Mở rộng không gian du lịch, tạo các vệ tinh xung quanh vùng lõi TP. Huế là giải pháp cần thiết nhằm tăng tính đa dạng cho du lịch Cố đô.
Dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp ở Thủy Thanh, một vệ tinh của TP. Huế
Chưa có nhiều thay đổi
Qua khảo sát nhu cầu của nhiều du khách, hầu hết cho biết, lý do thôi thúc họ đến với Cố đô thời gian qua chủ yếu vẫn là văn hóa và di sản. Với du khách trẻ đến Huế thích mặc cổ phục đi chụp ảnh trong không gian di sản, chỉ có một “ngách” thị trường rất nhỏ là kết hợp tham quan di sản và trải nghiệm một số dịch vụ ở các điểm đến được cho là vệ tinh của TP. Huế, với khoảng cách từ 10 – 20km.
Ở Huế có rất nhiều tài nguyên du lịch, rất nhiều điểm đến vệ tinh được đánh giá là có tính hấp dẫn cao, làm phong phú thêm cho du lịch Cố đô, hỗ trợ cho loại hình du lịch văn hóa, di sản. Trong kế hoạch phát triển của du lịch Thừa Thiên Huế, luôn định hướng mở rộng các loại hình du lịch, điểm đến vùng ven TP. Huế, như ở cầu ngói Thanh Toàn (Hương Thủy); Hương Chữ (Hương Trà), đầm Chuồn (Phú Vang), Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền); Cồn Tè, Thuận An (TP. Huế)… thành những điểm đến có dịch vụ đa dạng, chất lượng và có nét đặc trưng riêng. Nhưng trên thực tế qua nhiều năm, sức bật của các điểm kể trên vẫn chưa được nâng cao. Chất lượng dịch vụ chưa nhiều thay đổi, quy mô của điểm đến không có nhiều chuyển biến.
Ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh phân tích, đối với các điểm đến vùng ven, luôn cho thấy những hạn chế nhất định. Lấy ví dụ như đầm Chuồn thu hút được khách, nhưng dừng lại dịch vụ ăn uống; Cồn Tè còn hoang sơ, chủ yếu thu hút khách đến tham quan, nguồn thu chưa có vì thiếu dịch vụ; du lịch biển ở Thuận An chủ yếu phục vụ tắm biển và ăn hải sản, các dịch vụ vui chơi, lưu trú cao cấp còn thiếu. Hay gần hơn là cầu ngói Thanh Toàn, dù đã rất nỗ lực tổ chức các hoạt động văn hóa, nhưng các dịch vụ mang tính trải nghiệm, kết nối tour tuyến vẫn chưa tốt. Như chương trình Chợ quê được tổ chức cuối tháng 11/2022 vừa qua, chủ yếu thu hút khách tại địa phương và từ TP. Huế. Quan sát ở chợ quê chưa có khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch chưa có tour về chợ quê vào ban đêm.
Theo nhiều doanh nghiệp, sở dĩ các điểm đến chưa có nhiều thay đổi là mô hình hoạt động không thay đổi, sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp gần như không có. Thiếu đi những dịch vụ, sản phẩm đẳng cấp, chất lượng có tính chất tạo “cú hích” đủ mạnh để khách biết và lựa chọn.
Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Hà Nội – Chi nhánh Huế, vừa có chuyến khảo sát các điểm đến ở Hương Trà, cho biết: Dù một số điểm có tính đặc trưng rất khác biệt, nhưng xe du lịch không thể di chuyển vào. Như tại Khu lưu niệm Đặng Huy Trứ, xe khách loại lớn không vào được và thiếu bảng biển chỉ dẫn để vào các điểm. Ngoài Hương Trà, một số điểm đến vùng ven TP. Huế khác hạ tầng kết nối phải nhìn nhận rằng là vẫn còn chưa tốt.
