Kỳ 4: Những “điểm nghẽn”trong liên kết du lịch
Liên kết du lịch sẽ góp phần tăng thêm sức mạnh, tính bền vững và tạo lực hấp dẫn. Qua đó, dần xóa bỏ thực trạng phát triển du lịch theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trong liên kết, cần phải có quy hoạch khoa học, sự chung tay, đồng lòng của những người làm du lịch từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp.
Trong liên kết, cơ quan quản lý nhà nước sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp. Trong ảnh: Lãnh đạo TP.HCM và Sở Du lịch đi khảo sát điểm đến kết nối cho các doanh nghiệp
Thực trạng liên kết vùng
Bà Trần Bảo Trân, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn Du lịch Thế giới cho rằng, ngành du lịch thế giới tăng trưởng vượt bậc. Năm 2018, 1,4 tỷ du khách đang thụ hưởng các dịch vụ du lịch toàn cầu. Con số này đã vượt dự báo của UNWTO trước hai năm. Điều này càng khẳng định, vai trò của việc liên kết giữa các vùng trên toàn cầu, giữa các khu vực của các quốc gia và liên kết sâu của các bên tham gia tạo động lực tăng trưởng kinh tế du lịch quốc tế nhanh mà bền vững.
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch không chỉ nằm trong một tỉnh mà luôn phải vươn ra khỏi phạm vi hành chính địa phương, một quốc gia, một khu vực. Vì thế, nếu không liên kết, để mỗi địa phương tự phát triển theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng” thì nguy cơ “phá” tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh.
Thực tế cũng cho thấy, liên kết vùng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả khi mà biên giới du lịch giữa các địa phương đã không còn hiện hữu, thay vào đó là một điểm đến chung thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền. Mỗi vùng có thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách.
Ông Trần Hùng Việt, nguyên Tổng Giám đốc Saigontourist cho rằng, cần giải bài toán quy hoạch tổng thể và liên kết vùng để khắc phục tình trạng phát triển nhỏ lẻ, cũng như tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đầu tư, khai thác dịch vụ du lịch. Đồng quan điểm, đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cho biết thêm, ở mỗi khu vực hiện nay chúng ta có những sản phẩm na ná nhau, không thể hiện rõ tính đặc trưng. Vì vậy, các tỉnh trong một khu vực cần phối hợp để có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn.
Hiện nay, tuy nhiều địa phương trong khu vực đã ký văn bản hợp tác phát triển du lịch với nhau và với nhiều tỉnh, thành phố khác nhưng trên thực tế, việc liên kết mới chỉ dừng lại ở ý chí của lãnh đạo các địa phương, còn thực tại vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, tỉnh nào cũng muốn thu hút khách du lịch đến với mình.
Thừa nhận thực trạng trên, một lãnh đạo Sở Du lịch của một địa phương cho biết thêm, nếu muốn gắn kết các địa phương thì phải xây dựng thương hiệu chung. Hiện nay thương hiệu chung của mỗi khu vực hầu như chưa có, mà mỗi địa phương đang tự xây dựng cho mình một thương hiệu. Bên cạnh đó, các tỉnh phải ngồi lại để chỉ ra đâu là đặc thù của địa phương, từ đó mới gắn kết sản phẩm giữa các tỉnh với nhau.
Việc tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù tùy thuộc vào tính liên kết để phân định lợi thế cạnh tranh giữa các điểm đến. Liên kết vùng để tạo sức mạnh tổng thể về hình ảnh và cũng từ đó để tạo sự khác biệt trong từng sản phẩm. Mặt khác, cần xác định rằng, cùng một giá trị du lịch bao trùm nhưng lại rất khác biệt từ giá trị cốt lõi do chính địa phương nhận ra và khai thác theo hướng bền vững.
