TTH – Cồn Dã Viên là một dải đất nổi lên giữa sông Hương, phía bên phải Kinh thành Huế. Trước đây, cồn có lúc thuộc địa phận làng Phú Xuân, khi thì thuộc làng Dương Xuân, ngày nay thuộc phường Phường Đúc quản lý. Mặc dù chỉ là một cồn nhỏ nhưng nhờ sứ mệnh Hữu Bạch Hổ (cùng Tả Thanh Long – Cồn Hến) trong chức năng phong thủy của Kinh thành Huế mà nơi đây trở nên nổi tiếng.
Dữ Dã viên ký của vua Tự Đức (trích Phan Thuận An, Nghiên cứu Huế)
Tên gọi Dã Viên được dân gian rút gọn từ tên gốc Dữ Dã viên (vườn Dữ Dã) có từ thời vua Tự Đức. Trước nữa thì người dân chỉ gọi nôm na là cồn hay cồn cát. Thư tịch cổ của làng Phú Xuân, như địa bạ thời Gia Long trở về trước ghi tên Tiểu Sa Châu (Cồn Cát nhỏ), trong tương quan với Đại Sa Châu (cồn Cát Lớn – cồn Hến) ở phía hạ nguồn; trong địa bạ làng Dương Xuân thì ghi là cồn Soi. Tuy nhiên, trong bản đồ cổ Giáp Ngọ bình Nam đồ, nơi đây lại được gọi Đại Sa Châu; còn cồn Hến lại được chú Thí trường, lục niên nhất khoa (trường thi, 6 năm mở 1 khoa, có thể có tên gọi Trường Thi chăng). Như vậy, hai hòn đảo nổi lên giữa sông Hương trước mặt Kinh thành Huế, trước đây chỉ được người dân gọi nôm na là cồn cát, chưa thấy có tên gọi về mặt hành chính.
Tên gọi chính thức Dã Viên có từ năm Tự Đức thứ 21 (Mậu Thìn 1868), khi vua cho giải tỏa 7 hộ dân sống trên cồn, đền bù hậu hĩ và cấp nơi ở khác để họ dời đi, lấy đất lập một khu vườn ngự cốt để nhà vua đến thưởng ngoạn trong những lúc “khó ở”.
Tên vườn Dữ Dã được lấy trong sách Luận ngữ, đoạn Khổng Tử hỏi học trò Tăng Tích (còn có tên là Điểm) về chí của mình thì được trả lời: “Buổi chiều mùa xuân, mặc áo xuân vừa may xong, cùng năm sáu bạn thanh niên, thêm sáu bảy đứa hầu trẻ đến tắm ở sông Nghi, hóng gió ở đàn Vũ Vu, ngâm vịnh rồi trở về”. Nghe xong, Phu tử liền thốt lên: “Ngô dữ Điểm dã”(ta tán thành với trò Điểm).
Đài nước Dã Viên nhìn từ miếu Thổ thần (Yên Ba)
Nói như vậy không có nghĩa là Khổng Tử tán thành chuyện học trò xa lánh việc nước, không cầu danh lợi bởi đương thời, ông là người bôn ba khắp nơi, mong đem sở học ra giúp rập chính sự, cho thiên hạ thái bình, bồi bổ dân trí, tôn trọng lễ nghĩa. Chỉ tiếc thời tao loạn, xã hội trọng gươm đao vũ lực nên việc dùng lễ nghĩa trị nước khó được chấp nhận. Về sau, ông trở thành một người thầy, đem sở kiến truyền lại cho học trò. Về mặt triết lý giáo dục, Khổng Tử chú trọng tùy tố chất của từng học trò mà truyền dạy kiến thức, cả sự dạy và sự học đều có chọn lọc, lấy con người làm trung tâm, nên “Ngô dữ Điểm dã” chính là vậy.
