TTH.VN – Màu vàng của lá cây chá đầy ma lực giữa giai điệu mùa thu ngát xanh xứ sở. Rừng chá những ngày cuối tháng chín luôn khiến cho những người đến ngắm cảnh như lạc vào cõi mơ của một cánh rừng miền ôn đới xa đẩu đâu bên trời Tây.
Rừng chá đẹp như một cõi mơ. Ảnh: Lê Thanh Sinh
Có chi đó sai không nhỉ, khi trong những ngày ngập tràn những tin buồn về bão dịch COVID-19, người người đang nỗ lực để tìm sự bình yên cho cộng đồng thì tôi cùng vài ba người bạn lang thang ở đó, Rú Chá, tháng 9, ngắm cây lá ngời lên trong miên man sắc đỏ.
Nhưng mà Huế của tôi đang những ngày khá bình yên. Chỉ cần có một hai người bạn đồng hành và thực hiện tốt 5K là có thể thoải mái đi đây đó ngắm cảnh.
Hơn thế, về miền thuỳ dương hiền hoà phóng khoáng, gió biển mặn mòi cũng tốt cho sức khoẻ những người “so với ông Bành vẫn thiếu nhi” là chúng tôi.
Bạn hiểu cho, tôi đã nhớ lắm những ngày cuối tháng 9 ở đây. Nhớ con đường từ cầu Tam Giang về đến Rú Chá phất phơ lau trắng. Nhớ những làn gió mát dịu thổi từ phía biển Hải Dương, Cửa Thuận. Cứ mơ hồ nghe như có những tiếng thầm thĩ đâu đó từ cánh rừng ngập mặn bát ngát lá vàng miền hạ sông Hương vẫy gọi.
Mà khoảnh khắc từ sắc lá vàng mơ chuyển sang sắc nâu đỏ cháy lên trong những ngày mùa thu nơi miền đất đầy nắng gió thật là đẹp nhưng… ngắn chẳng tày gang!
Rú Chá chỉ bừng lên sắc vàng đầy chất thơ, nồng nàn, quyến rũ vài ngày trước mưa bão. Chỉ cần một cơn mưa to, nói chi đến bão, thì Rú Chá lá vàng mơ, lung linh đáy nước in trời, chỉ còn lại những cây cành khô khốc, trầm lặng như giữa mùa đông mưa san gió tạt.
Màu vàng của lá cây chá đầy ma lực giữa giai điệu mùa thu ngát xanh xứ sở. Rừng chá những ngày cuối tháng chín luôn khiến cho những người đến ngắm cảnh như lạc vào cõi mơ của một cánh rừng miền ôn đới xa đẩu đâu bên trời Tây. Càng thú vị hơn vì ngay đến cả bóng làng mạc soi xuống mặt đầm phá mênh mông trời mây lúc này cũng ngát thơm diệp lục. Thật là dễ chi có được một triền rừng lá vàng mơ, cháy lên đến tận cùng rực rỡ, đầy quyến rũ này.
Mùa thu phai chốn đây luôn khiến lòng người dù ở lứa tuổi nào cũng rung động, yêu mến, say mê.
Ở những người đã qua tuổi lục tuần như chúng tôi, mùa thu với sắc lá vàng Rú Chá còn gợi lên những liên tưởng, suy ngẫm về đời cây, đời người khi mùa đông đã đến thật gần.
Mỗi lúc ngó hoa lau vẫy theo gió thu, không hiểu sao tôi hay nghĩ về cái tên Rú Chá, nghe cái tên man mác thổ âm của người Chàm chăng. Hình như, ngày xửa ngày xưa, thuở công chúa Huyền Trân đến đây, người dân đã gọi tên cây như thế. Chúng tôi lục tìm trong Google cũng không thấy có thông tin nào về loài cây chá. Cho mãi đến khi hỏi một nhà Huế học bậc thầy, được trả lời “cây chá là cây giá”. Vậy cây chá là tiếng địa phương rất cổ. Và Rú Chá, hiểu nôm na là rừng Chá.
Cũng như đước, sú, vẹt… cây chá mọc ở những miền đất ngập mặn ven biển Việt Nam. Riêng cây giá, mọc nhiều ở Thừa Thiên Huế, ven phá Tam Giang. Vậy là Rú Chá – nơi cây chá ( cây giá) đã mọc lên, mọc lên để định vị, bảo vệ đất bồi. Những gốc cây sần sùi bám rễ vào lòng đầm phá, chúng kết nhau lại thành cụm, thành rừng, tạo thành luỹ lặng thầm chắn sóng, hệt như những người lính bao đời canh giữ sơn hà. Thân cành gân guốc, khẳng khiu nhỏ nhắn, mốc lốm đốm, lại có chi đó rất giống với hình ảnh người nông dân cần mẫn, chịu đựng nắng cháy, mưa dầm trong không gian hoang vắng nơi đây để mưu sinh. Rừng chá bao đời nay đã gìn giữ từng chút, từng chút phù sa từ dòng sông Hương, dòng sông mẹ trong vắt, để bồi đắp mở rộng mảnh đất cổ sơ của ông cha về phía biển. Khiêm nhường và lặng lẽ, cây cũng như con người bám đất để xanh.
May mắn, tôi được một người đánh cá cho lên một chiếc ghe để vào sâu trong rừng chá. Ban mai, sương phủ mờ, mặt nước lằng lặng, thuyền đi qua những gốc cây chá cổ, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. Nắng lên, những tia nắng sớm như tơ trời chiếu xuyên qua rừng chá, đan thành bức rèm ánh sáng huyền mơ. Có một vài con chim nghe động, xao xác bay lên. Chỉ đàn chuồn chuồn ớt bay chao qua chao lại. Tiếng cá quẫy chao động lòng phá. Tôi luống cuống không biết nên quay phim hay chụp ảnh nữa. Cảnh đẹp đến ngẩn ngơ cả tâm hồn.
