TTH.VN – Những ngày đầu thu, một số cây phượng tím bung hoa ở đường phố và công viên đem lại cho người đi đường cảm giác thích thú. Trong khi phượng tím ở Đà Lạt phát triển mạnh và cho hoa sau Tết âm lịch thì phượng tím Huế ra hoa tầm tháng 7-8 dương lịch hoặc tháng 9 tùy cây.
Không gian thể dục ở Kim Long có sự khác lạ so với ngày thường
Tại công viên phía trước đường Nguyễn Phúc Nguyên (P. Kim Long, TP. Huế), cây phượng tím mảnh khảnh cao tầm 5m thu hút nhiều sự chú ý của du khách và người đi thể dục nhờ sắc hoa tím Huế.
Phượng tím là loại hoa gắn liền với địa danh Đà Lạt, được trồng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Phượng tím thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae). Theo một bài viết của chuyên gia cây xanh Đỗ Xuân Cẩm đăng trên Báo Thừa Thiên Huế, loài cây này ưa sáng, phát triển tốt nhất trên nền đất tơi xốp thoát nước tốt, ẩm nhưng không úng. Cùng với các loại phượng đỏ, phượng vàng, phượng tím góp thêm sắc màu cho hệ thống cây xanh Cố đô.
Dọc bờ sông Hương, khu vực trước đường Nguyễn Phúc Nguyên có khoảng 20 cây phượng tím. Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tặng cho Huế vài chục cây phượng tím cao 1,5m; chúng được chăm sóc, sau đó đưa ra trồng đại trà. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu của Huế khá khắc nghiệt, loài cây này sinh trưởng khó khăn. Một số cây chết trong các đợt mưa lụt hai năm trước.
Ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho hay, hiện vườn ươm của trung tâm nằm ở phường Thủy Xuân (TP. Huế) tiếp tục chăm sóc, bảo quản các cây giống phượng tím có đường kính thân từ 25-20cm. Tuy đã đưa phượng tím trồng thử trên một số điểm nhưng loại cây phát triển chậm, ra hoa ít. Cây phượng tím ở UBND phường Đông Ba trên đường Huỳnh Thúc Kháng (TP. Huế) là cây phượng tím lớn nhất Huế.
“Trên đường Nguyễn Trường Tộ còn khoảng 4 cây phượng tím thuộc nhóm cây đưa về gần 20 năm trước từ Đà Lạt song khá còi cọt. Không hiểu sao cây ở đường Huỳnh Thúc Kháng sinh trưởng tốt và ra hoa rất nhiều dù nằm trong khuôn viên công sở”, ông Quý nói.
Tại Huế, một số nhóm hội yêu thích phượng tím đã mua giống về trồng trong sân vườn, có nhà cây đã cho hoa bói. Một gia đình cho hay, việc chăm sóc loài cây này không quá phức tạp song vì màu hoa đẹp, lạ nên người đi đường thường vin hái, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Cùng Thừa Thiên Huế Online ngắm vẻ đẹp của phượng tím từ nơi cộng cộng đến trụ sở, khuôn viên gia đình:
Cây phượng tím bung hoa sau mấy năm trồng tại công viên
Màu hoa hợp với sắc Huế lại vừa quý hiếm do cây ra hoa chỉ đếm trên đầu ngón tay
Sáng tinh mơ hay chiều tối đều có người đến ngắm hoa, chụp ảnh
Sắc phượng tím ở Huế không đậm màu song vẫn mang đến sự thích thú, lạ lẫm
Một cây phượng tím “cô đơn” nằm gần bờ sông Hương nở hoa lưa thưa, cao khoảng 3m
Khuôn viên UBND phường Đông Ba điểm tô với sắc hoa tím
Không gian ngắm hoa thư giãn và check in yêu thích của chị em cán bộ tại trụ sở
Phượng tím ở căn nhà phía trong Thành Nội
Một cây phượng khác sinh trưởng tốt nằm trong khuôn viên vườn nhà ông Nguyễn Tuấn Anh ở đường Phạm Tu (TP. Huế)
Clip Ngắm phượng tím nở hoa
Tuệ Ninh – Phan Thắng (Thực hiện)
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online”