Để liên kết thành công…
Chia sẻ với chúng tôi, các chuyên gia du lịch khẳng định, trong bối cảnh phát triển du lịch hiện nay, cùng với việc liên kết giữa các vùng, các địa phương trong và ngoài nước, xu thế liên kết đa phương, song phương giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch là hết sức quan trọng. “Sự kết nối giữa các doanh nghiệp hoạt động du lịch thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ như liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí; liên kết trong xây dựng điểm đến, xây dựng sản phẩm và quảng bá xúc tiến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cần kết nối các tour, tuyến, khu du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến các loại hình du lịch có thế mạnh của khu vực, phù hợp để kết nối với các nguồn khách…
“Sự gắn bó chặt chẽ của các doanh nghiệp trong quá trình liên kết sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn và giá trị của thương hiệu, sản phẩm, hiệu quả kinh doanh. Các mối liên kết này sẽ là nhân tố đảm bảo hình thành nên yếu tố chất lượng cao, đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch”, bà Trần Bảo Trân phân tích.
Đại diện một công ty du lịch lớn tại TP.HCM cũng chỉ ra rằng: “Để tránh tình trạng trùng lặp sản phẩm du lịch, các địa phương trong khu vực cần thống nhất quan điểm trong việc chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để hợp tác, liên kết. Thí dụ như ở Đà Lạt là hoa, đến Đắk Lắk phải là voi, qua Đắk Nông là hệ thống hang động núi lửa, đến Gia Lai là nhà rông… chẳng hạn. Khi đã có sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, thì thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá sẽ mang lại hiệu quả cao hơn”. Trong khi đó, ông Đặng Tiến Đạt, đại diện Công ty Lạc Hồng Travel lại cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh đầu tư đường nối các tuyến, điểm du lịch chính của các địa phương với những tuyến, điểm du lịch chính của cả vùng để hình thành các chương trình du lịch liên vùng phong phú.
Doanh nghiệp tham gia tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo trên một chủ trương, chính sách độc đáo thì mới mang lại tác động lớn để tự đánh thức giá trị du lịch của mỗi điểm đến, mỗi địa phương, mỗi khu vực. Mỗi địa phương cần có chính sách phát triển sản phẩm du lịch độc đáo thì mới có thể theo kịp với tốc độ tăng trưởng nhu cầu du khách. Nếu chính sách của chúng ta không có sự khác biệt thì chúng ta sẽ bị lãng quên.
Du khách tìm hiểu tại một vườn trái cây ở Cần Thơ.
Tạo giá trị chuyên biệt
Theo phân tích của bà Trần Bảo Trân, khi thời đại của công nghệ lên ngôi như hiện nay, việc liên kết giữa các đơn vị thuộc ngành du lịch và các ngành hỗ trợ khác càng tinh tế. Hệ thống các kênh tiếp cận với khách hàng đang trực tiếp đến tận đời sống hàng ngày của du khách. Do vậy, sự liên kết giữa các đơn vị vì thế cũng được tăng cường theo xu hướng hiện đại.
Sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị lữ hành – vận chuyển – cơ sở lưu trú thông qua cam kết tuân thủ pháp luật để tạo ra được giá trị cho từng sản phẩm, từ đó tạo được giá trị thương hiệu cho các bên tham gia và cho cả khách hàng. Đồng thời, đó là nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực bước vào thị trường du lịch quốc tế. Nếu doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực để đảm trách toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm du lịch đến tay du khách thì việc liên kết là hiệu quả. Khi đó, sự hài lòng từ khách hàng là tiêu chí công nhận chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp trong một sân chơi toàn cầu. Do vậy, từng đơn vị nên chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa chất lượng dịch vụ là định hướng để phát triển nhanh mà bền vững.
Tính liên kết còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi vận hành cả một hành trình chuyến đi của du khách. Trách nhiệm được chia sẻ nhưng chất lượng được cộng chung. Do vậy, sự liên kết cần có quy tắc từ phía các doanh nghiệp với nhau dựa trên cơ sở xác lập các giá trị tương đồng.
Việc liên kết phát triển du lịch, ngoài đem lại lợi ích phát triển du lịch cho mỗi địa phương, còn tạo thêm khả năng cạnh tranh giữa các bên liên quan, nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch.
(Còn nữa)
Nguyễn Nam