TTH – Bên cạnh du lịch cộng đồng, sinh thái, tâm linh…, mô hình du lịch trải nghiệm, tìm hiểu các di tích văn hóa – lịch sử địa phương cũng là thế mạnh của TX. Hương Thủy
Học sinh, ĐVTN Hương Thủy dọn vệ sinh, trồng hoa tại địa điểm đặt bia Chợ kháng chiến Dương Hòa
Với những địa danh lịch sử nổi tiếng, như: ấp Tư – Mỹ Thủy, lùm Chánh Đông, đình làng Thủy Dương, đình làng Dạ Lê, bia chiến tích Dương Hòa, chợ kháng chiến Dương Hòa… – những nơi từng là chứng nhân lịch sử, từng che chở cán bộ và nuôi dưỡng cách mạng Việt Nam đã góp phần làm đa dạng thêm loại hình di tích trong hệ thống di sản văn hóa vật thể cũng như lịch sử phát triển, bề dày văn hóa của TX. Hương Thủy nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung.
Từ sự đa dạng này, trong quá trình đẩy mạnh phát triển du lịch với các mô hình cộng đồng, sinh thái, tâm linh…, việc thiết kế thêm mô hình du lịch kết hợp “về nguồn” nhằm giúp du khách, người dân địa phương (nhất là học sinh) có nhiều hơn cơ hội được tiếp xúc, được hiểu thêm về truyền thống tự hào của cha ông, của địa phương đang được TX. Hương Thủy đẩy mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy chia sẻ: “Thời gian qua, các trường học trên địa bàn thị xã tổ chức nhiều chuyến tham quan, tìm hiểu lịch sử cùng các hoạt động ngoại khóa, như cắm trại, kết nạp đoàn viên kết hợp “Ngày Chủ nhật xanh” tại những địa chỉ đỏ nói trên. Những hoạt động này mang tính giáo dục cao và là bài học trực quan, sinh động, giúp nâng cao nhận thức và khơi dậy trong tuổi trẻ niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của cha ông, của dân tộc”.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Minh, để đa dạng hóa điểm đến, tạo thêm sức hút, khơi gợi đam mê tìm hiểu, từ đó hiểu sâu hơn, tự hào hơn lịch sử cha ông không chỉ đối với học sinh, người dân địa phương mà còn với du khách, TX. Hương Thủy đang có kế hoạch tôn tạo lại chợ kháng chiến Dương Hòa – ngôi chợ thuộc chiến khu Dương Hòa và được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh ngày 20/1/2010.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa, tháng 5/1948, các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh và các ngành từ chiến khu Hòa Mỹ chuyển vào Dương Hòa. Từ đây, chiến khu Dương Hòa được thành lập và trở thành nơi đóng trụ sở các cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh. Đến cuối năm 1948, chợ kháng chiến Dương Hòa cũng được hình thành.
Với việc xuất hiện nhiều hàng quán tạp hóa, ăn uống, giải khát, tiệm cắt tóc, tiệm chụp ảnh…, ngoài đáp ứng hầu hết các nhu cầu dân sinh và sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ hoạt động tại chiến khu Dương Hòa, ngôi chợ này còn trở thành trung tâm giao lưu, buôn bán, trao đổi giữa đồng bằng và chiến khu, là nơi tập trung các mặt hàng lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, sản vật… từ Huế lên chiến khu và ngược lại.
Mặc dù chỉ tồn tại đến năm 1954, nhưng chợ kháng chiến Dương Hòa đã góp phần tạo nên một chiến khu hoàn chỉnh, là cầu nối, là động lực đẩy lòng quyết tâm của quân và dân ta đánh bại cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp.
Với ý nghĩa đó, việc phục dựng lại chợ kháng chiến Dương Hòa sẽ giúp người dân và học sinh hứng thú hơn khi được chứng kiến, tham gia vào các hoạt động giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa…, giúp hành trình về nguồn càng thêm trực quan, sinh động, đồng thời, tạo được điểm đến để thu hút khách du lịch.
“Hiện, thị xã đã giao các bộ phận chức năng lên phương án chi tiết, cụ thể để phục dựng lại ngôi chợ này trên tinh thần duy trì hoạt động giao thương diễn ra thường xuyên để giúp người dân ổn định sinh kế nhưng không phá vỡ tính trang nghiêm, không làm mất đi ý nghĩa của địa điểm được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh”, ông Minh thông tin.
Bài, ảnh: Thanh Đoàn
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”