“Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cần được triển khai nhanh, đồng bộ, xuyên suốt, tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế vào Việt Nam trong thời gian tới”, đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam” diễn ra sáng 21/12.
Khoảng 270 nghìn lượt khách quốc tế đến Huế trong năm 2022
Cùng chủ trì hội nghị tại Chính phủ với Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Tại Thừa Thiên Huế, tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Chưa đạt mục tiêu khách quốc tế
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trăn trở, so với trong khu vực, Việt Nam mở cửa du lịch sớm hơn, nhưng thu hút khách quốc tế đến trong năm 2022 lại ít hơn, chỉ 3,5 triệu lượt, đạt trên 70% so với kế hoạch 5 triệu lượt khách.
Trong khi đó, một số nước trong khu vực vượt kế hoạch đề ra, như Thái Lan ước đón 10 triệu khách quốc tế; Malaysia đón 9,2 triệu khách quốc tế; Singapore đón 6 triệu khách quốc tế năm 2022…
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong hoàn cảnh mới, cơ hội mới như hiện nay, cần có tư duy và cách làm mới, quyết liệt, hiệu quả để thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị cần làm rõ các nguyên nhân tại sao Việt Nam lại “đi trước, về sau” trong phục hồi du lịch quốc tế. Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các cơ quan liên quan chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo, đủ sức hút du khách quốc tế hay chưa?…
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có nhiều nguyên nhân khiến khách quốc tế đến Việt Nam không đạt mục tiêu đề ra.
Về khách quan, chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “không COVID” và đến nay vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Về chủ quan, dù chính sách visa vẫn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu.
Thời hạn miễn thị thực 15 ngày là ngắn, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, thường đi du lịch 3-4 tuần, giảm năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam chưa phát huy hiệu quả do thiếu nguồn lực. Do chưa có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, nhất là tại các thị trường trọng điểm. Điều này dẫn đến thu thập, phân tích, cập nhận dữ liệu thị trường chưa thường xuyên, thiếu tính chủ động trong xây dựng sản phẩm phù hợp.
Du khách trải nghiệm làm nhang khi đến với Cố đô
Nhiều nhóm giải pháp
Năm 2023, Việt Nam phấn đấu thu hút khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Thủ tướng xem xét, đề xuất áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ. Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam và đi lại trong nước, tăng nguồn thu từ khách du lịch.
“Quan trọng nhất vẫn là xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của khách du lịch. Ngành sẽ tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… Củng cố cơ sở vật chất phục vụ các yêu cầu chuyên biệt của một số nhóm khách đang là thị trường tiềm năng như khách đạo Hồi, đạo Hindu, khách ăn chay…
Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Ngoài ra, sẽ có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại. Tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Xây dựng kế hoạch đào tạo bổ sung mới đảm bảo đủ nguồn nhân lực thiếu hụt do việc chuyển việc, thôi việc nhân sự du lịch thời gian vừa qua, có thể thu hút nhân sự lĩnh vực khác chưa qua đào tạo du lịch để bồi dưỡng, đào tạo nhanh nhân sự du lịch.
Phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cần tập trung vào hai giải pháp thị trường và sản phẩm. Có nhiều thị trường trước đây rất quan trọng nay không còn vai trò như trước, nên cần nắm bắt xu hướng, định hướng các thị trường để doanh nghiệp tập trung khai thác.
Về sản phẩm, trách nhiệm lớn về doanh nghiệp, song Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn. Làm sao đó, trong năm 2023 cân đối được thị trường nội địa, lẫn quốc tế để du lịch Việt Nam đi trên “hai chân” vững chắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì đầu cầu Thừa Thiên Huế
Tổng lực để thúc đẩy thu hút khách quốc tế
Tại đầu cầu Thừa Thiên Huế, năm 2022, ngành du lịch Cố đô cũng gặp những khó khăn tương tự. Tổng lượt khách du lịch đến ước đạt 2,05 triệu lượt; trong đó, chỉ khoảng 270 nghìn lượt khách quốc tế. Với lượng khách du lịch quốc tế như thế, vẫn chưa đạt như mục tiêu đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, kế hoạch của tỉnh trong năm 2023, phấn đấu đón khoảng 3 – 3,5 triệu lượt khách; trong đó, có khoảng 1 – 1,2 triệu lượt khách quốc tế.
Trong thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao với các sản phẩm mới có tính đặc thù của địa phương bên cạnh sản phẩm văn hóa – di sản, đó là: du lịch chăm sóc sức khỏe, tâm linh, nông thôn, một số lễ hội có tính thu hút khách cao; tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, nhất là giải pháp về công nghệ số, chiến lược truyền thông quảng bá du lịch; các chương trình kích cầu du lịch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư và khởi công mới các dự án hạ tầng kết nối các điểm du lịch; xúc tiến đầu tư khai thác các đường bay mới từ các thị trường du lịch tiềm năng khi nhà ga quốc tế T2 của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đi vào hoạt động…
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển Du lịch đến năm 2030 với mục tiêu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 – 50 triệu lượt, đóng góp 14-15% GDP, nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên đến trên 50%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những nhiệm vụ sắp đến là rất nặng nề. Vì vậy, một số điểm “yếu”, điểm “nghẽn” của ngành du lịch đã được mổ xẻ cần được khắc phục sớm.
Về những giải pháp, kiến nghị của các đại biểu là sát đáng, cấp thiết để thúc đẩy khai thác khách quốc tế tốt hơn. Chính phủ sẽ sớm ban hành những chính sách mới, phù hợp với thực tiễn. Phía các Bộ, ngành Trung ương; các địa phương và nhất là vai trò của doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa mới có thể thúc đẩy thu hút khách quốc tế trở lại một cách an toàn và bền vững.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”