Du khách đến tham quan Khu lưu niệm Đặng Huy Trứ, nhưng hạ tầng kết nối còn quá khó khăn
Cần xác định điểm đến ưu tiên
Điều cần bàn lại là, tại các điểm đến vệ tinh TP. Huế nói riêng và các điểm đến khác trong cả tỉnh nói chung, địa phương nào cũng mong muốn phát triển du lịch với việc khảo sát và lên kế hoạch. Xét về mỗi địa phương là cần thiết trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn và phát huy các bản sắc riêng của địa phương. Nhưng xét trên phương diện tổng thể, có thể thấy đó là sự dàn trải. Địa phương nào cũng triển khai, cũng tổ chức dịch vụ sẽ dẫn đến cạnh tranh ngay chính các điểm trong tỉnh; đầu tư cho dịch vụ chưa tới, thậm chí dễ xảy ra manh mún…
Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh, trong nguyên lý phát triển điểm đến luôn có các bước, như nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm chủ lực điểm đến, thu hút đầu tư, kết nối tour tuyến. Đối với các điểm đến vệ tinh, tỉnh cần xác định các lựa chọn ưu tiên, tập trung 1 – 2 điểm quan trọng nhất cho sự phát triển, có tính đặc trưng riêng và tập trung xây dựng dịch vụ, hoàn thiện điểm đến. Sau đó, mở dần ra các điểm đến khác. Trong đó, có hai điểm cần ưu tiên hơn cả là du lịch biển và tại cầu ngói Thanh Toàn. Đối với du lịch biển, gần như du khách nào cũng lựa chọn; với cầu ngói Thanh Toàn điểm đến có tính khác biệt, đã hình thành một số dịch vụ, điều cần làm là hoàn thiện dịch vụ điểm đến.
Thực tiễn cho thấy, việc tập trung xây dựng và phát triển các điểm du lịch vệ tinh còn là động lực phát triển kinh tế của các địa phương theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Các điểm du lịch ngày càng thu hút vốn đầu tư, diện mạo hạ tầng giao thông và cơ sở lưu trú, dịch vụ giải trí, ăn uống sẽ được nâng cấp một cách rõ rệt. Người dân có thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế và đầu tư hiệu quả ngay tại địa phương.
Xét về tầm vĩ mô, nhất là khi TP. Huế đã được mở rộng, Thừa Thiên Huế đang hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương thì những điểm đến nằm gần TP. Huế đáp ứng đủ các tiêu chí của người dân thành thị, như thay đổi không khí, dịch vụ ăn uống, giải trí và lưu trú chất lượng. Tiến đến hình thành các đô thị vệ tinh, giải quyết nhu cầu giãn dân, giảm tải khu vực nội thành đông đúc và kích thích sự phát triển các khu vực ven đô.
Ông Vũ Văn Chương cho rằng, bên cạnh các điểm du lịch có quy mô, các mô hình hoặc điểm đến dù quy mô ở mức vừa và nhỏ nhưng có lợi thế về giá trị đặc thù, dịch vụ tốt đáp ứng nhu cầu của du khách thì vẫn có sức hấp dẫn và tạo được sức lan tỏa rộng rãi cần được tính đến. Bởi vậy, tỉnh, ngành du lịch cần tạo cơ chế hình thành các điểm du lịch theo đặc trưng về tự nhiên, kinh tế, đời sống dân cư, làng nghề… của từng địa bàn nhằm từng bước hình thành và phát triển hệ thống sản phẩm hỗ trợ du lịch văn hóa, di sản để phát triển du lịch bền vững.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, các điểm du lịch vệ tinh không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế, mà còn góp phần quảng bá sâu rộng nét đẹp văn hóa, phát huy được các giá trị bản sắc của Thừa Thiên Huế. Đồng thời, mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm mới mẻ cho du khách, kích thích nhu cầu đi du lịch. Trong thời gian đến, ngành sẽ hệ thống lại các điểm đến vùng ven, tham mưu tỉnh các định hướng phát triển. Nghiên cứu mô hình hoạt động phù hợp cho từng điểm đến và phối hợp kêu gọi đầu tư vào các điểm đến hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”