TTH – Sau gần 3 năm thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật Huế vẫn chưa có trụ sở chính. Địa điểm bảo tàng ở đâu, diện mạo như thế nào là điều khiến giới mỹ thuật băn khoăn.
Ngoài không gian trưng bày trong nhà, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần có không gian ngoài trời để tổ chức trưng bày, trình diễn (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
3 năm chưa có trụ sở
Bảo tàng Mỹ thuật Huế được thành lập tháng 12/2018 đáp ứng mong mỏi nhiều năm nay của các nghệ sĩ và công chúng. Khi mới thành lập, dự kiến trụ sở bảo tàng sẽ đặt tại số 10 Lý Thường Kiệt và trong tương lai, tỉnh sẽ bố trí không gian trưng bày mỹ thuật Huế tại một vị trí phù hợp, khang trang hơn trên tuyến đường Lê Lợi. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thành lập, đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Huế vẫn chưa có trụ sở chính.
Chưa có trụ sở, Bảo tàng Mỹ thuật Huế gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện và phát huy các chức năng, nhiệm vụ. Không có không gian trưng bày, dù bảo tàng được đầu tư cho công tác sưu tầm tác phẩm, nhưng tranh, tượng mua về cũng chỉ cất vào kho. Hơn 100 tác phẩm chưa thể phát huy giá trị do chưa có nơi trưng bày. Kho lưu trữ ở Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị có diện tích nhỏ, không đảm bảo được cho công tác bảo quản tác phẩm, không thể phân loại tác phẩm dù mỗi chất liệu yêu cầu điều kiện bảo quản khác nhau.
Ngoài trưng bày tác phẩm của hai nghệ sĩ Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Mỹ thuật Huế còn phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, do điều kiện không gian chật hẹp, bảo tàng phải giới hạn các hoạt động, chưa thể đáp ứng mong muốn của nghệ sĩ và công chúng. Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế trăn trở: “Nhiều đơn vị đến khảo sát nhưng thấy không gian trưng bày của bảo tàng không đáp ứng, đặc biệt là các triển lãm chuyên đề nên rút lui. Nếu có trụ sở, bảo tàng sẽ tổ chức tốt hơn các hoạt động phối hợp, giao lưu trong và ngoài nước”.
Bảo tàng Mỹ thuật Huế gặp khó khăn trong hoạt động do chưa có trụ sở (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật cho rằng, địa điểm của Bảo tàng Mỹ thuật Huế được nhiều người quan tâm, đặc biệt là anh em văn nghệ sĩ. Trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật Huế là thiết chế văn hóa cần thiết cho thành phố, nhưng mấy năm rồi vẫn chưa có mặt bằng cụ thể. Hiện tại, Hội Mỹ thuật rất khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động lớn, nhất là những sự kiện mang tính toàn quốc. Đa phần là chắp vá, mượn chỗ này, chỗ kia rất vất vả. Lâu nay, không có không gian trưng bày rộng rãi, mỗi lần triển lãm, Hội Mỹ thuật phải lựa chọn những tác phẩm có kích thước vừa phải, điều này hạn chế năng lực sáng tạo của nghệ sĩ. Nhiều người tìm tòi thể hiện những tác phẩm khổ lớn, nhưng không có mặt bằng để trưng bày nên phải vẽ tác phẩm kích thước vừa phải.
Việc đối ngoại của bảo tàng cũng rất khó khăn, nhất là hợp tác, liên kết với các đối tác. Theo PGS. TS. Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, điều này khiến Bảo tàng Mỹ thuật Huế chưa thể hiện được vị trí, vai trò. Ông băn khoăn: “Bảo tàng ra đời nhưng chưa có địa điểm là chưa tồn tại một cách chính danh, gây cảm giác bất an với giới mỹ thuật. Nó cũng gây tâm lý ngượng ngùng khi bảo tàng làm việc với các đối tác. Người ta hỏi thì không biết nói sao vì chưa có địa chỉ cụ thể. Một số người muốn hiến tặng tác phẩm cho bảo tàng, hỏi tác phẩm trưng bày chưa, tôi không biết trả lời thế nào”.
Tìm vị trí thích hợp
Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, chọn địa điểm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế cần hướng cái nhìn về tương lai, với tầm nhìn hàng trăm năm, không nên nghĩ tác phẩm chưa có gì nên tạm sử dụng trụ sở nhỏ. HĐND tỉnh nhiệm kỳ trước đã có cái nhìn đúng cho tương lai khi đề nghị sử dụng trụ sở UBND tỉnh làm Bảo tàng Mỹ thuật Huế, sau khi UBND tỉnh chuyển đến cơ sở mới.
Cùng ý kiến trên, PGS. TS. Phan Thanh Bình cho rằng, bảo tàng là bộ mặt của thành phố nên vị trí phải nằm ở trung tâm. Chủ trương quy hoạch không gian văn hóa trên tuyến đường Lê Lợi của tỉnh là đúng, vậy nên, Bảo tàng Mỹ thuật Huế nằm trên đường Lê Lợi là lý tưởng nhất. Quy mô không gian bảo tàng phải đủ lớn để tổ chức các hoạt động. “Trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Huế chưa có trụ sở thì địa điểm 15 Lê Lợi bỏ hoang mấy năm nay rất lãng phí. Việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã đề cập suốt 30 năm qua, nay đã ra đời nhưng địa điểm cụ thể vẫn chưa có. Lãnh đạo tỉnh nên quan tâm giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Bình nhấn mạnh.
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức nêu ý kiến, không nên chọn một công sở nào đó không sử dụng nữa để chuyển đổi chức năng làm bảo tàng. Không gian bảo tàng phải được quy hoạch, thiết kế, xây dựng đàng hoàng để sử dụng đến hàng trăm năm, mang lại giá trị bền vững. Không đòi hỏi phải hoành tráng, hiện đại mà ít nhất phải có một không gian đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của bảo tàng. Nếu đầu tư xứng đáng, bảo tàng sẽ thu hút rất nhiều khách tham quan.
Hiện Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã xây dựng đề án xúc tiến việc hình thành không gian trưng bày tác phẩm của bảo tàng. Căn cứ đề án “Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế” trên trục đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền của UBND tỉnh, bảo tàng đề xuất địa điểm bảo tàng phù hợp với đề án để có thể phát huy giá trị, thu hút khách tham quan.
Bài, ảnh: MINH HIỀN
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”