Kết thúc năm 2018, du lịch Huế tăng trưởng 14%, con số được đánh giá cao, tuy nhiên về chiều sâu, du lịch vẫn còn nhiều vấn đề và sẽ là thách thức trong năm 2019.
Chưa thể có đột phá
Năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Huế đạt 4,3 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Riêng với khách quốc tế đã cán mốc 2 triệu lượt, tăng đến 30%. Nhưng qua một năm để nhìn nhận lại, lõi sản phẩm chính để thu hút khách, giữ khách của Huế vẫn còn thiếu, kéo theo số ngày lưu trú, mức chi tiêu của khách chưa đạt như mong muốn…
Khách du lịch mua hàng lưu niệm khi dừng chân tại cảng Chân Mây. Ảnh M.Lê
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho hay, ngành chỉ đặt tăng trưởng trong năm 2019 chỉ khoảng 8%, cụ thể đón khoảng 4,5 – 4,7 triệu lượt khách. Lý do mà ngành đặt chỉ tiêu khiêm tốn như thế là bởi trên thực tế, trong năm 2019, du lịch Huế chưa thể có những yếu tố để tạo tính đột phá, về cơ sở hạ tầng cho đến sản phẩm du lịch vẫn chưa có cái mới.
Mới đây, trong các gặp gỡ của ngành du lịch với các doanh nghiệp du lịch để lắng nghe những khó khăn, tồn tại của du lịch Huế, các doanh nghiệp thẳng thắn đánh giá, hạn chế cốt lõi của Huế vẫn là sản phẩm du lịch quá đơn điệu. Để phần nào tăng thêm sản phẩm cho Huế, trong năm 2018, ngành du lịch đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát về tour du lịch tâm linh, làng nghề, nhà vườn… nhưng chưa mang lại hiệu quả, lý do là chính nội tại của các điểm đến, người dân chưa sẵn sàng, kết nối giao thông còn khó khăn…
Đến đầu năm 2019, Huế có 93 doanh nghiệp lữ hành; trong đó, 46 lữ hành quốc tế. Lãnh đạo ngành du lịch cho hay, lữ hành Huế đang giải quyết được lượng khách đến Huế rất ít, chưa đến 200 ngàn lượt cả quốc tế và nội địa trong tổng số 4,3 triệu khách. Dù đã rất cố gắng nhưng rõ ràng, Huế đang rất bị động và phụ thuộc vào nguồn khách từ hai đầu đất nước đưa đến. Khi đã bị động kéo theo những tồn tại khác, không thể chủ động xây dựng các sản phẩm, số ngày lưu trú ở Huế cũng không thể quyết định.
Theo ông Lê Hữu Minh, để Huế có đột phá, ít nhất phải qua năm 2020, khi hạ tầng được đầu tư, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài nâng công suất lên 6 triệu khách/năm; về sản phẩm du lịch, không gian văn hóa, nghệ thuật ở đường Lê Lợi mới đưa vào khai thác; về cơ sở lưu trú, cuối năm 2019 đâu 2020, Khu nghỉ dưỡng Địa Trung Hải đưa vào hoạt động, Khu du lịch Quốc tế Minh Viễn đưa vào sử dụng khoảng 600 phòng, Laguna Lăng Cô có thêm khoảng 5.000 phòng, đến năm 2020, lưu trú cao cấp của Huế sẽ gấp 6 lần hiện tại, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Đánh giá lại sản phẩm
Lãnh đạo tỉnh nhiều lần khẳng định, mục tiêu tăng số lượng khách là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là làm sao khách ở lại lâu hơn với Huế và tăng mức chi tiêu của khách. Để làm được điều này Huế phải có nhiều sản phẩm, chất lượng phải tốt hơn. Do đó, 2019 là năm tăng cường sự chuẩn bị về số lượng cũng như chất lượng của du lịch Huế.
Như thông tin từ ngành du lịch, năm 2019 Huế là năm bản lề, chờ đợi bùng nổ trong năm 2020. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho sự bùng nổ đó, Huế còn một loạt vấn đề cần được khắc phục. Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội – Chi nhánh Huế góp ý, ngành cần thẳng thắn đánh giá lại các sản phẩm du lịch hiện nay, sản phẩm nào hay, chưa tốt để có sự chọn lọc, sau đó hỗ trợ phát triển, chứ không thể quá nhiều sản phẩm nhưng không tinh và nhỏ lẻ. Khi đã đánh giá đúng về sản phẩm mới có thể định hướng hoặc liên kết các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, khai thác chung thị trường để nâng cao sức mạnh của doanh nghiệp Huế.
Ông Lê Hữu Minh cho hay, đánh giá lại các sản phẩm rất cần thiết, do đó, trong năm 2019 ngành sẽ thực hiện. Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành lập hội đồng để có thể đánh giá, góp ý chính xác, phù hợp với từng thị trường khách để có kế hoạch xúc tiến quảng bá phù hợp.
Tăng cường liên kết, đón các đoàn famtrip đến Huế khảo sát tour tuyến và famtrip Huế đi các thị trường khảo sát và tăng cường hợp được cho là giải pháp tối ưu đối với Huế trong việc chủ động nguồn khách. Chị Hồ Thị Sương Lan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Phong Lan Việt cho rằng, đối với các đoàn famtrip cần có sự đánh giá, lựa chọn những nhóm doanh nghiệp cùng thị trường khách để có sự đón tiếp và liên kết hiệu quả hơn. Lâu nay, nhiều đoàn đến, nhưng hiệu quả chưa cao.
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế chia sẻ, Tổ chức Du lịch thế giới mới đưa ra thông điệp, dù thế giới có thay đổi như thế nào, du lịch vẫn phát triển với tốc độ cao trên toàn thế giới, luôn đạt trung bình từ 12 – 15% bởi nhu cầu du lịch đã hiện hữu, không thể thiếu trong các nước phát triển và cả các nước đang phát triển. Sự chủ động là điều bắt buộc của mọi điểm đến. Có thể Huế hiện chưa làm tốt một số vấn đề, nhưng điều cần thiết phải làm là xây dựng sản phẩm, chất lượng dịch vụ tốt nhất, có chiêu sâu.
Ông Lê Hữu Minh cho biết, năm 2019, ngành du lịch phấn đấu đạt từ 4,5 – 4,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 8% so với năm 2018; trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40 – 45%; khách lưu trú đạt từ 2,2 – 2,3 triệu lượt, doanh thu du lịch ước đạt từ 4.700 – 4.900 tỷ đồng.
Đức Quang
Nguồn: Báo TT Huế