TTH – Cuối năm 2020, HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Hiện nay, di tích này đang được Bảo tàng Lịch sử tỉnh chuẩn bị các bước để trùng tu.
Sau nhiều năm bị bỏ hoang, di tích Châu Hương Viên bị xuống cấp, hoang phế
Bảo tồn thích nghi
Theo dự án tu bổ, tôn tạo di tích Châu Hương Viên đang được Bảo tàng Lịch sử tỉnh lập các thủ tục xin phê duyệt, dự án sẽ tu bổ, phục hồi nhà chính, nhà phụ, bình phong, sân nền, hàng rào… với diện tích khoảng 300m2. Mục tiêu của dự án là bảo tồn các yếu tố gốc của di tích; tu bổ thích nghi công trình với công năng mới; tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật nhằm hồi sinh Châu Hương Viên.
Theo KTS. Phan Thuận Ý, đại diện Công ty Bình Dương, đơn vị tư vấn, dù di tích Châu Hương Viên bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng yếu tố gốc của công trình vẫn còn, đặc biệt là các kết cấu gỗ, các hoa văn chạm trổ trên gỗ. Vì vậy, đơn vị tư vấn đặt ra mục tiêu bảo tồn tối đa các yếu tố gốc của Châu Hương Viên, đồng thời tu bổ thích nghi công trình với công năng mới. Ngoài không gian thờ tự danh nhân Ưng Bình, sẽ xây dựng sân khấu làm nơi biểu diễn ca Huế, tuồng Huế, ngâm thơ…
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, việc trùng tu phục hồi di tích cần cố gắng giữ “tinh thần” của thiết kế công trình như ngày xưa, bảo tồn tối đa yếu tố gốc của di tích, yếu tố thích nghi (sân khấu biểu diễn) phải hoàn toàn phù hợp, không ảnh hưởng hay lấn át không gian cũ của di tích.
KTS. Phan Thuận Ý thông tin, trong quá trình khảo sát các cấu kiện gỗ ở di tích Châu Hương Viên đã phát hiện dấu vết của đinh đóng trên các trụ cột để treo các bức hoành phi, câu đối. Bà Ý kiến nghị ngành văn hóa liên lạc với gia đình nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, con gái cụ Ưng Bình đang sống tại TP. Hồ Chí Minh để vận động “hồi hương” lại các hiện vật này nhằm trang trí, tái hiện phần nào không gian xưa.
Tái hiện không gian xưa
Để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Ưng Bình tại Châu Hương Viên, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu, các cơ quan liên quan.
Ông Lê Viết Xuân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh lưu ý, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cần dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tế. Vì thế, cần bảo tồn những yếu tố nguyên gốc còn lại, các yếu tố hư hại không thể phục hồi thì bảo tồn thích nghi trên cơ sở hài hòa với yếu tố gốc. Về phương thức phát huy, đơn vị quản lý di tích cần kết nối với các tour, tuyến phù hợp trên trục đường này về cả đường bộ và đường thủy.
Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế bày tỏ vui mừng: “Di tích được trùng tu là niềm vui với nghệ sĩ chúng tôi. Hy vọng trong tương lai, đây không chỉ là địa chỉ biểu diễn ca Huế mà còn là nơi để các câu lạc bộ thơ ca luân phiên tổ chức sinh hoạt”.
TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế đề xuất, sau khi Châu Hương Viên được trùng tu, mô hình quản lý theo phương thức xã hội hóa là hướng đi để làm sống lại di tích.
Để phát huy hiệu quả giá trị di tích sau khi trùng tu, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Phan Thanh Hải đề nghị Bảo tàng Lịch sử xây dựng phương án khai thác, phát huy giá trị trước mắt và lâu dài: “Di tích Châu Hương Viên được trùng tu là dấu ấn quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể, gắn liền với danh nhân có công rất lớn trong việc phát triển thơ văn, tuồng, ca Huế. Trùng tu là bước khởi đầu để làm “sống lại” di tích, tiếp theo cần tính đến việc khai thác di tích này, như tổ chức biểu diễn ca Huế phục vụ du lịch. Vì vậy, bên cạnh trùng tu phục hồi ngôi nhà, chúng ta phải hình dung đến việc tái tạo không gian bên trong và ngoài di tích, tạo không gian cảnh quan lối đi, kết nối với sông Hương để du khách có thể đến Châu Hương Viên bằng đường thủy…”.
Bài, ảnh: MINH HIỀN
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”