Tôi đã từng “nếm mùi” kẹt xe ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bangkok (Thái Lan), Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, SiemReap (Campuchia)… song vẫn còn thấy dễ chịu chán vì tình trạng kẹt xe những thành phố này chỉ xảy ra vào giờ cao điểm. Ở Manila (Philippines), vấn nạn kẹt xe xảy ra bất cứ lúc nào và không phải “trên từng cây số”, mà trên từng mét đường bộ. Song điều đó dường như chẳng ảnh hưởng gì tới việc tôi đã có một chuyến trải nghiệm đầy thú vị ở đất nước này.
Du khách đi xe ngựa tham quan cổ thành Intramuros
Phí kẹt xe
Câu nói đầu tiên cũng là câu cửa miệng của giới tài xế taxi ở Manila khi mở cửa cho người nước ngoài lên xe luôn là: “Traffic! Traffic!” để sau đó vòi vĩnh khách trả thêm một khoản tiền cho việc bị kẹt xe mà trước đó họ không hề bấm đồng hồ tính tiền. Do được mách nước trước, vừa vào xe tôi nói ngay với lái xe: “Meter please!”. Vậy mà khi xuống xe nhìn đồng hồ báo 180 peso (mỗi peso tương đương 500 đồng Việt Nam), vẫn bị ông tài xế đòi cho bằng được 300 Peso với điệp khúc “traffic”. Sau đó tôi vẫn phải đưa đủ tiền vì nếu không trả tiền kẹt xe thì vẫn bị xin thêm tiền tip.
Jeepney – “đặc sản” đường bộ
Phương tiện công cộng phổ biến nhất ở Manila không phải là xe bus hoặc mêtro mà là Jeepney, một loại xe “đặc sản” chỉ có ở Philippines. Nghe đâu cách đây vài mươi năm, để giải quyết việc đi lại cho mau chóng, người Phil đã tận dụng loại xe Jeep phế loại của quân đội Mỹ chế lại thành xe chở khách. Ngày nay toàn bộ Jeepney đều có chung một kích cỡ, kiểu dáng theo quy định lưu hành trên đường nhưng màu sắc, hình vẽ trên xe không chiếc nào giống chiếc nào nhìn khá vui mắt. Những ngày ở Philippines, tôi khoái nhất là đi loại xe này, vừa rẻ tiền vừa vui vì được dịp gần gũi, chuyện trò với cùng người bản xứ. Điều thú vị là xe Jeepney quá tiện dụng, bước ra đường đưa tay đón là xe trờ tới ngay, chứ không phải đến trạm và chờ đợi lâu như xe bus. Ngồi trên Jeepney nhìn cảnh kẹt xe cũng thấy hay hay.
Còn một loại xe nữa cũng là “đặc sản Phi Luật Tân” được người dân ở đây gọi là Tricycle, giống như xích lô bên mình, nhưng thùng xe cho khách ngồi đặt nằm ở giữa chứ không phải phía trước như xích lô hoặc kéo phía sau như xe lôi ở miền Tây. Tricycle cũng có 2 loại là xe đạp và xe gắn máy…Tất cả những loại xe này đã góp phần làm cho đường sá ở Philippines đã chật càng thêm…kẹt, nhưng đồng thời cũng tạo ra một bức tranh sống động, sắc màu khá thú vị.
Nhân viên bảo vệ trong cổ thành giả làm tượng cho du khách chụp ảnh lưu niệm
Bangka – đặc sản đường thủy
Ở đất nước có trên 7000 hòn đảo như Philippines, phương tiện vận chuyển bằng đường thủy cũng rất phong phú, đa dạng. Trong số đó, Bangka là một loại “thuyền đặc sản” rất lạ mắt với hai cái càng hai bên giúp lướt qua sóng gió khi đi qua những hồ nước mênh mông treo trên miệng núi lửa. Tôi có may mắn là cả hai lần đi và về Bacolod, (một thành phố nhỏ nằm trên đảo Negros thuộc vùng Visayas – miền Trung Philippines, nơi có các quần đảo Cebu, Bohoh và 2 tỉnh Leyte, Samar) bằng du thuyền mang cái tên rất kêu là “St Leo the great” (Thánh Leo vĩ đại) của hãng 2 Go travel có sức chứa cả ngàn hành khách bằng cả hai hạng: state room (thượng hạng, 2 người phòng riêng, máy điều hòa, nhà tắm, bàn tiếp khách, ăn tự chọn, được phục vụ tại bàn, giá 1700 peso/người) và hạng economy class section (hạng bình dân còn được gọi bằng cái tên mĩ miều là Mega value class, chỉ với giá 1000 peso/người. Ở hạng này, khách ngủ giường tầng như trại lính, đến giờ ăn xếp hàng nhận thức ăn mang đến bàn và sử dụng phòng vệ sinh, nhà tắm chung). Đi trên con tàu có đủ cả nhà hàng, quán cà phê, siêu thị mini, tiệm masage, spa, làm tóc, móng tay rồi nào phòng sinh hoạt, hát karaoke, night club, bar… với cung cách phục vụ nhịp nhàng, thân thiện tôi thấy chuyến đi thật thú vị và không kém phần lãng mạn.
An ninh thắt chặt
Ấn tượng nhất của tôi, sau khi dự Festival MassKara (lễ hội đeo mặt nạ nhảy múa trên đường phố) ở “thành phố Nụ cười” Bacalod trở về thủ đô Manila bằng du thuyền bị buộc phải có mặt trước 2 tiếng đồng hồ tại bến tàu để làm thủ tục check-in. Cả ngàn hành khách đều lần lượt ngồi xếp hàng nam theo nam và nữ theo nữ, hành lý để thành một dãy trong phòng chờ xuống tàu cho cảnh sát và nhân viên an ninh khám xét. Cảnh sát nam khám hành khách nam, cảnh sát nữ khám hành khách nữ, còn hành lý thì được chó nghiệp vụ khám. Cảnh sát Philippines khám khá kỹ, họ bắt lột mũ ra để xăm xoi và luồn tay cả vào thắt lưng của khách.
Ở thủ đô Manila có những trung tâm thương mai, siêu thị cực lớn, mà dân ghiền phở có thể vào thưởng thức phở Hòa đúng điệu, người mê sách có thể chôn chân trong nhà sách quốc gia. Thế nhưng muốn vào những trung tâm này cũng phải bước qua cổng kiểm tra nam nữ riêng và túi giỏ mang theo cũng được khám kỹ lưỡng.
Ngao du suốt một tuần trên đất nước 7107 hòn đảo này tôi mới biết nền ẩm thực của Philippines rất phong phú và người dân Phil cũng rất sành ăn. Trong số đó, tôi “kết” nhất là món liempo (sườn heo quay), còn món chicharon (da heo chiên giòn) thì làm mồi nhậu ngon “bá chấy”. Philippines có món chè Halo halo rất nổi tiếng được bán từ lề đường tới các nhà hàng sang trọng và phải công nhận là rất ngon.
Đôi điều nên biết như thế ở Philippines song không thể phủ nhận đây là đất nước có khá nhiều di sản thế giới. Trong đó có những nhà thờ kiểu Baroque rất kỳ vĩ, ruộng bậc thang Banane hoành tráng, Vườn quốc gia sông ngầm Ouet to Princesa độc đáo…, đặc biệt quốc gia có trên 7000 hòn đảo này cũng là nơi có nhiều núi lửa nhất thế giới.
Bùi Thuận
Nguồn: báo dulich việt nam