TTH – Được định hình trên bản đồ du lịch Huế nói chung và vùng dọc theo bờ biển nói riêng, tháp Chăm Phú Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) mới đây đã được xác lập với 2 kỷ lục Thế giới và Việt Nam. Việc được xác lập kỷ lục không chỉ để vinh danh mà còn mở ra cơ hội bảo tồn, phát huy giá trị gắn liền với phát triển du lịch.
Tháp Chăm Phú Diên hiện được bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Kỷ lục tháp chìm sâu dưới cồn cát
Hai kỷ lục là “Tháp Phú Diên – Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam” (do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings xác lập) và “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới” (Liên minh Kỷ lục Thế giới – WorldKings xác lập).
Việc xác lập này là tín hiệu đáng mừng trong việc tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa đối với bạn bè trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh cho biết, tháp Chăm Phú Diên được phát hiện vào năm 2001 bởi nhóm công nhân khai thác khoáng sản titan, khi đó là khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát từ 5 – 7m so với mặt đất.
Các ngành chức năng sau đó đã triển khai công tác bảo vệ và tiến hành khảo sát, thám sát địa điểm này. Thời điểm đó, theo ông Lộc, việc phát hiện này đã thực sự thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Nhìn tổng thể, tháp Chăm Phú Diên là một khối kiến trúc hình chữ nhật. Càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần với các thành phần khác nhau như móng tháp, chân đế tháp, thân và diềm mái tháp, dưới móng tháp là một lớp đá sạn cuội làm nền cho đế tháp. Theo các chuyên gia nghiên cứu, tháp Chăm Phú Diên là một trong những công trình kiến trúc gạch Chăm Pa sớm nhất còn lại ở khu vực miền Trung, khoảng thế kỷ VIII.
“Vị trí độc đáo, quá trình phát hiện tháp và giải pháp bảo tồn như đã tiến hành trong gần 20 năm qua đã thành công nhất định. Có thể khẳng định đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử. Sự có mặt của các hiện vật Yoni bằng đá, bình gốm… trong lòng tháp Chăm Phú Diên là những hiện vật đặc trưng cho việc thờ cúng của dân tộc Chăm xưa nay”, ông Lộc nhận định. Năm 2001, di tích này được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia. Di tích này sau đó cũng được trùng tu với các hạng mục như dựng phần mái, vách nhà kính bảo vệ tháp, quét phụ gia chống ăn mòn bề mặt tháp, xây dựng hệ thống thu gom nước xung quanh tháp…
Vừa bảo tồn, vừa tìm cơ hội phát triển du lịch
Không chỉ có giá trị lịch sử, từ khi phát hiện cho đến nay tháp Chăm Phú Diên đã hiện diện trên bản đồ du lịch địa phương, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng… từ giá trị vật chất đến giá trị tinh thần, từ công trình kiến trúc đến văn hóa tâm linh. Đó được xem như là cơ sở, tiềm năng để phát triển các hoạt động văn hóa, du lịch.
Ông Lê Đức Thông, Bí thư Đảng ủy xã Phú Diên cho hay, việc tháp Chăm Phú Diên được xác lập 2 kỷ lục giúp cho địa phương quảng bá hình ảnh một di tích cũng như hệ thống bãi biển gần đó được nhiều người biết đến hơn. Từ đó, mở ra cơ hội, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Tuy nhiên theo ông Thông, muốn khai thác du lịch ở di tích này cần phải có một số dịch vụ đi kèm như gian hàng lưu niệm, sản vật đặc sắc của địa phương… “Hiện, một số đơn vị du lịch, lữ hành đang bắt tay nghiên cứu tour tuyến tham quan di tích này và hệ thống đầm phá. Phần địa phương cũng tính toán là các quầy hàng để phục vụ khách tham quan”, ông Thông chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Lộc cho biết thêm, thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử đã tiến hành các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, mang lại hiệu ứng tích cực từ người dân và du khách tham quan. Thời gian tới, bảo tàng tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo tồn di tích như: điều chỉnh hồ sơ di tích (gồm: lý lịch di tích, bản vẽ khoanh vùng các khu vực bảo vệ, bản ảnh…); tiến hành khai quật khảo cổ học bên cạnh tháp chính… để tìm hiểu sâu hơn về nền móng, cấu trúc di tích.
Ngoài ra, định kỳ quét hóa chất lên bề mặt tháp để tránh hiện tượng xâm thực của muối biển và hơi nước làm các lớp gạch của tháp bị mục, tiếp tục chỉnh trang cảnh quan xung quanh di tích…
Bài, ảnh: NHẬT MINH