Việc áp dụng công nghệ vào các sản phẩm du lịch, xúc tiến và quảng bá đã nâng cao hiệu quả, khả năng làm hài lòng du khách khi đến Huế.
Nhìn Huế từ trên cao bằng ứng dụng hình ảnh 360 độ
Thuận lợi cho du khách
Ngày 1/7/2018, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh áp dụng hệ thống thủ tục Biên phòng điện tử kết nối Cổng thông tin điện tử một cửa Quốc gia đối với các tàu du lịch biển khi cập cảng Chân Mây. Việc này giúp công tác kiểm soát khách xuất nhập cảnh chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn và, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách. Trước đây, khi chưa áp dụng thủ tục, phải mất 2 – 3 tiếng đồng hồ mới làm xong thủ tục để khách xuống tàu, nay chỉ còn khoảng 30 phút.
Đại diện Công ty Saigontourist chia sẻ, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh đã tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng các tour tham quan Huế và khu vực miền Trung phù hợp hơn, tăng thời gian tham quan TP. Huế, du khách sử dụng được nhiều dịch vụ và tăng mức chi tiêu tại Huế.
Một khó khăn không riêng Huế mà của nhiều địa phương là tình trạng thiếu hướng dẫn viên, nhất là tiếng hiếm. Anh Lê Đình Huy, Phó Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên thông tin, nếu đoàn khách tàu biển có số lượng lớn từ cảng Chân Mây lên TP. Huế tham quan, hướng dẫn viên sẽ không thể cung ứng đủ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của các chuyến tham quan.
Du khách làm thủ tục qua Cảng Chân Mây
Khó khăn này phần nào được giải quyết khi trong tháng 6/2019, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế áp dụng công nghệ Audio guide, tự động hóa việc thuyết minh cho khách tham quan, nhất là khách quốc tế và khách ngôn ngữ hiếm. Ngoài tiếng Việt, những nội dung thuyết minh được dịch ra 11 ngôn ngữ khác, gồm tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Thái, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Ý và Bồ Đào Nha. Có 5 điểm được triển khai dịch vụ này, gồm Đại Nội, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, chùa Thiên Mụ. Đại Nội và lăng Tự Đức là hai điểm được áp dụng đầu tiên.
Thời gian qua, du lịch Huế triển khai ứng dụng hỗ trợ du khách trải nghiệm du lịch bằng công nghệ hình ảnh 360 độ. Công nghệ hình ảnh này vừa quảng bá, truyền thông và xúc tiến du lịch, được tích hợp dịch vụ du lịch thông minh trên nhiều thiết bị, như màn hình cảm ứng, điện thoại, máy tính, máy tính bảng… để hỗ trợ du khách.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho hay, với ứng dụng công nghệ 360 độ, người dân cũng như du khách có thể quan sát TP. Huế từ trên cao; tổng thể các điểm du lịch như Đại Nội, hệ thống lăng tẩm, chùa Thiên Mụ… Cùng với đó là nội dung thuyết minh cho từng điểm đến ngắn gọn, súc tích. Ứng dụng này còn tích hợp tính năng chỉ đường cho du khách đến với các điểm tham quan. Bước đầu được du khách đánh giá rất cao về tính tiện ích.
Những ứng dụng công nghệ có thể kể đến công nghệ thực tế ảo, giúp du khách thấy tận mắt hoàng cung của 200 năm về trước, cũng tạo sự mới lạ cho du khách. Công tác quản lý Nhà nước, ngành du lịch cũng đã áp dụng phần mềm “Nhận, gửi báo cáo thống kê du lịch” giúp quản lý một cách hiệu quả và khoa học nguồn số liệu từ các báo cáo kết quả kinh doanh; giúp việc quản lý thuận lợi, hạn chế được tình trạng khai báo không đúng số lượng khách đi đến Huế.
Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh
Huế đang triển khai xây dựng đô thị thông minh, việc áp dụng các ứng dụng cộng nghệ mới sẽ làm phong phú thêm cho hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần đáp ứng nhu cầu trải nghiệm công nghệ cao, cung cấp hình ảnh một cách tiện lợi, hiệu quả với chi phí thấp nhất cho du khách.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND về việc triển khai “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Yêu cầu đặt ra là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả. Kế hoạch đến năm 2020 sẽ đầu tư hạ tầng cơ bản phục vụ phát triển dịch vụ du lịch thông minh; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông ngành du lịch trên nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh… Đến năm 2025, phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với hệ tri thức Việt, số hóa và các mô hình đô thị thông minh…
Lãnh đạo ngành du lịch cho biết, bước đầu tiên của kế hoạch trên là xây dựng App về du lịch Huế. Với ứng dụng App này, không chỉ cung cấp thông tin đầy đủ cho du khách và có tính năng cảnh báo, tiếp nhận và phản hồi những phản ánh, hình ảnh chưa tốt của du lịch, hướng đến môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, ngành du lịch đang trong quá trình hình thành các trạm cung cấp thông tin ở TP. Huế. Tại các trạm, ngoài những hỗ trợ thông tin mang tính truyền thống còn trang bị nhiều thiết bị hiện đại để hỗ trợ tốt hơn cho du khách.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
Nguồn: báo TT huế