Du lịch nội địa đã chính thức được khởi động trở lại. Để sự trở lại lần thứ 4 này thuận lợi, doanh nghiệp du lịch đang cần thêm những trợ lực mới.
Du lịch nội địa đã chính thức được tái khởi động (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Động lực để lữ hành trở lại
Trong buổi phát động tái khởi động du lịch nội địa được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức trực tuyến vào ngày 28/9 vừa qua, vai trò của doanh nghiệp lữ hành được đặc biệt nhấn mạnh trong giai đoạn sắp đến. Bởi bước vào giai đoạn phục hồi mới, đòi hỏi yêu cầu cao về giám sát, chặt chẽ về thông tin; thay vì xu hướng đi tự do, khó kiểm soát thì nay đòi hỏi phải tổ chức các tour khép kín, có lịch trình cụ thể, điểm đến cụ thể… với mục tiêu tổ chức các tour an toàn nhất có thể.
Vai trò của lữ hành được khẳng định là như thế, song việc triển khai, hoạt động là một câu chuyện khác. Theo Hội Lữ hành tỉnh, dịch bệnh kéo dài 2 năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp làm thủ tục ngừng kinh doanh để lấy tiền ký quỹ làm nguồn vốn chuyển sang hình thức kinh doanh khác. Hay việc dồn lực cho nhiều chương trình kích cầu trước đó (3 đợt), càng khiến một số doanh nghiệp không còn “nguồn năng lượng” như trước. Do đó, để trở lại và phát huy vai trò như đã được nhấn mạnh là chuyện không hề dễ.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Du lịch Huetourist cho rằng, nói trở lại ai cũng mong muốn, song trở lại như thế nào là điều cần có kế hoạch cụ thể. Trước những biến động thị trường du lịch đã được chứng minh thời gian qua, lữ hành Huế rất cần được hỗ trợ về định hướng thị trường thật cụ thể. Khách nào sẽ đến Huế trong thời gian đến, nhu cầu là những gì, từ đó lữ hành mới có những sản phẩm, tour tuyến phù hợp, tránh dàn trải như trước.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin, đầu tháng 9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành. Trước đây, đối với lữ hành kinh doanh nội địa phải ký quỹ 100 triệu đồng; lữ hành quốc tế nhận khách quốc tế vào Việt Nam ký quỹ 250 triệu đồng; còn lữ hành đưa khách ra nước ngoài du lịch ký quỹ 500 triệu đồng. Các doanh nghiệp lữ hành sẽ được giảm 80% tiền ký quỹ đến hết năm 2023. Đồng thời cũng có quy định giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
Theo ông Phúc, giảm tiền ký quỹ là biện pháp hỗ trợ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành mới muốn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này. Tín hiệu mừng là mới đây đã có 2 doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đăng ký thành lập mới. Có lẽ, nhiều doanh nghiệp, người làm du lịch đã nhận thấy thời điểm thích hợp để trở lại với ngành công nghiệp “không khói”.
Cần có nghiên cứu thị trường để chủ động sản phẩm cung ứng thời gian đến
Mong muốn hỗ trợ giá thuê đất
Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh, có nhiều chính sách đã và đang giúp cho doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn này. Song có hai yếu tố mà doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ. Thứ nhất là hoãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên và tiền thuê đất. Đối với giải pháp tạm thời dừng đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi hoạt động trở lại là cách giúp doanh nghiệp giữ chân được nhân lực du lịch chất lượng. Khi đã làm thủ tục thất nghiệp sẽ rất khó để thu hút lại được nguồn lao động đã được đào tạo bài bản trước đó.
Về giá thuê đất, dù gần 2 năm qua, các khách sạn đều khó khăn về nguồn thu, song vẫn đóng tiền thuê đất đầy đủ. Các khách sạn ở khu vực trung tâm thành phố có mức đóng rất cao, như Khách sạn Indochine Palace 7 tỷ đồng/năm, Khách sạn Century 6,8 tỷ đồng/năm, Khách sạn Hương Giang gần 6,5 tỷ đồng/năm, Khách sạn Saigon Morin 3,6 tỷ đồng/năm, Khách sạn Mường Thanh 1,8 tỷ đồng/năm…
Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh mong muốn, 2 năm qua, các khách sạn gần như dừng hoạt động, hoặc có cũng chỉ cầm chừng. Không có nguồn thu, song hàng tháng phải đóng trên dưới 500 triệu đồng tiền thuê đất, con số vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp lúc này. Đối với các khách sạn thuộc tập đoàn, phần nào sẽ có sự bảo hộ tốt hơn từ tập đoàn. Còn những khách sạn tư nhân, nguồn vốn kinh doanh chủ yếu từ ngân hàng, nay thật sự khó khăn. Sẽ không khó để thấy các khách sạn rao bán trong thời gian qua.
“Để tái khởi động trở lại, các doanh nghiệp lưu trú hiện đang rất cần những chính sách mang tính căn cơ hơn, đặc biệt là giảm tiền thuê đất”, ông Nguyễn Hữu Bình đề xuất.
Lãnh đạo Sở Du lịch thừa nhận, đây đang là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp kinh doanh lưu trú. Thời gian quan ngành cũng đã có nhiều đề xuất, kiến nghị đến các cấp, lãnh đạo tỉnh và Tổng cục Du lịch. Song đây là những quy định vượt thẩm quyền.
Ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, trước đây, lãnh đạo tỉnh cũng đã chủ trì cuộc làm việc để tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh khách sạn. Nhưng còn nhiều quy định hiện hành không thể có cơ chế riêng cho các khách sạn. Cuối tháng 9/2021, Chính phủ vừa ban hành Quyết định hỗ trợ giảm 30% tiền thuê đất cho các doanh nghiệp. Khi có hướng dẫn, sở sẽ thông báo và tạo mọi điều kiện, thủ tục để doanh nghiệp kinh doanh khách sạn sớm nhận được chính sách.
Vừa qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong địa bàn toàn tỉnh, nhằm chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn phục hồi sắp đến.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”