Ở đây, cây cao nhất chỉ tầm từ 3m đến 5m, cây mọc thành từng bụi to, thân mảnh dẻ, chiều cao khiêm tốn, chỉ gốc cây là to, rễ ngoằn ngèo như những chiếc mấu khổng lồ cắm sâu vào lớp bùn nhão trong lòng phá. Tôi cứ thắc mắc rằng cây đã đủ cao để gọi là rừng chưa nhỉ? Nhưng ngắm những lùm cây đứng đó, chân ôm tay níu, ngẩng cao kiêu hãnh nơi đầu sóng ngọn gió, giữ gìn từng giọt phù sa cho đất mẹ cũng thấy ông bà mình xưa gọi là rừng, rừng chá, cũng xứng với tình cây – rừng cây chá sinh ra là để chắn sóng, tạo dựng những bãi bồi.
Tôi bâng khuâng tự hỏi, cây giá… có liên quan đến gì đến giá… đỡ không nhỉ? Dường như hiểu được nỗi miệt mài, thầm lặng, chi chút của người mẹ nghèo sông Hương trong từng tấc phù sa. Mô dễ chi cây nhẫn nại, kiên cường dưới trời nắng cháy da, dưới mưa dầm? Những gốc, những cành gân guốc khẳng khiu hằn in bao nỗi nhọc hằn của sự sống khắc nghiệt của miền trung. Tôi nghĩ, sẽ không mấy người thành phố về đến đây đoái thăm nếu như triền lá không dâng một dải vàng mơ rồi nâu đỏ nồng nàn trước lúc lìa cành. Màu lá nâu cháy đỏ ấy, hẳn có lời gửi của cây, một lời chia tay hay đánh thức?! Phải chăng đó cũng là thông điệp về ý nghĩa của sự sống – Như lá cây chá, sống trọn vẹn, sống hữu ích, thiết tha với đời.
Vẻ đẹp về một sức sống âm thầm qua mùa lá rụng, mãnh liệt và xúc động đến không ngờ. Ảnh: Nguyễn Chính Nghĩa
Nếu như màu lá vàng tô đẹp một đời lá thì những thân cành khẳng khiu lặng thầm oằn mình, chấp bão giông lại làm thức dậy lòng ham sống, sống kiên cường. Cây chịu đựng qua mùa đông mưa tối đất tối trời lại đâm chồi, nảy lộc để xanh. Cái gì đã tạo cho cây sức sống mãnh liệt ấy. Cây bảo vệ, nuôi dưỡng, chở che và cũng đánh thức con người bằng cách mà nó hiện diện.
Bạn thấy đó, không phải bỗng nhiên mà bức ảnh “Đánh cá ở rừng ngập mặn” của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung lại được được giải cao nhất trong HẠNG MỤC CON NGƯỜI, tại một cuộc thi ảnh quốc tế năm nay. Tôi ngắm kĩ bức ảnh của tác giả, chọn tông màu đen trắng trên cái nền rừng xám đen vắng lặng của đông mưa triền miên của xứ Huế, những cành lá trơ trụi khẳng khiu với những cánh tay xương xẩu chằng chịt đan vào nhau làm nổi bật lên hình ảnh trung tâm là con người nơi đây chịu thương chịu khó, nhẫn nại, kiên cường dưới mưa. Vẻ đẹp về một sức sống âm thầm qua mùa lá rụng, mãnh liệt và xúc động đến không ngờ.
Lúc này, Rú chá đang thu hút những ống kính săn ảnh với đủ phương tiện, kể cả những trang bị thời thượng nhất. Tôi bắt gặp nét mê đắm của nhiều gương mặt, nhiều lứa tuổi. Họ lặng lẽ săn ảnh trong một cuộc chơi cực chất. Lặng lẽ, đầy mê say và phong lưu có hạng. Những cái nhìn thân thiện, những nụ cười thật hiền. Ô, thật vui khi bất chợt gặp một vài tay máy, vốn là những nhà giáo cùng một thuở say mê bục giảng, giờ già rồi lại mê ngoạn cảnh và săn lùng cái đẹp. Tôi biết, họ luôn muốn kể chuyện quê hương mình, tha thiết muốn gởi vào những bức tranh phong cảnh cả tấm lòng mình với xứ Huế rất thương của họ.
Có một sự đồng điệu không nhỏ giữa chúng tôi và màu lá vàng rực cháy lên trước mùa mưa xứ Huế.
Tôi chừ như mới nhận ra tiếng gọi thầm thĩ nơi miền lá vàng bay.
Cảm ơn mùa thu Rú Chá, cảm ơn sắc lá, nơi lưu giữ những kí ức của nắng vàng, một đời cây ấp ủ. Cũng như ngày hôm qua của thế hệ chúng tôi, của những ai đã lặng lẽ sống hết mình, làm việc hết mình, cũng từng giữ trong lòng màu nắng ấy.
Sau lúc trầm trồ với những khuôn hình đẹp như mơ, chúng tôi vẫn chưa muốn về. Anh bạn tôi, nhiếp ảnh gia có tiếng, còn hẹn với một ống kính khác, ngày mai trở lại!
Mà có riêng chi chúng tôi đâu, lá cũng bịn rịn, lưu luyến trời rộng mà rực rỡ, nồng nàn. Bạn thấy đó, nước ở phá Tam Giang trước khi ra tới cửa biển Thuận An cũng ngập ngừng, chùng chình mãi đó thôi…
Triền Thảo
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”