi
Trong số đó, dệt chiếu là công đoạn đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao nhất. Dệt chiếu cần phải có hai người kết hợp, một người đưa thoi, luồn lác, người còn lại kéo thân cửi. Trong quá trình dệt, người thợ phải biết kết hợp màu sắc khéo léo, dệt sao cho ra hoa văn, họa tiết trên nền chiếu mà vẫn đảm bảo được sự hài hòa, cân đối trong tổng thể.
Dệt chiếu thủ công đòi hỏi kỹ thuật cao cần hai người kết hợp. Ảnh: vietnamplus
Với công việc như vậy, một ngày làm chăm chỉ thợ chiếu dệt thủ công chỉ có thể dệt được từ 3 đến 4 chiếc. Chính vì vậy, ngày nay, người dân Định Yên đã bắt đầu ứng dụng máy móc và công nghệ tiên tiến vào việc dệt chiếu. Số lượng chiếu sản xuất mỗi ngày một tăng, mẫu mã đẹp, bền, sắc nét, tuy nhiên các sản phẩm dệt thủ công bằng tay vẫn tinh xảo và mịn màng hơn hẳn.
Hiện nay, ở Định Yên, người dân đã sử dụng máy dệt để giảm thời gian, tăng số lượng sản phẩm mỗi ngày. Ảnh: tuoitre
Chiếu Định Yên có kích cỡ đa dạng cùng nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú, có chất lượng cao như chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu Trà Niên, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc, chiếu cổ…
Những chiếc chiếu Định Yên thành phẩm được phơi dưới nắng. Ảnh: @vitalphotography
Trong số đó, chiếu bông nổi và chiếu vảy ốc là khó dệt nhất, đòi hỏi người thợ dệt phải có kỹ thuật phân bố, bắt chữ lành nghề, tinh xảo, mỹ cảm nhạy bén. Với yêu cầu kỹ thuật cao như vậy, phải mất cả một ngày trời mới có thể dệt xong một chiếc chiếu và không phải ai trong làng cũng có thể dệt những mẫu chiếu này. Chính vì lẽ đó, chiếu bông nổi, chiếu vảy ốc thường được dệt bởi những người cao tuổi có tay nghề cao trong làng.
Chiếu bông nổi, chiếu vảy ốc thường được dệt bởi những người cao tuổi có tay nghề cao trong làng. Ảnh: vnexpress
GỢI Ý TOUR DU LỊCH MIỀN TÂY KHUYẾN MÃI
>> HCM – Đồng Tháp 2N1Đ – Du Xuân Làng Hoa Sa Đéc – Viếng Chùa Kiến An Cung từ 1.490.000đ
>> HCM – Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cần Thơ 3N3Đ – Khách Sạn 3 Sao từ 2.990.000đ
Bức tranh mộc mạc, giản dị nhưng đầy màu sắc của làng nghề “di sản trăm năm”
Tới với làng chiếu Định Yên Đồng Tháp, du khách sẽ phải ngỡ ngàng trước một không gian tràn đầy màu sắc của những sợi lác nằm rải rác từ trong nhà ra ngoài ngõ. Dạo bước dọc theo những con đường làng đơn sơ, mộc mạc, không khó để bặt gặp hình ảnh những người dân nơi đây miệng nói cười giòn tan nhưng đôi bàn tay nhuốm màu xanh đỏ vẫn đan những sợi lác nhanh thoăn thoắt.
Những đôi bàn tay nhuốm màu nhuộm lác của người dân Định Yên. Ảnh: baotayninh
Người dân nơi đây, từ trẻ tới già ai ai cũng quen thuộc, gắn bó với công việc dệt chiếu. Đàn ông thì phụ trách những công đoạn lựa chọn nguyên liệu như chặt cây bố, cây lác, phơi phóng và tước sợi, phụ nữ thì đảm đương việc nhuộm màu, dệt chiếu. Ngày này qua ngày khác, nhịp sống nơi đây vẫn cứ như vậy, tuy có phần thầm lặng, đơn điệu, nhưng họ vẫn chuyên tâm, cần mẫn và gắn bó với công việc này.
Người dân Định Yên từ trẻ tới già, ai ai cũng quen thuộc với công việc dệt chiếu. Ảnh: @vitalphotography
Từng bó lác được những người đàn ông Định Yên vui vẻ vận chuyển về làng để làm nguyên liệu dệt chiếu. Ảnh: baotayninh
Trong không gian ấm áp và gần gũi của một vùng quê yên bình ấy, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những người dân lao động nơi đây tự tay làm nên một chiếc chiếc như thế nào. Từng công đoạn, từng đường nét đều được người thợ làm từng bước cần mẫn, tỉ mỉ, gửi gắm biết bao tâm huyết cũng như tình cảm để dệt nên những chiếc chiếu đẹp hoàn hảo cho cuộc đời.
Người dân nơi đây đã gửi gắm biết bao tâm huyết cũng như tình cảm của mình vào từng manh chiếu mộc mạc, đơn sơ. Ảnh: vietnammoi
Tuy thăng trầm, vất vả, nhưng qua trăm năm bền bỉ cùng mảnh đất này, nghề dệt chiếu đã gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Định Yên. Cho dù có rất nhiều trăn trở về tương lai của làng nghề, nhưng người dân nơi đây vẫn luôn một lòng gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề dệt chiếu như một bản sắc truyền thống của dân tộc không thể phai mờ.
Trải qua hơn 100 năm bền bỉ, nghề dệt chiếu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Định Yên. Ảnh: mytour
Nếu có cơ hội tới du lịch Đồng Tháp, hãy một lần tới thăm làng chiếu Định Yên để được chiêm ngưỡng những sắc màu rực rỡ nơi đây và có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của những chiếc chiếu đơn sơ, mộc mạc đã gắn liền với đời sống người Việt từ ngàn xưa tới nay.
Hằng Lê (tổng hợp)
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
Nguồn: báo du lịch việt nam online