Sẵn sàng mở cửa du lịch toàn diện

Du lịch đang trên đà trở lại bình thường. Từ ngày 15/2, Việt Nam mở cửa bình thường đường bay quốc tế, du lịch sẽ chuyển sang giai đoạn mở cửa sâu rộng, toàn diện.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch

Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch về việc sẵn sàng của du lịch Huế để mở cửa đạt hiệu quả cao.

Từ bình thường mới đến mở của toàn diện, ngành du lịch đã có những “kịch bản” gì?

Trạng thái bình thường mới được tính từ ngày 11/10/2021, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Sau nghị quyết này, ngành du lịch Huế đã xây dựng kịch bản mới và thay đổi các chính sách linh hoạt phòng, chống dịch trong lĩnh vực du lịch.

Đầu tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, cần sớm mở cửa du lịch trở lại, nếu có thể từ cuối tháng 3/2022. Một bước đi đón đầu cho việc mở cửa này là từ 15/2, Việt Nam mở lại các đường bay quốc tế thường lệ và dỡ bỏ hạn chế về tần suất các đường bay.

Như thế, từ những cách tiếp cận mới về vừa chống dịch, vừa khai thác du lịch, phục hồi dần khách nội tỉnh, đến nội địa và thời điểm này đang đẩy mạnh khai thác bằng mở dần các dịch vụ, chuyến bay, phục hồi được các dòng khách quốc tế. Có thể nói, đã đến lúc để mở cửa du lịch một cách toàn diện và đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường.

Một sự thay đổi giúp quá trình mở cửa du lịch đạt được các kết quả khả quan thời gian qua chính là việc du khách mở dần “cánh cửa” tâm lý. Từ lo lắng, dè dặt ban đầu đến hiện tại, cơ bản nhu cầu đi du lịch đã dần trở lại bình thường.

Huế đã sẵn sàng cho việc mở cửa toàn diện?

Ngày 9/12/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phục hồi, kích cầu các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới. Cùng với đó là ban hành hướng dẫn quy trình về đón khách nội địa, nội tỉnh, đặc biệt là quy trình đón khách quốc tế.

Từ đầu năm 2022 đến nay, du lịch Huế đã có những giải pháp cụ thể để chuẩn bị cho việc mở của toàn diện. Đó là công bố các lễ hội được tổ chức trong năm; đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, từ dịch vụ lưu trú, vận chuyển, nhà hàng, hướng dẫn viên… đều có bước chạy thử. Khách đến đông, nhiều bài học về dịch vụ được rút kinh nghiệm; doanh nghiệp cũng thấy được dịch vụ như thế nào, lao động thiếu ở đâu để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Dựa trên những yếu tố nào để việc mở cửa đạt hiệu quả và khó khăn nào là điều khó tránh khỏi?

Yếu tố đầu tiên là trong năm 2021, du lịch Huế không có “khái niệm” đóng cửa. Một số hoạt động vẫn được diễn ra, doanh nghiệp vẫn duy trì đón và phục vụ khách. Sự liền mạch đó giúp doanh nghiệp có kinh nghiệm đón khách trong mọi trường hợp, kể cả những tình huống xử lý khi khách có thể là người bị nhiễm bệnh.

Về phía lao động du lịch, tất cả đều đã được tiêm vắc-xin mũi 3 nên đảm bảo yếu tố an toàn, đáp ứng được phục vụ khách an toàn. Nhiều lao động từng tham gia phục vụ khách cách ly, tham gia các đội phản ứng nhanh… nên kinh nghiệm phục vụ khách trong mọi tình huống cũng đã được hình thành.

Công tác xúc tiến quảng bá của du lịch Huế thời gian qua rất chủ động, những điểm đến mới, sản phẩm mới được du khách biết đến. Một ví dụ là dòng sản phẩm mặc cổ phục chụp ảnh trong không gian di sản, văn hóa tạo điểm nhấn cho du lịch Huế thời gian qua.

