Kỳ cuối:Du lịch Việt Nam trên thị trường toàn cầu
Du lịch mang lại giá trị kinh tế cao, nhanh và mạnh theo nhu cầu phát triển của con người. Du lịch Việt Nam với tầm nhìn và sứ mệnh xây dựng ngành thành nền kinh tế mũi nhọn, lấy yếu tố con người làm nền tảng để phát triển bền vững.
Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách.
Để ngành Du lịch Việt Nam phát triển bứt phá, trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận lại hiện nay du lịch chúng ta đang được định vị ở đâu trên sân chơi toàn cầu. Mức độ tăng trưởng như thế nào đối với khu vực. Tổng nội lực ra sao để tự tin bước ra thị trường quốc tế. Công cuộc phát triển kinh tế quốc gia dựa trên chính sách tổng thể của ngành. Từ đó, các thành phần kinh tế có liên quan trong hệ sinh thái triển khai và sáng tạo nên sản phẩm dịch vụ độc đáo để tồn tại trên thị trường bằng chính năng lực nội tại.
Trên cơ sở đó, theo đánh giá thực trạng, du lịch quốc gia đã có bứt phá trong chính sách phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa. Đó là các qui định cũng như các bộ công cụ mang tính quốc tế làm nền tảng để khu vực doanh nghiệp và cộng đồng phát triển.
Ví dụ, khi nói làm thế nào để phát triển bền vững thì chúng ta có bộ công cụ du lịch có trách nhiệm do EU tài trợ. Trong đó, bộ tài liệu có hướng dẫn chi tiết về tính trách nhiệm của các đơn vị cung ứng dịch vụ trong chuỗi giá trị ngành du lịch. Kể cả các yếu tố đầu vào của ngành. Ngoài ra, để đo đếm được sự phát triển du lịch bằng những con số biết nói thì có công cụ Tài khoản vệ tinh du lịch (TSA) của Liên hiệp quốc, hoặc bộ công cụ đánh giá sự phát triển của du lịch thông qua việc làm và giáo dục thì có bộ công cụ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Khách tắm biển tại Phú Quốc
Hơn thế nữa, Chính phủ Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về 17 Mục tiêu Phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2030 (17SDGs), trong đó du lịch có tính chất bao trùm để thực hiện 17 SDGs hiệu quả trong việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn phát triển bền vững, đáp ứng xu hướng của du lịch toàn cầu.
Do vậy, chúng ta cần làm gì khi chính sách phát triển của quốc gia đã có để tiếp tục tạo ra những bứt phá, phát huy hiệu quả nội lực du lịch Việt Nam trên thương trường quốc tế. Câu hỏi này đặt ra cho các bên cùng tham gia vào tiến trình phát triển du lịch một tư duy làm du lịch cần đủ mạnh và minh bạch trong kinh doanh, thực thi chiến lược liên kết vững chắc giữa các ngành với du lịch và giữa các ngành trong du lịch.
Việc hoạch định chính sách theo 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc bằng hành động cụ thể của 164 tiêu chí bền vững toàn cầu thì các bên liên quan sẽ phát huy tổng sức mạnh nội lực của du lịch. Đây là nền tảng vững chắc trong tiến trình tăng trưởng các giá trị kinh tế – văn hóa – xã hội và môi trường phù hợp với tư duy phát triển của thế giới.
Hình ảnh về du lịch quốc gia được kết dính thành khối tổng thể khi chứng minh được du lịch đang len lỏi vào hoạt động của đời sống, của việc kinh doanh cũng như sự phát triển của ngành khác do du lịch đóng góp.
Trong đó, đặc biệt khu vực tư nhân, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dựa vào các tiêu chí nền tảng này và các bộ công cụ như đã nêu hoạch định chương trình hành động cụ thể, ứng dụng vào việc phát triển sản phẩm du lịch bền vững để tạo ra vô vàn dịch vụ tương ứng đủ thông minh phục vụ cho khách hàng thông minh toàn cầu. Khi chúng ta sử dụng công cụ quốc tế để xây dựng và phát triển ngành thì đó là thông điệp để ngành Du lịch Việt Nam sánh cùng thế giới.
Do tính chất đa ngành, du lịch có khả năng tăng cường quan hệ đối tác công/tư và thu hút nhiều bên liên quan – quốc tế, quốc gia, khu vực và địa phương – hợp tác để đạt được SDGs và các mục tiêu chung khác. Du lịch cũng như các ngành khác, đều mang tính chất của sự phát triển bền vững nhằm xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng an toàn và thịnh vượng.
Việc phát triển mối quan hệ bền vững toàn cầu là mục tiêu bao quát để mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và Chính phủ cùng thực hiện 16 mục tiêu còn lại, hướng về một xã hội toàn cầu bền vững mà trong đó du lịch là động lực thúc đẩy các mối tương quan này.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần đưa bộ quy tắc ứng xử du lịch vào hệ thống giáo dục để nâng cao nhận thức giới trẻ về văn hóa văn minh trong sinh hoạt cũng như hình thành thói quen chuyên nghiệp về con người du lịch…
Thạc sĩ Trần Bảo Trân- Giám đốc khu vực châu Á, Diễn đàn du lịch thế giới