Có thể thấy rõ điều đó qua suy nghĩ của vua Tự Đức trong bài ký đề cập đến việc đặt tên khu ngự uyển này: “Lúc xuân hạ giao thời, giữa trưa nóng bức, cởi áo xuống sông, nước trong như gương, cọ rửa mồ hôi và cáu bẩn, bơi lội chốc lát. Lên lầu hóng gió, tựa lan can chải tóc, bỗng nhiên khắp mình sảng khoái, như uống sương đêm, móc ngọt. Ta có thể tưởng tượng được người xưa đi tắm ở sông Nghi và hóng gió ở đàn Vũ Vu là như thế nào. Đây cũng gọi là Dữ Dã được chăng?”.
Giữa trưa hè nóng bức mà được dầm mình trong làn nước trong xanh, mát lạnh của Hương Giang thì ai chẳng thích, vua Tự Đức tán thành điều đó cũng chẳng có gì lạ. Nhưng liệu đó có phải ý nghĩa của từ Dữ Dã? E rằng là không, bởi Dữ Dã là những điều được nhà vua kết luận trong đoạn cuối của bài văn bia: “Cho nên con người sinh ra ở đời, bất kể khốn cùng hay thành đạt, không thể không xem xét cái gì nên lấy, cái gì nên bỏ, dứt khoát rõ ràng, đừng để bị bên ngoài chi phối, thì bản tính tự nhiên không bị mờ tối mà mỗi sự vật cũng tự ở yên chỗ đương nhiên của nó, ấy cũng là ý nghĩa của Dữ Dã. Ta nào dám nghi ngờ, xin học theo đó. Có những điều tuy giăng bày trước mắt nhưng lại không để ý đến. Tuy nhiên, cái gọi là Dữ Dã, giải thích rằng con người muốn giành hết lẽ trời lưu hành đầy dẫy khắp nơi, không một thiếu sót nhỏ. Mà thiếu sót hiển nhiên có bên trong cùng với trời đất, muôn vật trên dưới song hành, mỗi mỗi đều có chỗ của nó. Ta được cái vườn này, tuy đã đền bù hậu hĩ và họ cũng vui vẻ tình nguyện, nhưng không biết giá cả đã thỏa đáng chưa. Bọn họ sau đó dời đến ở đâu, sinh sống thế nào, có nói năng gì không, biết hay chẳng biết về vườn Dữ Dã của ta? Nói chung, mỗi việc suy từ mình ra người như thế, ấy là ta ghi lại nỗi lòng ta, gọi là bài ký vườn Dữ Dã vậy”.
Với khu vườn Dữ Dã, nhà vua cũng đã có sự lựa chọn: lấy đất để làm vườn ngự uyển thay cho khu đất trồng rau của 7 hộ dân. Việc lựa chọn đó đúng hay sai? Chính nhà vua cũng rất phân vân, nhưng nỗi lòng của một bậc quân vương thì việc an cư lạc nghiệp của người dân trên cồn cũng quan trọng không kém sự sảng khoái của mình khi dầm mình trong làn nước trong xanh giữa trưa hè nóng nực. Điều nên lấy hay nên bỏ của kẻ thất phu chỉ ảnh hưởng một mình họ, cùng lắm là gia đình, nhưng sự chọn lựa của nhà vua lại ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh dân tộc. Đó mới là ý nghĩa của cái tên Dữ Dã.
Qua thời gian, việc chỉnh trang cảnh quan đôi bờ sông Hương trong bối cảnh đô thị sinh thái – Di sản Huế, giá trị và tinh thần của một Dữ Dã Viên từ thời Tự Đức càng được trân trọng, nhấn mạnh. Từ đó, công viên sinh thái xanh và quy hoạch khu vườn cổ điển là một sự lựa chọn, chuyển hóa đúng giá trị và tinh thần lịch sử văn hóa cốt lõi đó của Dữ Dã Viên. Tái hiện tính chất vườn ngự theo lối Huế cổ điển, nhưng vẫn lưu dấu tên gọi Dã Viên như một cách rút gọn Dữ Dã Viên đầy cô đọng, thân quen xưa nay, mới đúng tinh thần “sự nên lấy hay nên bỏ, tức là Dữ Dã vậy”.
Bài, ảnh: KHIÊM MINH
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”