TTH – Trong những lần sang Thành nội ghé chơi nhà một số người thân, bạn bè, tôi đã từng nghe những ý kiến bày tỏ niềm mong: “Giá như bên mình cũng phố đi bộ…”
» Phố đi bộ Chu Văn An – Võ Thị Sáu – Phạm Ngũ Lão mở cửa trở lại
Lối vô Thành nội
Vô số lần vô ra Thành nội, vậy mà lần nào cũng thế, bao giờ trong tôi cũng nguyên vẹn cái cảm giác lâng lâng, nhẹ nhàng thanh thoát đến khó tả. Đơn giản là vì Thành nội của Huế tôi quá tuyệt diệu. Từ phía đường Lê Duẩn rẽ vào, chỉ cần bước chân qua khỏi cổng thành là ta đã như lọt vào một thế giới cổ tích đầy màu xanh, đẹp đến huyền hoặc.
Được xây dựng từ năm 1805, tính đến nay, Kinh thành Huế đã tồn tại hơn 2 thế kỷ. Từ là trung tâm kinh đô, công trình phòng thủ trọng yếu của triều đình nhà Nguyễn, nay, Kinh thành Huế với “trái tim” là Đại Nội đã là một điểm đến tầm cỡ quốc tế nổi bật trên bản đồ du lịch. Không chỉ dừng lại ở một công trình văn hóa, lịch sử, mà thực sự còn là một thắng cảnh hút hồn cả những người khó tính nhất.
Chờ con bãi suất ở một lớp học trong Thành nội, tôi tạt vào nhâm nhi ly cà phê bên đường Đoàn Thị Điểm – Con đường chạy dọc bên trái Đại Nội, rợp bóng cây xanh và đẹp đến hớp hồn thiên hạ. Đẹp đến mức dù nói gì thì nói, nhiều người vẫn mặc định nó chắc chắn phải là con đường “phượng bay” trong “Mưa hồng” của nhạc sĩ họ Trịnh.
Chiều buông đã lâu, các con phố đều đã lên đèn. Những mảng tường rêu phong của Ngọ Môn, Đại Nội cũng đã thấp thoáng dưới ánh đèn nghệ thuật. Không gian quanh Đại Nội ban ngày vốn đã tuyệt vời, về đêm lại càng lung linh huyền ảo. Chợt vu vơ tự nghĩ, giá như tổ chức được phố đi bộ trong không gian này thì hay biết mấy.
Đường Đoàn Thị Điểm
Chỉ cần lấy 4 trục đường chính: 23 tháng 8 – Đoàn Thị Điểm – Đặng Thái Thân – Lê Huân thì có thể tổ chức một tuyến phố đi bộ quá hoành tráng rồi. Tuyến 23 tháng 8 và Đoàn Thị Điểm ưu tiên dành cho các hoạt động nghệ thuật đường phố, tuyến Đặng Thái Thân – Lê Huân bán hàng lưu niệm, may mặc, ăn uống nhẹ… Khách thích ăn khuya, thích mua sắm, khám phá thêm cuộc sống về đêm của dân cư nội thành… thì có thể rẽ qua Hàn Thuyên, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Thời Nhậm, Trần Nguyên Đán…
Chuyện xe cộ, đi lại cho người dân sống trên các trục đường 23 tháng 8 – Đoàn Thị Điểm – Đặng Thái Thân – Lê Huân, nếu tổ chức phố đi bộ, theo chúng tôi là không thành vấn đề, bởi chỉ mỗi quãng ngắn lại sẵn có một tuyến “xương cá” nối vào, tiện lợi hơn rất nhiều so với khu Chu Văn An – Võ Thị Sáu… ở bờ Nam.
Việc tổ chức các hoạt động như trên chỉ là thiển ý vậy thôi, còn tổ chức hoạt động gì, sắp xếp ra sao, quy mô thế nào… thì tin chắc TP. Huế đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm sau một thời gian tổ chức, vận hành ở “khu phố tây”, dư sức để vận dụng nếu tổ chức phố đi bộ cho khu vực bên trong Kinh thành.
Chúng tôi từng nhiều lần rong chơi với “khu phố tây” mỗi dịp cuối tuần. Trước, khi nghe thành phố chủ trương tổ chức phố đi bộ, dân chúng trong khu vực này không ít người tỏ ý nghi ngại, phản ứng. Nhưng khi đã đi vào vận hành, hiệu ứng tích cực mang lại không hề nhỏ. Đông vui, buôn bán được, kể cả những hộ dân ở sâu bên trong các con hẻm cũng có thể kiếm sống bằng việc tổ chức dịch vụ, bán các món ăn khuya…
Du khách đi bộ quanh Thành nội. Ảnh: TUẤN KIỆT
Bây giờ thì có vẻ không cần nói, người dân cũng tự giác đầu tư, tu sửa nhà cửa, quán sá để cùng “hòa nhập”.
Một số người dân ở các khu phố lân cận cũng mong ước phố đi bộ sẽ mở rộng sang cả khu vực mình… Về phía khách, kể cả khách du lịch cũng như khách bản địa, ta cũng như tây, không ai là không hào hứng. Người thì bảo “vui hơn Hội An”, cũng không ít người khác nhận xét “thú vị hơn cả phố Hàm Nghi ở Sài Gòn”…
Chính xác hay không chưa biết, nhưng chỉ cần nhìn lượng du khách đổ về mỗi dịp cuối tuần, nhìn sự hân hoan hào hứng trên vẻ mặt của tất thảy mọi người, cũng có thể đoán chắc “phố đi bộ” đã thành công.
Sức lan tỏa của “khu phố tây” xem chừng không chỉ dừng ở bờ Nam. Trong những lần sang Thành nội ghé chơi nhà một số người thân, bạn bè, đã từng nghe những ý kiến bày tỏ niềm mong: “Giá như bên mình cũng phố đi bộ…”.
Một ông chú có nhà trong con hẻm trên trục Đặng Thái Thân hào hứng: “Nếu có phố đi bộ, chú mở bán bia lạnh liền. Vui chơ…”. Cái sự vui vẻ, hào hứng có lẽ không dừng lại ở chỉ mỗi mình chú ấy…
Cần nói thêm, ở “khu phố tây”, nhiều người đến chơi thường than phiền sao mà ngắn quá, đi chút hết liền. Trục 23 tháng 8 – Đoàn Thị Điểm – Đặng Thái Thân – Lê Huân thừa sức lấp chỗ trống cho điều này. Không gian thì xin miễn bàn, đó là không gian của một tòa thành cổ nguyên vẹn từ xưa còn lưu lại, là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Sang trọng như thế, đẳng cấp như thế, phố đi bộ ở nơi nào khác có thể đối sánh? Việc tổ chức thành công phố đi bộ trên 4 trục đường quanh Đại Nội có thể sẽ tiếp tục làm xuất lộ thêm những hướng mở khác để Huế khai thác, phát huy thế mạnh di sản. Tôi có niềm tin mãnh liệt như thế.
Bài, ảnh: DIÊN THỐNG
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online “