Cần phải tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Huế đến với các thị trường khách quốc tế, khi các thị trường đang từng bước cho thấy sự phục hồi.
Một blogger nổi tiếng Thái Lan (thứ 2, bên trái) đến trải nghiệm và tham quan du lịch Huế
Du khách thiếu thông tin về Huế
Nếu năm 2015, cơ cấu khách nội địa và quốc tế lần lượt là 67% và 33%, thị trường khách nội địa chiếm phần lớn thì đến năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh) tỷ lệ này gần như đồng đều, với nội địa 55% và quốc tế 45%. Như vậy, thị trường quốc tế ngày càng có vị trí quan trọng trong cơ cấu thị trường khách du lịch của Thừa Thiên Huế. Trong giai đoạn phục hồi du lịch sau đại dịch, khách quốc tế được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng đối với du lịch Cố đô.
Nhưng thực tế mà ông Phan Trọng Minh, Giám đốc Điều hành Khách sạn Azarai La Residence chia sẻ, đang đặt ra cho ngành du lịch cần những cách làm, giải pháp mới trong xúc tiến quảng bá điểm đến. Trong những chuyến quảng bá du lịch ở nước ngoài của khách sạn, khảo sát riêng với khách và các đối tác cho thấy, trong 10 người được hỏi thì chỉ 1-2 người cho biết là có biết đến Huế, nhưng lại chưa đến hoặc chưa đưa khách đến. Đại đa số hầu như không biết Huế ở đâu, như thế nào; thông tin điểm đến Huế với họ là con số 0.
Công tác xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Huế ra các thị trường quốc tế là điều cần được đánh giá. Bởi tần suất xuất hiện hình ảnh du lịch Huế ở các thị trường quốc tế là rất ít, kể cả những thị trường khách truyền thống và những thị trường được xác định là tiềm năng. Trên thực tế, việc quảng bá du lịch Huế ra quốc tế vẫn được tổ chức, nhưng chưa được thường xuyên và không mang tính sâu rộng đến các thị trường khách.
Một vấn đề nan giải trong các chỉ số du lịch của Thừa Thiên Huế chính là độ dài lưu trú của khách có xu hướng giảm, tỷ lệ nghịch với mức tăng trưởng lượt khách hàng năm. Mặc dù có số lượt khách quốc tế không ngừng tăng, nhưng tỷ lệ lưu trú của khách quốc tế giảm mạnh từ 76% năm 2015 xuống chỉ còn 50% vào năm 2019. Điều này chứng tỏ du khách quốc tế ngày càng có xu hướng dành ít thời gian hơn ở Thừa Thiên Huế. Vấn đề này về dài hạn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp du lịch, mà rõ ràng nhất là các cơ sở lưu trú trong giai đoạn phục hồi.
Theo ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh, quảng bá du lịch ra các thị trường quốc tế không giống như trong nước vì kinh phí đòi hỏi gấp nhiều lần. Trong khi đó, công tác xã hội hóa quảng bá trong nước lại dễ hơn so với quốc tế. Mỗi lần ngành tiến hành quảng bá nước ngoài, rất ít doanh nghiệp đồng hành tham gia. Điều này không khó hiểu vì doanh nghiệp ở Huế chủ yếu trung bình và nhỏ, hoặc chưa có nhiều đơn vị khai thác trực tiếp khách quốc tế.
Song hành hai giải pháp
Ông Trương Thành Minh cho biết, dù sẽ rất khó khăn trước mắt trong việc quảng bá, song ngành xác định đây là thời điểm “vàng” để quảng bá hình ảnh của một điểm đến an toàn, thân thiện, điểm đến có cảnh quan trong lành, đặc trưng về văn hóa… ra các thị trường quốc tế. Nghiên cứu mới đây cho thấy, các thị trường Đông Nam Á và Đông Bắc Á là hai khu vực có xu hướng trở lại với Thừa Thiên Huế sớm nhất và nhanh nhất khi tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, cũng như vị trí địa lý thuận lợi. Trong khi đó nhóm khách Tây Âu, châu Úc hay Bắc Mỹ sẽ phục hồi chậm hơn, khả năng đến khi du lịch quốc tế trên toàn thế giới được phục hồi thì các thị trường này mới trở lại bình thường.
Do đó, bên cạnh đẩy mạnh các hình thức quảng bá truyền thống và các kênh quảng bá mạng xã hội, các kênh truyền thông mới như gian hàng ảo… giải pháp quan trọng là mời các blogger, yourtuber nổi tiếng ở các thị trường khách quan trọng đến Huế để trải nghiệm các dịch vụ. Thông qua sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng này, hình ảnh du lịch sẽ có cơ hội lan tỏa rộng hơn. Như vừa qua, một số blogger nổi tiếng Thái Lan và Hàn Quốc đã đến Huế và cho thấy hiệu quả thiết thực. Hay như vào đầu tháng 5/2022, ngành du lịch đón đoàn khách Singapore đầu tiên trở lại là kết quả quảng bá tích cực của nhóm blogger Singapore và Malaysia khi đến Huế vào năm 2019.
Trong xúc tiến quảng bá phải có sự kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Chẳng hạn như khi quảng bá quốc tế, cơ quan quản lý có vai trò giới thiệu điểm đến, còn doanh nghiệp sẽ đóng vai trò kết nối, hợp tác để đưa khách đến Huế. Vì thế, sự hợp tác, công tác xã hội hóa trong quảng bá du lịch đòi hỏi phải tốt hơn trong thời gian đến.
Ông Phan Trọng Minh góp ý, đã đến lúc việc xúc tiến quảng bá của Huế phải thay đổi, phải chấp nhận thuê doanh nghiệp, đơn vị truyền thông chuyên nghiệp để quảng bá. Như chúng tôi, hoạt động trong ngành đã lâu cũng phải thuê các đơn vị nước ngoài để quảng bá. Và cũng đã đến lúc Huế cần có những công ty truyền thông lớn, chuyên nghiệp để phát triển hình ảnh Huế trong nhiều năm tới. Cần đặt mục tiêu quảng bá dài hạn 5-10 năm, chứ không trong 1-2 năm.
Lãnh đạo Sở Du lịch thông tin, ngành đang xây dựng kế hoạch đề án quảng bá có chiến lược truyền thông xúc tiến du lịch giai đoạn 2021-2025 đến 2030. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi, chuyển hóa quản lý sang hình thức quản lý điện tử, quảng bá số, đầu tư cho một số trải nghiệm du lịch thông minh, xúc tiến điện tử. Việc chuyển đổi số sẽ thực hiện đồng bộ, đặc biệt hình thức xúc tiến kỹ thuật số sẽ được đầu tư chuyên nghiệp, có hệ thống cả về nội dung, số lượng và chuyên môn của đội ngũ kỹ thuật.
Bài, ảnh: Quang Sang
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế Online ”