Tuy nhiên, khó khăn cũng là vấn đề lớn nhất của du lịch Huế hiện tại là thiếu hụt nguồn lao động. Hiện, ngành du lịch và doanh nghiệp đang gấp rút tuyển dụng, đào tạo lao động để chuẩn bị tốt nhất, đầy đủ trong thời gian đến.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, du lịch Huế đã rơi vào thế bị động nhất định, khi mở cửa toàn diện, cần làm gì để không lặp lại tình trạng đó?

Trước đó, ngành có dự báo số lượng khách du lịch đến Huế trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 từ ngày 28/1/2022 – 6/2/2022 (nhằm ngày 26 đến mùng 6 tết) ước đạt 8 ngàn lượt khách; trong đó, khách lưu trú ước đạt 7 ngàn lượt, khách quốc tế ước đạt 300 lượt; các khách sạn cao sao có công suất buồng phòng bình quân khoảng 50%.

Trên thực tế, từ ngày 28/1/2022 – 6/2/2022, Huế đã đón tổng cộng hơn 63 ngàn lượt; trong đó, khách lưu trú đạt gần 27 ngàn lượt và có 822 lượt khách quốc tế. Số liệu này chưa tính lượng thăm thân, lưu trú tại nhà dân, đồng thời, do tình hình dịch bệnh nên lượng khách tại các địa phương lân cận đi về trong ngày cũng rất nhiều. Các khách sạn cao sao, khách sạn nghỉ dưỡng công suất sử dụng phòng đạt trên 80%, có một số đã “full” phòng trong dịp tết vừa qua.

Lượng khách tăng nên đã xảy ra quá tải một số điểm đến, dịch vụ; sự chuẩn bị về dịch vụ là chưa tốt, thiếu các hoạt động về đêm. Do đó, trong thời gian đến, công tác dự báo cần phải được thực hiện có tính chính xác tương đối hơn.

Ông đã nói đến tính dự báo, vậy dự báo nguồn khách đến Huế trong thời gian đến như thế nào?

Trong 3-6 tháng tới, dòng khách chủ lực của Huế vẫn sẽ là dòng khách nội địa, nội tỉnh. Về khách quốc tế, khi chính sách mở cửa chung được áp dụng, Huế sẽ cũng đón. Về số lượng khách quốc tế sẽ tăng dần về thời gian chứ không tăng đột biến cùng một lúc như khách nội địa.

Về thời gian, từ nay đến trước lễ 30/4 và 1/5 sẽ duy trì mức vừa phải. Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, dự báo khách sẽ tăng, dù không bằng dịp tết song cũng sẽ tăng đáng kể. Sau đó là chuỗi thời gian đón khách khá ổn định vì giai đoạn nghỉ hè. Đến cuối năm 2022, sẽ là đợt cao điểm để đón và phục vụ khách quốc tế.

Những giải pháp nào để Huế thu hút được khách như kế hoạch, thưa ông?

Trước hết, ngành sẽ tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch, tập trung kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ trong tỉnh liên kết với nhau để hình thành, cung cấp các chương trình, sản phẩm trọn gói hấp dẫn, giá cả ưu đãi cho khách đến Thừa Thiên Huế, nhất là các dịch vụ vận chuyển, lưu trú.

Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh chủ động tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh dịch vụ tham gia chương trình kích cầu du lịch với hình thức đa dạng: ưu đãi, khuyến mãi, tặng thêm sản phẩm dịch vụ gia tăng, giảm giá trực tiếp,… để hình thành gói kích cầu mang tính đồng bộ, thống nhất ở địa phương.

Triển khai các gói sản phẩm du lịch an toàn trên địa bàn. Trọng tâm hướng đến các dịch vụ như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch kết hợp khám, chữa bệnh; thưởng thức ẩm thực; các khu du lịch; điểm tham quan, vui chơi gắn với thiên nhiên. Các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá; các điểm vui chơi giải trí, nhất là các điểm dịch vụ về đêm.

Doanh nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong khai thác khách, ngành sẽ có những hỗ trợ gì để doanh nghiệp sớm trở lại?

Ngành sẽ triển khai phối hợp giải quyết các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp, như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% theo quy định; tiếp tục giảm giá nước 3 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục có những đề xuất gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp đến hết năm 2022; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022, chính sách cho vay lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp du lịch…

QUANG SANG (Thực hiện)

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *